Lần đầu tiên tôi cãi lại cha là hôm tôi đoạt giải nhất cuộc thi văn của trường. Trong khi mẹ sung sướng hỏi han đủ điều và vội vàng đi dọn cơm cho tôi ăn thì cha tôi mặt hầm hầm không nói một lời.
Bữa cơm mẹ dọn cho tôi hôm đó có chén mắm rò, mấy lát thịt ba rọi ăn kèm với trái vả. Đặc biệt, bữa cơm nào của tôi cũng có tô nước cơm đặc kẹo. Mẹ nói tôi đi học về trưa nắng, ăn cơm không có canh, sợ tôi nuốt không nổi nên bao giờ mẹ cũng chắt nước cơm để phần.
Khi tôi ăn cơm, mẹ ngồi bên cạnh, tiếp tục hỏi chuyện tôi về cái giải nhất danh giá ấy thì cha đột ngột quát lên: "Mần ăn không lo, ở đó mà văn chương, thơ thẩn. Có bẻ chữ ra mà ăn được không?".
Tôi cúi gằm mặt. Mẹ cũng thôi nói. Miếng cơm bỗng đắng ngắt trong miệng tôi. Nhưng nếu chỉ có vậy thì tôi không phản ứng bởi chuyện cha bực bội, chửi mắng là thường xuyên. Thế nhưng hôm ấy cha đột ngột bảo: "Ngày mai thằng Khôi nghỉ học theo bác tư lên A Lưới kiếm cây thuốc về đổi gạo. Không có học hành gì nữa".
Tôi đứng bật dậy, đột ngột thốt lên: "Con không đi". Vừa nói tôi vừa đùng đùng bỏ ra sân. Có lẽ do bức xúc quá nên tôi đi như chạy và không chú ý đến cái bình bông để trên đầu tủ ly. Tôi vô ý quơ tay trúng cái bình. "Xoảng". Chiếc bình rơi xuống đất vỡ tan.
Chẳng biết cái bình đó có quý hay không nhưng nghe nói đó là bình cổ. Nghĩ là tôi chống đối, cha tôi giận dữ lao theo túm tóc tôi. Và thế là đấm đá túi bụi. "Mày chống đối hả? Chống đối nè... Chống đối nè...". Mỗi tiếng của cha là một cú đấm hoặc đá. Mẹ tôi thất thanh: "Mình đánh như vậy chết con còn chi? Nó vô ý thôi mà". Mẹ đứng chen vào giữa tôi và cha. Hai tay mẹ giang ra để che đòn cho tôi. Tôi xô mẹ ra: "Cứ để cha đánh chết con đi". Rồi tôi nhìn cha trừng trừng, thách thức: "Cha đánh con đi".
Nhưng khi ấy, cha không đánh nữa mà ngồi bệt xuống ghế, thở dốc. Tôi lao ra khỏi nhà và chính thức trở thành trẻ bụi đời từ đó. Tôi thề không bao giờ quay trở lại ngôi nhà ấy, thề không bao giờ coi cha là cha...
Tôi trôi dạt vô tới Sài Gòn với hành trang là lòng căm hận. Cha là kẻ bất đắc chí nhưng ông đâu có quyền trút sự giận dữ lên đầu chúng tôi, những đứa trẻ vô tội? Năm đó tôi 15 tuổi. Trong cái rủi có cái may. Tôi được một chủ cơ sở đồ gỗ nhận vào làm. Sau đó, thấy tôi lanh lẹ, thông minh, bác cho tôi đi học.
Trong một lần về quê chứng giấy tờ, tôi biết tin cha mẹ và anh em tôi đã đi Mỹ theo diện HO. Ngôi nhà của chúng tôi được giao cho người chú họ trông giữ. Chú kể: "Mạ cháu khóc dữ lắm, đăng báo tìm cháu khắp nơi...". Tôi biết mẹ tôi thương tôi rất nhiều nhưng cứ nghĩ đến cha, tôi lại thấy nặng trĩu trong lòng. Thôi thì kể như duyên nợ của tôi với những người thân yêu chỉ có chừng ấy. Cha mẹ tôi đi, coi như không có ngày về.
Hôm đó tôi lục lọi đồ đạc trong nhà, thấy những mảnh vụn của chiếc bình bông bị vỡ ngày nào. Chắc là mẹ đã gói ghém lại và cất giữ... Bất giác, tôi chảy nước mắt. Tôi mang theo những mảnh vỡ của chiếc bình như muốn lưu giữ ký ức về gia đình không trọn vẹn. Từ đó, tôi chưa lần nào trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi coi vợ chồng bác chủ cơ sở như cha mẹ của mình. Họ cũng thương tôi như vậy.
Khi tôi thi đại học, bác bảo: "Tao thấy mày khéo tay. Hay là thi vô kiến trúc đi con?". Tôi nghe lời bác, thi vào đại học kiến trúc. Tôi vừa học, vừa làm, đến khi ra trường thì chính thức được giao quản lý một trong những xưởng sản xuất của cơ sở, giờ đã thành công ty. 5 năm sau, tôi trở thành phó giám đốc công ty. Tôi thật sự cảm ơn cuộc đời đã liên tục mở cho tôi những cánh cửa...
