Thủy đặt chuyến xe về quê chiều 20 tết ngay khi biết đó là ngày làm việc cuối cùng trong năm ở cơ quan. Ba năm kể từ ngày lấy chồng thành phố, năm nào, Thủy cũng ăn tết ở quê. Huấn, chồng Thủy, cũng dự định năm nay về quê vợ. “Má vợ kêu mà hổng lẽ không về. Mấy năm nay, mình chưa về lần nào. Mà chắc về hai, ba ngày rồi vào với mẹ và em mình vì nhà cũng không có ai. Má mình nghe nói năm nay về quê vợ ăn tết, bả chửi quá trời. Thân này ví xẻ làm đôi…”.
Huấn là con cả trong gia đình “thiếu nóc”. Cha theo người đàn bà khác, buộc Huấn phải làm trụ cột gia đình ở tuổi 18. Với mẹ, Huấn là niềm an ủi. Với em gái, anh như thay thế người cha. Vậy nên, thông tin năm nay Huấn về quê vợ ăn tết gây ra xáo trộn không vui trong gia đình.
Hiểu được nỗi khổ của Huấn, tôi bóng gió với Thủy về việc cô nên cân đối thời gian tết cho hai bên nội, ngoại. Thủy cho biết, cứ nghĩ đến việc để cha mẹ bơ vơ ở quê trong cái tết không có mình đã thấy không chịu nổi.
Cô cũng từng nghĩ đến trách nhiệm của con dâu và tâm niệm năm sau sẽ ở lại ăn tết với nhà chồng. “Thế nhưng, sự thật thì cái không khí bên nhau nấu bánh tét, chăm chút nhà cửa cho năm mới hoàn toàn không có ở nhà chồng. Bà nội cũng chỉ nói với cháu đôi ba câu rồi trở về với thế giới riêng của bà, mọi sự không khác ngày thường ngoài việc cả nhà rảnh rang hơn. Ở lại, mình không biết làm gì cho hết ngày và chắc chắn sẽ ức chế lắm nếu nghĩ đến cha mẹ ở quê”. Đó là lý do “tết nhà ai nấy về” vẫn diễn ra trong gia đình Thủy suốt ba năm nay.
Ảnh minh hoạ
Đối với tôi, một người đã có gia đình, cũng đi làm xa quê và từng lăn tăn chuyện tết nội hay ngoại, thì chuyện tết nơi nào vui hơn, hay làm thế nào cho tròn bổn phận dâu con không quan trọng bằng chuyện phải đặt chính mình hay người thương vào hoàn cảnh khó xử. Tết là thời gian làm sống lại những ký ức thơ bé trong gia đình, nên chắc chắn nó mang lại cho tôi những khoảnh khắc không thể nào tìm thấy ở nhà chồng.
Nhưng làm thế nào khi sự có mặt của chồng cũng vô cùng ý nghĩa đối với cha mẹ anh trong những ngày đầu năm mới? Chỉ cần nghĩ vậy thôi, chúng ta sẽ không cho phép mình nghiêng về bên nào.Tôi đem vấn đề tết nội hay ngoại hỏi cô bạn thân tên Trúc khi thấy cô chuẩn bị vé xe về quê chồng.
Trúc cám cảnh: “Dâu là con, rể là khách. Dù gia đình mình neo người, nhưng tết cũng phải thực hiện đúng trách nhiệm con dâu. Tết mình về với gia đình chồng, tranh thủ dịp lễ để về ngoại chứ biết sao giờ. Từ khi lấy chồng, tự nhiên thấy cái tết quê ngoại cứ xa vời thế nào”. Nhìn Trúc, tôi thấy mùa xuân phía trước sao não nề đến lạ.
Thế là năm nào cũng vậy, chúng tôi thống nhất với nhau nếu về nội trước sẽ tranh thủ vào sớm để ăn tết với ngoại, khi mai vàng còn rực trước sân nhà và ngược lại. Hãy đặt mình vào vị trí của nhau, thì phương án lựa chọn cuối cùng sẽ là tạm-hài-lòng cho tất cả. Tết là của gia đình, là dịp để bên nhau chứ không thể “ai về nhà nấy” để vừa lòng nội, ngoại mà lại khiến gia đình nhỏ của mình trở nên trống rỗng. Cũng không nên trọng bên nội, rẻ bên ngoại để tròn trách nhiệm dâu thảo. Điều đó chỉ khiến chúng ta tự xem nhẹ gia đình mình, nhất là suy nghĩ đó bây giờ đã cũ lắm rồi.