Bánh tráng nướng là món ăn vặt lạ miệng, đậm đà, luôn hấp dẫn nhiều người. Vẫn là những nguyên liệu giống nhau như bánh tráng, mỡ, hành, mắm ruốc, tương ớt… nhưng thực khách vẫn thường phân biệt theo địa phương như: Bánh tráng nướng Đà Lạt, bánh tráng nướng Phan Thiết, bánh tráng nướng Sài Gòn,… vì những nét riêng của từng loại bánh thể hiện trên cách gia giảm và kết hợp nguyên liệu.
Nếu như bánh tráng nướng của Sài Gòn sử dụng khá nhiều nguyên liệu như ruốc, hành phi, hành lá khô, sả, bò khô, bơ… trên nền bánh tráng mỏng như giấy thì bánh tráng tráng Phan Thiết thì có trứng cút luộc cắt nhỏ, chả lụa và củ cải làm chua. Trong khi đó, bánh tráng nướng Ninh Thuận có phần đơn giản hơn.
Bánh tráng Ninh Thuận có hai loại: Bánh tráng không và bánh tráng có thêm nem chua hay trứng cút (trứng cút được ưa chuộng hơn vì nó có vị béo, thơm và ít bùi hơn trứng gà). Khi bước vô quán, chủ quán thường hỏi bạn thích ăn bánh không hay là bánh trứng, bánh nem. “Bánh không” chỉ bao gồm mắm ruốc đã chế biến, tương ớt, hành lá, bắp cải cắt nhỏ, nước me, một chút dầu ăn hoặc tép mỡ. Cũng bởi khách hàng chủ yếu là học sinh mỗi ngày chỉ được cha mẹ cho vài ba ngàn nên “bánh tráng không” thường được lựa chọn nhiều hơn.
Nhiều du khách nhận xét rằng cái bánh của Ninh Thuận đậm đà và rõ mùi biển hơn các vùng khác. Một phần là do nguyên liệu mắm ruốc chiếm chủ đạo và vẫn giữ được nguyên vị thuần chất, không bị pha loãng hay lấn át bởi các nguyên liệu làm béo hay bùi khác.
Các nguyên liệu trong cái bánh Ninh Thuận đều đồng loạt làm tôn vị mặn chủ đạo. Một phần khác biệt nữa là ở công đoạn quét gia vị lên bánh.
Nếu như ở Sài Gòn, người bán thường cho tất cả nguyên vật liệu vào cùng lúc rồi quét đều thì ở Ninh Thuận, mắm ruốc và tương ớt được quét đầu tiên, để cho phảng phất mùi thơm trên bếp than rồi sau đó mới thêm các thành phần còn lại. Nhờ như vậy mà phần mặn mà nhất được thấm vô cái bánh một cách rất tự nhiên, đồng thời các nguyên liệu rất bắt vị với nhau, không những chinh phục được vị giác mà thỏa mãn khứu giác vô cùng. Bạn cứ thử dạo qua những con đường bánh tráng vào mùa gió mà xem, chưa thưởng thức đã thấy mùi thơm dẫn dắt mình sà vô túm tụm bên bếp lửa rồi.
Nhìn cái bánh tráng nướng, bạn có thể thấy ngay sự hào phóng và rộng rãi của người bán: Mắm ruốc được thoa dày dặn, hành lá và bắp cải được rải rất nhiều, lại thêm phần tóp mỡ được quét bên trên thơm lựng trên nền bánh đặc mè đen vô cùng bắt mắt.
Chiếc bánh không vốn dĩ đậm đà nếu kết hợp thêm với trứng hoặc nem chua sẽ khác lạ hơn hẳn, đặc biệt là nem chua được xem là điểm khác biệt lớn nhất của bánh tráng Ninh Thuận so với các vùng khác.
Chất keo sền sệt chua chua ngòn ngọt từ da heo và thịt chảy ra, hòa lẫn cùng vị mằn mặn rất đậm mùi tép và vị hăng hắc của hành lá, bấy nhiêu đó đã đậm đà. Người Ninh Thuận lại thường ăn kèm bánh tráng nướng với nước chấm (cũng với thành phần giống như phần phết vô bánh nướng) nên vị bánh trở nên tròn trịa trong miệng, thỏa mãn gu ăn uống mặn mòi của người xứ biển.
Đi ăn bánh tráng nướng ở Ninh Thuận, dù bạn chỉ kêu một hai cái bánh không với giá vài ngàn thì người bán hàng vẫn luôn nới tay, cho bạn cả chén nước chấm đầy. Phải chăng, nhờ vậy mà thực khách chẳng bao giờ dừng lại ở ba bốn cái bánh?
Thời điểm ăn bánh tráng ngon nhất là khi vừa tắm biển xong. Một nét đặc trưng ở đây là người ta thường mặc nguyên bộ đồ ướt từ biển lên, đi được một đoạn đường là tấp vào một quán bánh tráng ven đường, rồi cứ thế chồm hổm và co ro cắn rôm rốp cái bánh, ăn tới đâu ấm tới đó.
Từ cái bánh tráng nướng ban đầu chấm với mắm ruốc được bán ở các gia đình, trường học, người dân ở đây đã tìm tòi kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau để làm nên chiếc bánh tráng nướng hè phố gắn bó với bao thế hệ học trò Ninh Thuận.
Bao nhiêu mùa nắng gió đã trôi qua, chiếc bánh tráng mỡ hành vẫn vẹn nguyên hương vị cũ, ngày ngày làm chộn rộn bao góc đường. Tại thành phố Phan Rang, có cả trăm quán bánh tráng lớn nhỏ từ mặt đường cho tới trong hẻm mà quán nào cũng đông đúc.
Bạn bè tôi, mỗi khi có đứa về quê, món ăn đầu tiên mà tụi nó tìm đến rồi sau đó chụp ảnh khoe những đứa còn đang bon chen ở xứ người chính là bánh tráng nướng.
Chỉ cần nhìn cái bánh là hồn người phương xa đã bồng bềnh, đã tưởng tượng cái vị mặn mặn, cay cay, một chút tanh nồng, giòn thơm bên bè bên bạn. Để rồi, lòng thầm ước ao một ngày về chốn cũ, thách nhau ăn hết 20 cái bánh mà về nhà bỏ cơm như thuở nào….