Người yêu tôi là con gái thành thị, còn tôi là chàng trai nông thôn, là mối tình đầu của nhau. Không biết có phải nhờ gốc gác chịu khổ chịu khó của tôi không mà tôi đã đánh bại được rất nhiều vệ tinh công tử con nhà giàu chốn thành thị.
Ngay trong tháng đầu tiên là người yêu của nhau, nàng dẫn tôi đến cửa hàng thời trang, yêu cầu tôi thay đổi hàng loạt áo quần cũ kỹ. Mỗi lần nàng cần tôi đi cùng ra bên ngoài thì bao giờ cũng là: Anh mặc quần này với áo này là không hợp. Để chiều lòng nàng, tôi khoác lên mình những bộ quần áo không thích.
Nếu muốn nàng đi cùng thì phải thay bộ đồ khác cho ổn, đi picnic mà anh mặc quần âu với áo sơ mi đóng thùng không khác gì đi họp, trông đạo mạo còn hơn ông già vợ…
Khi tôi về ra mắt gia đình vợ tương lai thì nàng dúi ngay vào tay tôi tờ giấy ghi sẵn nội dung cần nói chuyện cho trôi chảy.
Ảnh minh họa
Nhà vợ tương lai có tiệc tùng thì nàng thường nhắc khéo tôi: Ăn uống phải từ tốn không nhai chóp chép, xé nhỏ đồ ăn, nhai từ từ chậm rãi không phát ra tiếng động, cái dĩa để bên cạnh là để bỏ đồ ăn thừa nên anh đừng có mà vứt thức ăn xuống đất.
Thật tình thì tôi không thiết tha gì đi ăn nhà hàng cùng gia đình vợ tương lai vì những nơi này thường xa lạ đối với tôi. Món ăn vừa dọn lên bỗng nghe tiếng nói nhỏ của nàng: Anh lấy cái khăn trắng tinh ở trên bàn để lên đùi mà lau tay, nhà hàng Âu nên không ăn bằng đũa mà dùng dao, nĩa…
Vì yêu nàng tôi đã rất cố gắng nhưng càng ngày càng cảm thấy không còn là tôi nữa. Nguyên nhân chính có lẽ xuất phát từ quan niệm sống đã được ăn sâu vào máu mỗi người.
Nếu cưới nhau, cuộc hôn nhân "chồng quê vợ phố" liệu có hạnh phúc? Bây giờ thì tôi đã hiểu câu của người xưa về môn đăng hộ đối. Tôi có nên tiếp tục yêu hay từ từ rút lại tình cảm của mình. Tôi biết sẽ rất khó khăn vì tôi yêu nàng thật lòng…