Ảnh minh họa
Edith Heyck, 72 tuổi, là một nghệ sĩ kiêm quản lý công viên bán thời gian tại Newburyport, Massachusetts (Mỹ). Bà nằm trong số 38 triệu người trưởng thành sống độc thân tại Mỹ. Heyck chia sẻ: "Trước đây tôi nghĩ rằng mình sẽ kết hôn. Tôi được bố mẹ nuôi dạy để trở thành một người vợ đảm đang. Nhưng cho đến giờ tôi vẫn không tin rằng mình phải sống một mình". Bà đã ly hôn ở độ tuổi ngũ tuần, khi con trai bà 18 tuổi.
Số lượng người Mỹ lớn tuổi sống độc thân đang gia tăng. Ước tính vào năm 2022, có gần 16 triệu người từ 65 tuổi trở lên sống một mình, gấp ba lần so với những năm 1960. Dự kiến trong tương lai con số sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa, đặt ra thách thức lớn cho tương lai của Mỹ.
Các chuyên gia đã phát hiện ra một xu hướng lý giải cho hiện tượng trên: tỷ lệ ly hôn ở những người trên 50 tuổi ngày một tăng cao. Susan L. Brown, đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Hôn nhân & Gia đình Quốc gia (National Center for Family & Marriage Research) tại đại học Bowling Green State University (Mỹ) cho biết: "Chúng tôi vô cùng sửng sốt trước phát hiện của mình".
Cách đây hơn 10 năm, Brown đã phổ biến thuật ngữ "ly hôn tuổi hoa râm" (gray divorce) để miêu tả hiện tượng trên. Brown nói thêm: "Hơn một phần ba số người ly hôn hiện nay thuộc nhóm tuổi ngũ tuần. Chúng ta không thể phớt lờ thực trạng này". Cô cũng nhận thấy trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2010, tỷ lệ ly hôn của những người trên 50 tuổi tăng gấp đôi. Xu hướng này dễ thấy ở bất kỳ nhóm người nào, dù là người nổi tiếng hay bình thường. Gần đây, cặp vợ chồng tỷ phú Bill Gates và Melinda đã thu hút sự chú ý khi tuyên bố ly hôn vào năm 2021 sau 27 năm chung sống. Vào ngày 3/8 mới đây, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, 51 tuổi, đã tuyên bố ly thân với vợ.
Theo Brown, mặc dù tỷ lệ ly hôn toàn dân đang giảm dần, nhưng nhóm người cao tuổi thì lại đi ngược với xu hướng.
Lý do nhiều người rời bỏ bạn đời khi đã có tuổi
Theo chuyên gia Susan Myres, nhiều người cho rằng ly hôn khi về già là điều phi lý, đặc biệt khi đây là độ tuổi "gần đất xa trời". Nhưng với tư cách là luật sư tư vấn ly hôn có nhiều năm kinh nghiệm, bà đã lắng nghe vô vàn lý do từ những vị khách lớn tuổi. Bất ngờ thay, sự khác biệt quan điểm về chính sách vắc xin và đeo khẩu trang thời đại dịch cũng có thể là một yếu tố khiến nhiều người muốn ly hôn.
Ngoài ra, Myres cho biết: "Một số người lớn tuổi muốn ly hôn vì khoảng cách giữa vợ và chồng. Có người ly hôn do gánh chịu bạo lực gia đình. Họ đều đồng tình rằng kết hôn với nhầm người là lãng phí thời gian cuộc đời".
Vấn đề tài chính của người già sau khi ly hôn cũng được Myres và các chuyên gia khác nghiên cứu. Về phía Edith Heyck, sau khi ly hôn, bà đã gặp khó khăn tài chính. Trong nhiều năm bà phải sống chung với bạn cùng phòng, chờ đợi một khu nhà ở mới dành cho người cao tuổi có thu nhập thấp.
Brown chỉ ra, khoảng 50% người cao tuổi ly hôn sẽ sống độc thân suốt đời. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có nhiều người cao tuổi sống độc thân mà chưa từng kết hôn.
Nhà nghiên cứu tâm lý học Bella DePaulo nhận định: "Một yếu tố quyết định số lượng người cao tuổi sống độc thân chính là tiềm lực tài chính. Khi nhà nước ban hành chính sách an sinh xã hội tốt, thì có càng nhiều người lựa chọn sống độc thân ở tuổi già".
DePaulo, 69 tuổi, cũng theo đuổi chủ nghĩa độc thân trọn đời. Trong nhiều năm, bà đã nghiên cứu về nhóm người độc thân và khuyến khích họ cân nhắc kỹ lựa chọn này. Đối với DePaulo, sống độc thân không có nghĩa là lẻ loi hay cô đơn. Bà chứng minh: "Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người độc thân có khả năng giữ mối quan hệ với hàng xóm, bạn bè, người thân tốt hơn người đã kết hôn".
