Tôi thường dành cả buổi sáng ngày cuối tuần dạo quanh những khu chợ nhỏ, cốt tìm những món ăn quê từng gắn bó với tuổi thơ, rồi lỉnh khỉnh mang về chế biến món này món nọ ăn cho đỡ nhớ một thời đã xa! Tuần rồi trong lúc lựa mua mớ cá hủn hỉn, chợt trông thấy một cụ bà ngồi ở một góc thật khiêm tốn của khu chợ bán món bánh canh ngọt nước cốt dừa.
Bánh canh là một món ăn được làm bằng các loại bột gạo hoặc bột năng nhồi với nước lã thành một khối bột rồi cán mỏng cắt thành sợi dài. Đâu đó khắp nơi ở các vùng miền người ta hay bắt gặp nồi bánh canh nấu với giò heo, thịt gà, thịt vịt, tôm hoặc cá… Qua tài khéo léo của các bà nội trợ, mỗi vùng miền món bánh canh truyền thống này sẽ được biến tấu với nhiều hương vị rất riêng.
Với gu ẩm thực thích ăn ngọt và béo của dân miền Tây Nam bộ quê tôi, còn có thêm món bánh canh được nấu với đường thốt nốt và nước cốt dừa hay còn gọi là bánh canh ngọt.
Ngày trước nhà tôi làm ruộng nên trữ lúa sẵn trong nhà, lúc nào hết gạo thì mang lúa đi chà. Mỗi lần chà lúa về má tôi hay đổ gạo ra tấm đệm, dùng cái nia đan bằng tre sàng gạo lựa bỏ những hạt thóc, sạn còn lẫn trong gạo. Sau khi sàng xong bao giờ cũng có mớ gạo tấm, má đem ngâm xay thành bột, bồng cho ráo đem phơi khô gói cất nơi tủ bếp.
Những buổi trưa, chị em tôi chạy nhảy ngoài sân đã đời, nghe hơi buồn miệng là chạy vô nhà mè nheo đòi má làm bánh ăn. Thế là má đem bịch bột ra chế biến, khi thì bánh lá mít nước cốt dừa, lúc làm bánh cúng, bánh bèo, bánh lọt… Nhưng món má hay làm và chị em tôi rất mê đó là bánh canh nấu với đường thốt nốt.
Món này nấu rất đơn giản, chỉ cần cho một ít bột khô vào thau, chế nước ấm ấm vào nhồi đến khi bột quyện lại thành một khối dẻo mịn. Lấy một cục bột vo tròn, đặt lên miếng lá chuối đã lau chùi sạch cán mỏng rồi dùng dao cắt thành từng sợi để rời ra.
Dừa khô nạo vắt lấy nước đầu để riêng, nước dảo cho vào nồi thêm một ít nước lã cùng vài tán đường thốt nốt bắc lên bếp đun cho đến lúc đường tan, lược hỗn hợp bỏ cặn đường rồi đun trở lại cho sôi, thả bột bánh canh vào nấu. Khi bột chín trong thì gắp những miếng lá chuối ra, thêm chút muối cho vị đậm đà.
Món bánh canh này má tôi ít khi nào nấu nhiều vì ăn nó rất mau ngán. Ăn một chén nghe lưng lưng còn thòm thèm thì mới cảm nhận hết cái ngon, chứ cố mà ăn thêm nữa là phản tác dụng ngay vì ngán ngược luôn. Tuy vậy, chứ vài bữa sau là chị em tôi lại thấy thèm, lại đòi má nấu tiếp.
Xa quê đã nhiều năm, đi đây đó được thưởng thức rất nhiều món ăn từ bình dân cho đến cầu kỳ nhưng món bánh canh ngọt quen thuộc với gia đình tôi ngày nào, rất hiếm khi bắt gặp ở đâu.
Sự tình cờ ngày hôm ấy làm tôi nhớ má, nhớ đến chái bếp đen nhẻm bụi than, nhớ hình ảnh má ngồi cạnh nồi bánh canh vừa nhắc xuống khói bay nghi ngút, đám con vây quanh, mỗi đứa chìa cái chén cho má múc vào, chế lên chút nước cốt đậm đặc và rắc tí đậu phộng rang giã dập lên cho thơm rồi mỗi đứa kiếm một góc ngồi xì xụp.