Cách đây 2 tuần, ông chủ gọi tôi lên, mặt nghiêm trọng: "Sao mày không về quê thăm cha mẹ hả con?". Bác đã biết rõ chuyện của tôi và bấy lâu nay không đá động tới, vậy mà bây giờ đột ngột hỏi là làm sao? Không đợi tôi hỏi tiếp, bác chìa ra tờ báo: "Họ về và đăng báo tìm mày nè con".
Đăng thông tin tìm tôi là một cái tên lạ hoắc. Mà thông tin đã cũ từ mấy tháng trước. Tôi tìm hiểu thì biết đó là một cơ sở sản xuất mắm cá rò, món đặc sản quê hương và cũng là món ăn mà ngày xưa mẹ đã cho tôi ăn mỗi ngày. Tôi ăn món mắm ấy nhiều đến nỗi, những năm tháng xa quê, hình ảnh hủ mắm rò của mẹ và cây vả bên hông nhà trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong những giấc ngủ chập chờn.
"Họ chờ anh không được nên đã đi rồi". Cô Hương, người đăng thông tin tìm tôi nói như vậy khi tôi gọi điện. "Họ" là anh trai của Hương và cô em gái út của tôi. Anh trai của Hương là hàng xóm của gia đình tôi bên Mỹ. Anh đã mang bí quyết làm món mắm rò của mẹ tôi về cho em gái mở cơ sở kinh doanh.
Tôi bay ngay về Huế. Đón tôi là cô gái nhỏ nhắn, có nước da "trắng như bông bưởi", giọng nói "nhẹ như một làn gió thoảng". Trời ơi, lâu lắm rồi tôi mới được ngồi trong một không gian Huế, nghe người Huế nói chuyện và ăn món Huế. "Anh ở Sài Gòn lâu như rứa, chả trách anh quên mất giọng nói của quê mình..."- Hương ghẹo tôi. "Mần răng mà quên được, chỉ có điều là có dịp mô để nói?"- tôi cười, giọng Huế cứng ngắc.
Đêm đó tôi nằm vắt tay lên trán nhớ về những năm tháng tuổi thơ. Ba đi học tập về thì tính tình thay đổi. Ba hay la mắng, đánh chửi anh em tôi. Có lần tôi bị ba đánh chui vào góc nhà ngồi khóc tấm tức, mẹ ngồi bên cạnh dỗ dành: "Có mạ thương con là đủ rồi".
Lần nào cũng vậy, tôi lại gục đầu vào ngực mẹ khóc ngon lành. Mẹ biết tôi là thằng con trai yếu đuối nhất trong bầy con 5 đứa nên lúc nào cũng muốn chở che, an ủi. Nghe mẹ nói, tôi thấy lòng bình yên chi lạ. Tôi nhớ những năm tháng chỉ có mẹ ở nhà với mấy anh em. Cuộc sống vất vả nên bữa ăn hằng ngày lúc nào cũng có món mắm cá rò do mẹ chính tay làm. Sau này tôi có dịp ăn món Huế ở các nhà hàng đặc sản nhưng không ở đâu có món mắm rò ngon như của mẹ.
Ngày ấy, chỉ có trái vả chấm mắm, thỉnh thoảng được vài lát thịt ba rọi chứ đâu có đủ tôm thịt, rau ghém cả chục loại như bây giờ. Con cá rò chỉ bằng ngón tay út, xương mềm, thịt rất ngọt, có nhiều từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Mẹ làm mắm theo kiểu cuốn chiếu chứ không làm nhiều một lần, ăn hết hủ này thì có hủ khác tiếp theo.
Đến cuối mùa cá thì mẹ làm hơi mặn để dành ăn lâu. Cách làm mắm thì cũng giống như trong Nam làm mắm cá cơm. Khi ăn, mẹ dầm thêm tỏi ớt, vắt chút chanh nên chén mắm đỏ au, thơm phức, ngọt lịm; ăn tới đâu biết ngon tới đó. Thú thật, tôi ăn mắm nhiều như vậy nhưng chưa bao giờ thấy ngán bởi tôi thương mẹ, thương những ngọc nhằn, chịu đựng mà mẹ phải gánh lấy trong những ngày đơn độc nuôi con..
"Anh gọi điện thoại cho họ đi"- Hương giục tôi. Nhưng tôi vẫn chần chừ. Tôi không biết bây giờ cha tôi ra sao, mẹ tôi thế nào, các anh em tôi có còn nhớ tôi không? Xa nhau gần 20 năm rồi, ngần ấy thời gian đã đủ để tôi quên trận đòn sống chết của cha nhưng tôi không biết ông đã quên hay chưa và có day dứt khi nhớ về một núm ruột đã bị bỏ lại ở quê nhà...