Mỗi lần có dịp về Tri Tôn (Châu Đốc, An Giang) ghé nhà bạn chơi thì y như rằng bạn sai bầy trẻ ra chuồng chộp ngay con gà vào cắt cổ chế biến món ăn. Chỉ cần khoảng 30 phút sau là đã có món nhấm “dã chiến” lòng mề gà xào chua để “lai rai” trò chuyện trước khi chờ món chính là cháo gà và gỏi gà.
Tuy là món ăn quen thuộc, dễ làm, ai cũng biết nhưng cháo gà và gỏi gà xé phay trộn bắp chuối luộc với lá trúc (còn gọi là cây chúc) do “bà xã” bạn chế biến đúng là không lẫn vào đâu được.
Theo vợ bạn, để có nồi cháo gà ngon phải chọn gà giò thả vườn (gà mái tơ, hay trống tơ càng tuyệt), thịt ngọt săn chắc, trọng lượng khoảng 1,5 kg. Gà được vặt lông làm sạch, để nguyên con (hoặc bổ đôi tùy thích). Cho gà vào nồi nước luộc với ít muối để có vị đậm đà. Khi gà chín vớt để sẵn ra dĩa, nước luộc gà để riêng ra tô. Gạo phải rang trước cho vàng (không còn nhựa) cho vào nồi nấu với một ít nước cho nở bung sau đó cho nước luộc gà vào cùng các phụ liệu (nấm rơm, tôm khô, huyết heo, hành lá xắt nhuyễn). Khi nồi cháo sôi bùng lên, các phụ liệu vừa mềm, nêm nếm gia vị (muối + đường + bột ngọt) cho vừa ăn, tắt bếp, nhắc xuống, múc ra tô. Nhớ rắc một ít ngò rí, tiêu xay cho có mùi thơm và màu sắc bắt mắt.
Nguyên liệu chính của món gỏi gà luộc xé phay trộn bắp chuối luộc cơm mẻ, lá trúc
Riêng món gỏi gà trộn bắp chuối phải nói chị là một “nghệ nhân ẩm thực” với tài “phối ngẫu” các gia vị thật tài tình. Tôi đã đi nhiều nơi và đã nhiều lần thưởng thức món gỏi gà “mòn cả răng” như không nơi đâu bằng món do chị chế biến. Theo chị, chế biến món nầy rất công phu, không dễ dãi được và phải trải qua nhiều công đoạn, và điểm nhấn của món ăn nầy chính là lá trúc và bắp chuối luộc cơm mẻ.
Cơm mẻ là cơm nguội để lên men có vị chua thơm rất đặc trưng mà người dân ở nông thôn ai cũng có ở trong nhà để làm gia vị trong việc chế biến các món ăn. Riêng, cây trúc (họ chanh) có hương vị thơm ngon đặc trưng của vùng Thất Sơn. Lá loài cây này là loại gia vị đặc trưng không thể thiếu trong việc chế biến các món ăn tại nơi đây như: cháo bò, gỏi bò, gà luộc,…
Để chế biến món ăn nầy, đầu tiên bắp chuối lột lấy phần nõn, chẻ đôi cho vào nồi luộc với cơm mẻ (bắp chuối không sẫm màu và có mùi thơm đặc trưng). Khi bắp chuối mềm, vớt ra để ráo nước, xé sợi, trộn cùng với hỗn hợp giấm, đường theo tỉ lệ nhất định (3 muỗng đường + 3 muỗng nước mắm + 2 muỗng nước cốt chanh) cho ra dĩa thứ nhất.
Kế đến, gà luộc xé theo chiều dọc (xé phay) trộn cùng hành tây xắt khoanh (đã ngâm giấm đường) cùng lá trúc xắt nhuyễn rồi rưới hỗn hợp giấm đường (phân lượng như trên) để riêng ra dĩa thứ hai. Cuối cùng, cho 2 thứ vào trộn đều, làm thêm một dĩa muối tiêu chanh hay chén nước mắm chua ngọt là xong!
Thật thú vị trong cảnh chiều tà yên ả nơi miền Tây, tôi cùng bạn ngồi trên căn nhà sàn bên tiếng sóng vỗ ì ộp phía dưới cùng đối ẩm với món cháo, gỏi gà xé phay trộn bắp chuối luộc cơm mẻ lá trúc thật thơm ngon và hấp dẫn!
Gắp miếng gỏi gà cùng miếng bắp chuối luộc lẫn lá trúc xắt nhuyễn chấm vào chén muối ớt chanh cho vào miệng nhấn nhá nhai. Vị ngọt, dai của thịt gà, chua chua, thơm thơm của bắp chuối luộc cơm mẻ, hòa quyện cùng mùi thơm đặc trưng của lá trúc như xông thẳng lên tận mũi, lan tỏa khắp giác quan. Và câu chuyện càng thêm hưng phấn khi thêm vào cốc “đế”. Thuận tay múc miếng cháo gà cho vào chén húp một phát để trung hòa hương vị, cái thứ hương vị đặc hữu của vùng đất Thất Sơn huyền bí khiến ta luyến nhớ mãi không thôi.
______________________________________________________________________________