Khó xử khi bố chồng cầm tay, nói tôi giống mẹ chồng đã mất
Thời gian này, tôi rất sợ ở một mình với bố chồng. Tôi luôn tìm cách tránh né ánh nhìn và hạn chế nói chuyện cùng ông.
Vợ chồng tôi kết hôn được 15 năm, có hai con. Mẹ chồng mất sớm, giờ chúng tôi sống cùng bố chồng. Ông năm nay hơn 80 tuổi, thời gian gần đây sức khỏe ông không được tốt, có lúc "nhớ nhớ, quên quên".
Cuộc sống của gia đình tôi diễn ra khá bình thường, êm ấm. Nhưng thời gian gần đây, bố chồng tôi có những lời nói và cử chỉ khá lạ, thậm chí làm tôi hoảng sợ.
Ông thường xuyên quan sát, chú ý tới mọi cử chỉ, hành động của tôi. Nhiều lúc tôi đi đâu là ông theo đấy. Tôi ra vườn quét sân, tôi vào bếp nấu cơm, tôi ở phòng khách xem tivi... thì chỉ một lúc sau, bố chồng tôi đã ở gần đó.
Bố chồng gần đây có những biểu hiện quan tâm quá mức khiến tôi hoảng sợ. (Ảnh minh họa: Freepik).
Một lần, lúc tôi đang lúi húi trong bếp rửa bát, bất ngờ thấy bố chồng đứng ngay cạnh nhìn chăm chú. Khi tôi phát hiện, ông ngay lập tức nhúng tay vào bồn rửa bát để phụ giúp, thậm chí cứ liên tục "cầm bát nhưng chẳng may cầm nhầm vào tay tôi". Tôi có nói thế nào, bố chồng cũng không có ý định dừng lại.
Lúc hai bố con ở nhà với nhau mà không có các thành viên khác, bố chồng còn từng nắm lấy tay tôi nói: "Giờ bố mới nhận ra, công nhận con trông rất giống vợ bố". Câu nói của ông khiến tôi hoảng sợ, vội vàng lảng tránh. Chạy vào nhà vệ sinh, tôi bàng hoàng, lạnh hết cả sống lưng.
Đỉnh điểm, có lần làm việc nhà mệt quá, tôi ngủ thiếp đi trên ghế sofa lúc nào không hay. Lúc tỉnh dậy, tôi giật bắn mình khi trước mắt tôi là gương mặt bố chồng đang cúi sát gần, nhìn tôi ngủ. Tôi hét toáng lên "Bố làm gì thế ạ?" mà ông chỉ cười bảo: "Nhìn con ngủ xinh quá".
Từ sau đó, tôi không bao giờ dám ngủ quên ở phòng khách mà phải vào phòng riêng và khóa chặt cửa. Tôi cũng rất hạn chế ở nhà với bố chồng một mình. Tôi luôn tìm mọi cách tránh né ánh nhìn hay tiếp xúc với ông, dù là nhỏ nhất.
Khổ nỗi hàng tháng do chồng tôi bận công việc, tôi chính là người chở bố chồng đi khám bệnh, lấy thuốc. Tôi có đề xuất đi taxi cho an toàn nhưng ông nhất quyết không chịu. Mà mỗi lần chở bố chồng phía sau là mỗi lần ông ôm chặt lấy tôi với lý do "già rồi sợ ngã".
Tôi có đôi lần tâm sự chuyện này với chồng nhưng anh ngay lập tức gạt phăng đi, nói tôi suy nghĩ linh tinh. "Bố anh là người đàng hoàng, không bao giờ có chuyện đó. Phụ nữ cứ hay thích tưởng tượng ra".
Tôi biết chuyện này rất khó tin, nhất là với gia đình nhà chồng. Bố chồng cũng chưa làm gì quá mức, chỉ là tôi rất bị ám ảnh bởi ánh nhìn và nụ cười của ông với tôi. Các chị em phụ nữ nếu trong hoàn cảnh tương tự sẽ hiểu ý của tôi.
Giờ sống thế này không ổn mà ra ở riêng cũng không xong. Mẹ chồng mất rồi, vợ chồng tôi không thể để bố sống một mình, không chăm lo phụng dưỡng được. Mà câu chuyện của tôi chắc cũng không đủ để thuyết phục ai...
Chị vợ liên tục có biểu hiện lạ, em rể thấp thỏm lo âu
Hai năm trước, mẹ vợ tôi mất. Trước khi nhắm mắt, bà gửi gắm người con gái thứ 2 có cuộc hôn nhân bất hạnh của mình cho vợ chồng tôi nâng đỡ. Sau lần tan vỡ hôn nhân, mất đứa con chưa kịp chào đời, chị nhớ nhớ quên quên như người mất hồn.
Mẹ mất, vợ tôi lo lắng không còn ai chăm sóc, lo lắng cho chị. Cô ấy xin tôi đón chị lên thành phố, ở chung với chúng tôi. Vợ chồng tôi hiếm muộn, chưa có con nhà lại rộng rãi nên tôi đồng ý, đón chị lên ở.
Ban đầu, chị ấy nhất quyết không chịu. Chỉ đến khi tôi khẳng định chính tôi đưa ra ý định đón chị lên, chị mới đồng ý.
Lên thành phố, vợ tôi sắp xếp cho chị ở trên tầng lầu. Để chị gái không cảm thấy buồn, cô ấy giới thiệu chị vào làm nhân viên vệ sinh ở một công ty của người bạn thân.
