Quê nhà luôn là nơi duy nhất mà chúng ta có thể tìm về sau những tháng ngày làm việc vất vả, là nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón ta mỗi khi ta vấp ngã trên đường đời. Chỉ cần về quê, tâm hồn tôi sẽ luôn nhẹ nhõm, không còn cảnh bon chen, ồn ào náo nhiệt, không toan tính, không suy nghĩ hơn thua.
Mỗi lần về quê, tôi luôn được má nấu cho những món ăn thật ngon. Đó không phải là những món cao lương mĩ vị, chỉ là những thứ dân dã hương đồng cỏ nội nhưng vẫn đậm đà hương vị miền quê.
Má kể với tôi rằng lúc má còn con gái, má đã phải vất vả sớm hôm chuyện ruộng vườn nên chỉ biết làm những món ăn đạm bạc. Tôi cười tít mắt bảo má: “Nhờ vậy mà con dễ nuôi má à!”. Má xoa đầu tôi rồi bảo: “Cha mày! Chỉ biết khéo nịnh má thôi…”.
Trong những món má nấu, tôi vẫn thích nhất là món mắm kho. Vị thơm của mắm hòa quyện với vị beo béo của thịt ba rọi, cùng với đó là cà tím và một rổ rau sống, ăn kèm với cơm nóng trong những ngày mưa lạnh thì ngon hết sẩy.
Cà tím mềm, bỏ vào miệng mà cảm nhận được vị ngọt chứ không đắng, vị mắm đậm đà cùng với một chút ngây ngấy của thịt ba rọi làm cho món ăn không ngán. Thêm vào đấy là rổ rau sống gồm có bắp chuối non, giá, rau húng quế... tất cả tạo nên một hương vị vương vấn mãi trên đầu lưỡi. Vì biết tôi ưa thích món mắm kho nên mỗi lần tôi có dịp về quê, má đều chuẩn bị sẵn mắm. Má bảo: “Thằng Út nó thích món này của má nhất mà!”. Nụ cười hiền hậu của má như chứa đựng cả một khoảng trời xanh trong bên cạnh mái tóc đã điểm sương vì năm tháng.
Nhìn những nguyên liệu có vẻ đơn giản nhưng để tạo được hương vị đậm đà ấy là cả một nghệ thuật. Thực phẩm phải tươi ngon thì khi chế biến mới đảm bảo được chất lượng và độ thẩm mỹ. Nước được đun trên bếp đến khi sôi, có thể dùng nước hầm xương đã được ninh để tăng thêm vị ngọt. Kế đến cho mắm đã chuẩn bị sẵn vào nấu cho tan để ra hết chất mắm. Mắm ở đây thường dùng là mắm cá linh, lắng lọc qua rây để lọc bỏ hết xương cá và xác mắm.
Vì quá trình đun sôi có thể làm bay mất đi mùi thơm đặc trưng của mắm nên xương cá có thể dằm cho tan với ít nước dùng rồi lược lại xác mắm. Lấy phần nước cốt, chia làm hai phần, một phần cho vào nồi đun lại cho sôi, phần còn lại khi ăn hãy cho vào, mục đích làm cho lẩu mắm giữ lại mùi thơm.
Tiếp theo là khâu quan trọng nhất – nêm nếm gia vị theo bí quyết riêng. Tôi học theo mà làm mãi vẫn không tìm được hương vị như của má.
Cho thịt ba rọi đã thái mỏng vào, đến khi thịt đã gần chín thì có thể cho cà tím vào. Cà tím thông thường được chẻ đôi và cắt xéo từng miếng vừa ăn là được. Ngoài ra để tăng thêm hương vị cay nồng của mắm kho, má cũng không quên bỏ vào đấy vài tép xả và ớt tươi băm nhuyễn. Nấu đến khi cà tím vừa chín tới thì món ăn đã hoàn thành. Hương thơm của mắm không lẫn vào đâu được. Mỗi khi nhà nào có món ấy là mùi hương cứ theo chiều gió mà lan tỏa cả sang những nhà bên.
Lên bữa cơm, nhìn nồi mắm kho nghi ngút khói cùng với đó là những loại rau tươi ngon, tôi không kiềm lòng đặng, sà ngay vào, dù cơm nóng hổi cũng vừa thổi vừa ăn lấy ăn để. Tôi cảm nhận được niềm vui của má khi thấy tôi ngồi ăn ngon lành. Nụ cười khẽ của má hiện diện trên khuôn mặt đã xuất hiện những nếp nhăn vì một đời tảo tần vất vả. Đối với tôi, má là tất cả, là những gì tốt đẹp nhất mà tôi có được trong cuộc đời này.
Chiều tan sở, trong lòng là những muộn phiền lo âu về cuộc sống, bất giác thèm mùi thơm mắm kho của má. Chợt một cơn mưa nhỏ giữa lòng Sài Gòn, chỉ vừa thấm ướt vai áo nhưng đủ để gợi trong tôi nhiều nỗi xúc cảm. Nỗi nhớ về quê nhà, những món ăn bình dị và hình ảnh người mẹ hiền với mái tóc điểm sương.
Sài Gòn đa dạng với những món ăn, có cả món mắm kho của má, được bày bán khắp các quán ăn, nhà hàng. Nhưng có lẽ đối với tôi, nó sẽ không thể sánh bằng nồi mắm kho của má đong đầy những tình cảm, sự yêu thương mà má dành cho tôi.
(*) Xem thể lệ và cách thức tham dự cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ
.