Hệ quả của lối sống này là gì?
Theo các chuyên gia, lối sống này có thể gây ra tác động đáng kể trên toàn quốc, đặc biệt là khi không có chính sách phúc lợi tốt. Brown giải thích: "Ai sẽ chăm sóc họ khi về già là một vấn đề lớn".
Markus Schafer, phó giáo sư xã hội học tại đại học Baylor (Mỹ) gọi đây là "hiện tượng hai mặt" (two-sided phenomenon). Ông lý giải: "Nhiều người cảm thấy thích thú khi có quyền tự quyết, không phải tranh cãi về việc nhà. Mặt khác, những người độc thân có khả năng cao đối mặt với tình trạng cô đơn về sau".
Tình trạng cô đơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách để giúp người già độc thân sống vui khỏe. Theo Schafer, công nghệ ngày càng phát triển, và những thành tựu đạt được như chó robot hay trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ích cho cuộc sống của người già độc thân.
Ly hôn ở tuổi xế chiều ở Việt Nam
Nhiều cặp vợ chồng quyết định ly hôn ở tuổi xế chiều, khi mọi thứ đã viên mãn, bởi muốn dành những năm tháng còn lại của mình cho một cuộc sống thanh thản hơn.
Tại một phiên tòa xử ly hôn ở Sóc Sơn, Hà Nội, mùa đông năm 2020, khi nghe chủ tọa đọc quyết định đồng ý cho ly hôn, người phụ nữ ngoài 70 tuổi chỉ tay vào chủ tọa và luật sư nói: "Các người phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi". Người chồng sau đó phản bác: "Có hạnh phúc đâu mà phá".
Ông chồng tên Pha, kết hôn với bà Liên được 48 năm. Khi trình bày lý do xin ly hôn người vợ sau gần nửa thế kỷ chung sống, người đàn ông cho biết, cuộc hôn nhân ông là chuỗi ngày bị vợ "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Không những thế, bà còn không cho ông dùng xe máy, điện thoại, không cho dùng điện trong nhà. Cực chẳng đã, người chồng phải lắp công tơ khác và dọn ra ở riêng. "Bà ấy còn chở két sắt của tôi đi phá, lấy giấy khai sinh, giấy xuất ngũ, giấy thu hồi ruộng đất của tôi hòng chiếm tài sản", ông Pha kể trước tòa.
Khi tòa hỏi vì sao không xin ly hôn sớm hơn, ông Pha cho biết khi còn trẻ ông nín nhịn để hai con có đủ bố mẹ. Đến khi con khôn lớn, ông vẫn cố chịu đựng để không bị nhà thông gia chê cười. Trước khi đi đến quyết định xin ly hôn, ông đã sống ly thân năm năm, song vẫn không tránh được "sự bạo hành thể chất lẫn tinh thần" từ vợ. "Tôi nơm nớp lo sợ đang ngủ bị bà ấy đánh. Hay nhỡ khi ốm đau, không còn minh mẫn bị lấy hết tài sản thì tôi sống làm sao", người đàn ông thất thập nói.
Sau lần bị phá két sắt, ông hạ quyết tâm bỏ vợ. Bà Liên không đồng ý nên đề nghị tòa giải quyết đoàn tụ, nhiều lần cáo ốm không ra tòa, không ký các giấy tờ.
Trong phần tuyên án, hội đồng xét xử nhận định "sau khi kết hôn, cuộc sống của ông Pha và bà Liên phát sinh mâu thuẫn, không có hạnh phúc, vợ chồng sống ly thân nhiều năm. Mâu thuẫn trở nên đỉnh điểm khi bà Liên cắt nguồn điện không cho ông Pha sử dụng. Tòa đã hòa giải nhiều lần nhưng tình cảm vợ chồng không được cải thiện và bà Liên cũng không đưa ra được giải pháp cải thiện quan hệ vợ chồng nên quyết định xử ly hôn".
"Tòa phân chia tài sản dựa trên công sức đóng góp và lỗi dẫn đến việc ly hôn. Ông Pha có lợi thế hơn nhưng chỉ muốn được thoát khỏi vợ nhanh chóng nên chủ động chia theo hướng có lợi hơn cho người vợ", luật sư Nguyễn Thị Tuyến - Công ty luật Khải Hưng - chia sẻ.
"Ly hôn tuổi xế chiều ít liên quan đến chuyện tình cảm còn hay hết. Trong nhiều vụ, yếu tố tài sản thường đóng vai trò như "giọt nước cuối cùng làm tràn ly" khiến các cặp vợ chồng quyết định đệ đơn lên tòa án. "Nhiều người có nhà mà không được yên ổn, có tiền mà không được tiêu... nên chọn ly hôn như một giải pháp để lo cho tuổi già của mình", luật sư Tuyến nói.