Có vẻ việc sống ở nơi xa lạ, không còn phải đối diện với những ánh mắt kỳ thị, gièm pha của hàng xóm khiến chị vui vẻ hơn. Sau một năm sống ở phố thị, được đi làm… chị tự tin hơn.
Ảnh minh họa: Pexels.
Chúng tôi bắt đầu ăn cơm chung, cùng đi du lịch… Việc này khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Chị không ngại ngùng, cúi mặt, lầm lì đi vào phòng mỗi khi đi làm về nữa. Thay vào đó, chị vui vẻ, trò chuyện tự nhiên hơn với vợ chồng tôi.
Mấy tháng trước, chị còn cảm ơn tôi đã đồng ý cho vợ đón tôi đến ở cùng. Chị nói chị mang ơn tôi vì đã giúp mình thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt nơi quê nhà.
Cũng từ đó, tôi thấy chị có nhiều thay đổi. Ngoài việc biết chăm chút bản thân, chị cũng xin vợ tôi được giúp cô ấy trong việc chăm sóc nhà cửa. Mỗi sáng, chị đều dậy sớm quét tước nhà cửa, giặt phơi quần áo cho cả 3 người.
Thậm chí, chị xin nghỉ việc ở công ty bạn để làm nhân viên dọn nhà theo giờ với ý định sẽ có nhiều thời gian chăm sóc vợ chồng tôi hơn. Ban đầu, tôi không đồng ý. Tôi không muốn chị ấy trở thành người giúp việc của gia đình.
Tuy vậy, vợ tôi lại nghĩ khác. Cô ấy nói nếu không cho chị giúp đỡ, chị sẽ buồn vì có cảm giác mang ơn nhưng không thể đền đáp. Thế nên cô ấy khuyên tôi nên để chị đỡ đần những công việc lặt vặt trong nhà.
Từ đó, tôi quen dần với việc chị đi chợ nấu cơm, giặt đồ, phơi quần áo cho vợ chồng tôi mỗi khi chúng tôi không có thời gian. Ngày cuối tuần, chị và vợ tôi lại cùng nhau đi chợ, nấu ăn cho cả nhà.
Tuy vậy, tuần trước, tôi thấy chị bắt đầu có những biểu hiện lạ không bình thường. Mỗi khi biết tôi không đi làm, chị thường ở nhà. Nếu khách mối gọi đi dọn nhà, chị cũng về sớm hơn thường ngày.
Những lần như vậy, chị thường tỏ ra quan tâm tôi một cách thái quá. Nếu tôi đọc báo, chị sẽ rót nước đặt sẵn trên bàn. Tôi xem tivi, chị tất tả gọt trái cây. Tôi tưới cây, nhổ cỏ trong vườn, chị chạy vạy đi xách nước…
Thậm chí, có hôm tôi phát hiện chị đứng nép sau cánh cửa nhìn tôi chăm chú trong lúc tôi đang tập thể dục ngoài sân. Hôm trước, tôi đi chơi tenis về, cả người mồ hôi nhễ nhại. Thấy vậy, chị chuẩn bị sẵn khăn tắm, quần áo mới.
Chị liên tục giục tôi đi tắm. Bất ngờ hơn, tôi phát hiện chị đứng phía sau cánh cửa nhà vệ sinh trong lúc tôi đang tắm.
Những hành động ấy của chị khiến tôi lo lắng, khó xử. Tôi không biết có nên nói với vợ hay không. Nếu nói, liệu cô ấy có tin tôi không hay lại nghĩ tôi tìm cách đuổi chị đi?
Cùng gỡ rối
- Trường hợp tôi cũng giống người vợ có bố chồng "tình cảm" với con dâu như vậy. Không ở mức quá đáng nên cũng khó nói với chồng. Nhưng tôi có cách xử sự chuẩn mực khiến sau đó ông nhận ra mình cần có khoảng cách với con dâu hơn. Ví dụ khi ông lân la vào bếp trò chuyện và đòi phụ giúp, tôi dứt khoát dắt tay ông kính cẩn đưa lên phòng khách và nghiêm giọng nói: " Kính bố lên phòng khách, chỗ này dành cho con thôi. Nhà chỉ có 2 người, bố vào đây con rất sợ bị đàm tiếu này nọ. Bố cũng già rồi, vào bếp phụ con, nhỡ xảy ra bệnh tật, chồng con sẽ mắng cho đấy ạ"... Tôi nghĩ, quan trọng là thái độ của mình sẽ là cách để chấm dứt những tình cảnh trên. Còn nếu quá đáng hơn, bạn hãy diễn 1 màn kịch cho chồng "mục sở thị" lúc đó sẽ dễ giải quyết hơn.
(Thanh Lan - Hà Tiên)
- Bạn sẽ được "giải thoát" ngay nếu nói với vợ về "tình cảm" của chị vợ dành cho mình. Phụ nữ rất nhạy cảm, họ sẽ hiểu và tình cách ngăn chặn giúp bạn. Trường hợp cô ấy không tin và cho rằng bạn có ý đồ xấu, hãy dàn xếp sao cho vợ thấy được tình cảnh bạn gặp. Chắc chắn chị vợ và vợ sẽ biết cách xử sự thôi. Quan trọng là xử sao cho khéo để đừng mất đi tình cảm tốt đẹp trong gia đình.
(Nhật Minh - TP HCM)