Chị Thanh Nhã có hai đứa con cách nhau ba tuổi. Mỗi lần có đôi co, khóc lóc hay cãi vã gì giữa hai đứa trẻ, không cần biết nguyên nhân vì sao, chị cứ "auto" mắng, phạt đứa lớn trước đã.
Mỗi khi hai con to tiếng thì đứa lớn thường bị phạt, bất kể "thủ phạm" là đứa nào. Ảnh minh họa |
Cho đến một hôm đang nấu cơm, chị chợt nhận ra hai đứa nhỏ đang ở trong phòng ba mẹ nhưng sao im re. Chị vội vào thì phát hiện con gái nhỏ lấy cây son đắt tiền của mẹ, vặn cao, bôi be bét ra mặt, rồi để nguyên vậy mà ấn nắp đậy, làm gãy cây son. |
Chị nổi điên, con bé nhanh nhảu: "Mẹ ơi, tại chị lấy đưa cho con chứ bộ". Chị quát con lớn: "Tại sao mẹ để trên cao mà con lại lấy xuống cho em, con đầu têu cái trò này phải không?". Con gái lớn mếu máo: "Không phải đâu mẹ, em đòi, con sợ không lấy thì em khóc mẹ lại la con". Chị chợt nhận ra, hình như lâu nay mình đã sai khi dạy con.
Không biết từ lúc nào mà các ông bố bà mẹ Việt Nam thường dặn con lớn phải nhường em nhỏ. Khi hai đứa trẻ chơi với nhau có xảy ra xô xát, cãi vã gì, đứa bị la, bị ăn đòn cũng là đứa lớn vì cái tội không nhường em.
Đứa bé thường tranh giành đồ chơi với anh chị. Ảnh minh họa |
Chúng ta mặc nhiên bắt trẻ chấp nhận một điều vô lý: nhỏ thì được phép hưởng đặc ân, còn lớn thì phải chịu thiệt. Lý do được đưa ra để giải thích là con phải nhường vì con lớn hơn em. Nghe kĩ lại rất là phi lí. Em nhỏ hơn con nên em được quyền đòi thứ không phải của em, nếu con không đáp ứng lập tức em sẽ khóc la, ăn vạ và ba mẹ sẽ phạt con cái tội "chọc" em khóc. Cách hành xử đó của ba mẹ có thể sẽ vô tình gây hại cho cả hai đứa con của mình.
Có thể bạn sẽ cười thầm trong bụng: "Vớ vẩn! Chỉ là chuyện trẻ con, mình dạy nó thế để cho chị em hòa thuận chứ làm gì mà hại con". Đúng! Giữ cho hai đứa nhỏ không xảy ra xung đột, giành giật, tị hiềm... cách đơn giản nhất là bắt đứa lớn nhường đứa nhỏ từ đồ chơi, quần áo, thức ăn, vị trí, tình thường của cha mẹ...
Tuy nhiên, đó là cách dễ nhất chứ không phải là cách duy nhất. Bạn có nghĩ cách này quá thiên vị đứa bé và quá bất công với đứa lớn. Đứa lớn có thể sẽ có hai phản ứng. Một là sẽ trở nên tiêu cực, ghét em vì nghĩ ba mẹ thương em hơn mình, có thể tình cảm tiêu cực này sẽ theo bé đến lớn.
Hai là bé sẽ trở nên bao dung quá mức cần thiết, bao dung vô điều kiện với em và thậm chí sẽ hình hành tính cách cam chịu thua thiệt và nhường nhịn cả thế giới này bởi vì ngay từ nhỏ đã được ba mẹ huấn luyện như vậy. Nhường nhịn và bao dung là đức tính tốt nhưng nếu không biết đặt lòng tốt của mình đúng chỗ thì dễ bị lợi dụng điều này sẽ không tốt cho đứa trẻ khi ra đời.
Đối với đứa con nhỏ, có thể từ sự nuông chiều đó, bé sẽ lấn lướt bắt nạt anh (chị) và sẽ hình thành nên thói ích kỷ. Bởi vì ở trong nhà, bé luôn luôn được anh (chị) nhường nhịn.
Bé muốn gì được đáp ứng nấy, bé sẽ tự cho mình cái được quyền đòi hỏi, mình được quyền vô trách nhiệm còn mọi người phải có trách nhiệm chiều chuộng đáp ứng cho mình. Với cách nghĩ đó khi trẻ đi học sẽ khó thích nghi với môi trường bạn bè cần lắm sự "biết điều".
Hãy dạy các con biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau |
Bạn hãy dạy cho trẻ biết tôn trọng anh chị em, dạy cho trẻ biết nhường nhau vì yêu thương nhau, muốn lại niềm vui cho nhau chứ không phải nhường là nghĩ vụ. Dạy cho trẻ biết từ chối những đòi hỏi quá đáng của em nhỏ.