Cá bống kho tiêu
“Ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”.
Ngày má dắt chị em tôi trở về quê ngoại cũng là lúc cha đưa vợ nhỏ về nhà. Đã vậy, cha còn gieo tiếng oan cho má, bảo má tằng tịu với người đàn ông khác. Má buồn cho cái thói “tham mới nới cũ” của ba vì thực ra má chỉ có lỗi là sinh ra toàn con gái, trong khi gia đình chồng lại muốn có cháu trai để nối dõi tông đường. Má đau khổ chịu đựng cảnh bị gia đình chồng hắt hủi suốt nhiều năm nhưng vẫn cam chịu. Nhìn cái dáng nhỏ thó của má đi trên con đê dài trong chiều mưa lất phất với mấy túi đồ trên tay mà chị em tôi đi phía sau càng thương cho má hơn.
Thấy má về, ngoại biết có chuyện chẳng lành. Ngoại lặng lẽ ôm chúng tôi vào lòng an ủi: “Về đây sống với ngoại, nhà ngoại nghèo nhưng không nghèo tình, nghèo nghĩa”.
Chúng tôi lớn lên bằng tình thương của ngoại và má. Từ khi rời khỏi nhà nội, má tôi vất vả vừa nuôi con vừa kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình. Sống trong cảnh nghèo khó, chị Hai tôi khó chịu vô cùng. Tới bữa ăn không có món ngon là chị nhăn nhó, đòi trở về nhà nội.
Thời gian trôi qua, chúng tôi cũng quen dần với cuộc sống mới. Những món ăn đạm bạc mà má kiếm được từ ruộng đồng cũng khiến chúng tôi lớn nhanh vùn vụt. Những hôm trời mưa, má ra ruộng bắt cua về giã lấy nước nấu canh rau tập tàng cho chúng tôi ăn. Mùa nước cạn, má lội xuống sông bắt hến, chem chép về luộc, lấy thịt nấu canh mướp tẩm bổ cho chúng tôi. Có lẽ vì thiếu thốn nên chỉ với những món ăn giản dị, mộc mạc của má nhưng chúng tôi ăn một cách ngon lành.
Trong vô số những món ăn má làm, có một món mà cho đến bây giờ tôi vẫn không quên đó là cá bống kho tiêu. Vào mùa mưa, khi nước từ thượng nguồn đổ về khiến dòng sông quê tôi đỏ ngầu là má đi chặt mấy tàu lá chuối khô, bó lại thành từng chùm. Má đem thả những bó lá chuối dọc bờ sông, nơi có những cây lùng mọc dại, dập dềnh theo con nước. Má cẩn thận dùng dây cột từng chùm lá chuối vào thân cây lùng để lá khỏi trôi theo dòng nước. Mỗi ngày 2 cử, má dùng chiếc rổ to được ngoại đan bằng tre đi xúc lùm bắt cá bống. Những con cá bống nho nhỏ nhưng bụng đầy trứng, nhảy soi sói được má đem kho tiêu cho chúng tôi ăn cơm. Có bữa, cá nhiều quá, má đem ra chợ bán, mua thịt về đãi chị em tôi.
Cá bống ướp trước khi kho
Cá bống má kho lạ lắm nghen, thịt săn cứng mà khi ăn vào xương lại mềm rục. Đặc biệt, nồi cá kho thơm lừng có vị mặn, ngọt, nồng nồng mùi tiêu, ớt. Nhất là những ngày mưa, má bắt nồi cháo trắng lên bếp để tối tối cho chị em tôi ăn với cá bống kho tiêu. Không có gì ngon bằng khi được bưng tô cháo thơm mùi lá dứa, ăn với mấy con cá bống kho mằn mặn mà nuốt tới đâu ấm bụng tới đó. Tôi hỏi bí quyết kho cá thì má nói chỉ cần ướp cá với đường, muối, nước màu, bột ngọt, ớt và ít tiêu... để khoảng 30 phút cho thấm rồi hãy đem đi kho. Lúc kho, thịt cá săn lại mới nêm thêm nước mắm ngon. Cuối cùng, khi nồi cá keo lại má mới cho thêm mỡ nước cùng ít tóp mỡ vào và rắc tiêu cho thơm.
Đậm đà có bống kho tiêu
Thấm thoát, chị em tôi sống với ngoại cũng được 3 năm. Một ngày nọ, khi chúng tôi đang chơi ngoài sân thì thấy bóng cha thấp thoáng bên hàng rào. Tôi nhảy cẫng lên vui mừng vì được gặp cha. Cha vào nhà, đứng khép nép vòng tay bên ngoại, xin phép ngoại được đón má con tôi về. Ngoại im lặng bỏ ra sau nhà để má tôi nói chuyện với cha. Tôi nghe cha xin lỗi má vì đã gây cho má nhiều phiền muộn. Qua cuộc chuyện trò, tôi cũng biết người vợ sau của cha không sinh được con nên bà nội muốn cha rước chúng tôi về nhà sống cho vui vẻ. Cuối lời, cha còn nói: “Má ăn năn lắm rồi, mình coi về nhà cho gia đình được đoàn tụ”. Qua khe cửa, tôi thấy má lắc đầu trước lời đề nghị của cha, má đáp: “Tụi nhỏ đã lớn, nó muốn sống với ai thì sống chứ tui không về. Mình đừng níu kéo tui làm chi mà tội cho cô ấy lắm”. Sau lời má nói, tôi thấy ba lủi thủi ra về.
Chị em chúng tôi vẫn sống cùng với má và ngoại. Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ về thăm nội khi nhà có giỗ hay lễ, tết. Và dĩ nhiên, chúng tôi vẫn được thưởng thức món cá bống kho tiêu ngon nhất trần gian của má mỗi khi mùa nước đỏ về.
Cá bống kho tiêu ăn với cơm trắng