Cũng trong năm 2020, bà Tuyến tham gia tư vấn pháp lý cho vụ ly hôn của cặp vợ chồng ngoài 70 tuổi là bà Hoài và ông Thông, ở Quốc Oai. Mâu thuẫn của họ xuất hiện hai chục năm nay, từ khi ông Thông nghiện rượu, thường xuyên chửi bới, đuổi đánh vợ. Ngay cả lúc không có hơi men, người chồng cũng thường nạt nộ, xem bà như "con ở".
Đỉnh điểm tháng 4/2020, ông Thông không cho bà Hoài vào nhà. Bà phải thuê nhà để sống. Không có lương hưu, trợ cấp hay một đồng tiết kiệm, cũng không thể đi làm thuê được như trước vì căn bệnh xương khớp, người phụ nữ sống qua ngày nhờ sự đùm bọc của xóm giềng. Đến nước này bà quyết định ly hôn và xin tòa phân chia mảnh đất 250 m2 để có chút "vốn lận lưng" cho tuổi già.
Cũng vì bất đồng trong chia tài sản thừa kế, một cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi ở quận Đống Đa đưa nhau ra tòa. Người chồng muốn di chúc toàn bộ ngôi nhà nằm ở mặt tiền một con phố sầm uất, giá trị khoảng 17 tỷ đồng, cho con trai lớn, chỉ cho con trai út 2 tỷ đồng. Trong khi đó, người vợ muốn chia đôi căn nhà cho hai con dù người con cả đã được cho tiền mua một căn nhà nhỏ khác trước đó.
"Cặp vợ chồng này vốn không hợp nhau. Ông thích con cả phụng dưỡng. Bà lại thích con thứ chăm mình. Không đạt được thỏa thuận họ lôi nhau ra tòa để được quyết định phần tài sản cho con", luật sư Đinh Nguyên - Công ty TNHH quốc tế luật Hồng Thái và cộng sự - chia sẻ.
Tuy nhiên, yếu tố tài sản không phải lúc nào cũng là "động lực" để các cặp vợ chồng quyết định "đường ai nấy đi" khi tuổi đã xế chiều. Nhiều cặp vợ chồng không hạnh phúc từ thời trẻ nhưng vẫn cố sống với nhau để không ảnh hưởng đến sự nghiệp, con cái. Họ chờ tới lúc con cái trưởng thành và bản thân đã nghỉ hưu để cởi trói cho mình. Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự cũng vừa trợ giúp pháp lý cho vụ ly hôn của bà Phương, 63 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng với lý do "vợ chồng chênh nhau nhiều tầm nhận thức". Bà làm giáo viên, trong khi ông là bảo vệ, càng về già càng không có tiếng nói chung.
Mặc dù họ đã có nhà riêng, người chồng vẫn chỉ muốn sống cùng bố mẹ đẻ trong căn nhà tập thể chật hẹp. Sau nhiều năm chịu đựng cảnh sống này, hai năm trước khi nghỉ hưu, bà Phương chuyển ra nhà của mình sống. Chính sự thay đổi này cho bà thêm can đảm bắt đầu lại cuộc sống của mình.
"Bà ấy tâm sự cuộc đời phía trước dù còn vài năm hay vài chục năm, bà ấy cũng hạnh phúc vì được sống theo ý của mình, chứ không còn muốn chịu đựng người chồng đã khô cạn cảm xúc cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay", luật sư Hiển cho hay.
Ly hôn ở tuổi xế chiều chắc chắn không phải là một quyết định dễ dàng. Không chỉ đối mặt với định kiến xã hội, người vợ/chồng đều trải qua rất nhiều cảm xúc khó khăn, mâu thuẫn nội tại trong hoàn cảnh đó. Bà Phương cho biết, ánh mắt một số người nhìn mình thay đổi, thậm chí có người nói bà "già còn đổ đốn", "hồi xuân"... Con trai bà Hoài chứng kiến mẹ bị bố đối xử tệ, nhưng khi bà muốn ly hôn thì anh này về phe bố, hắt hủi bà. Ngay đến cả những người thân cũng khuyên bà hòa giải vì "đầu hai thứ tóc còn kéo nhau ra tòa làm trò cười cho thiên hạ".
"Tuy vậy xã hội ngày nay bắt đầu nhìn nhận việc ly hôn cởi mở hơn. Sau một hành trình dài nuôi dạy con và chịu đựng người vợ/chồng, không ít người nhận ra họ vẫn còn quãng đời phía trước và không muốn bất hạnh nữa", chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội), chia sẻ.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi.