Từ trước đến nay, công chúng vẫn luôn biết rằng các nghệ sĩ Trung Quốc là những người kiếm tiền cực khủng và thị trường giải trí đất nước tỷ dân là miếng pizza béo bở ai cũng muốn có phần. Thu nhập của minh tinh hàng đầu showbiz Hoa ngữ vượt xa các ngôi sao ở Hàn Quốc và cả Hollywood.
Thậm chí, với những tên tuổi vừa danh tiếng vừa quyền lực, số tiền cát-xê kiếm được sẽ tính theo từng giây, từng phút họ xuất hiện với mức khởi điểm đã lên đến con số hàng triệu USD.
Sao Hoa ngữ có mức cát-xê cao ngất ngưởng.
Thế nhưng, đó là câu chuyện cách đây vài năm. Sau vụ trốn thuế chấn động showbiz của Phạm Băng Băng năm 2018, thời điểm hiện tại, mức thù lao cao ngất trời của các sao Hoa ngữ đã bị ảnh hưởng đáng kể vì chính sách "bình ổn" của các cơ quan cấp cao.
Thù lao không tưởng của sao Trung Quốc
Năm 2016, cụm từ "minh tinh lưu lượng" (giá trị thương nghiệp của nghệ sĩ) bắt đầu bùng nổ và trở thành thước đo giá cát-xê tại showbiz Hoa ngữ. Thời điểm đó, thù lao sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ yêu thích/ nổi tiếng/ tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ trên thị trường sao cho phù hợp với tên tuổi của họ.
Sohu thống kê, ở lĩnh vực phim ảnh, Hoắc Kiến Hoa từng bỏ túi hơn 10 triệu USD , còn Châu Tấn nhận được số tiền gần 15 triệu USD trong Hậu cung Như Ý truyện. Hoa đán 8X nổi tiếng như Dương Mịch , Angelababy cũng được trả thù lao hậu hĩnh lần lượt là 12 triệu USD và hơn 11 triệu USD cho mỗi tác phẩm cả hai tham gia.
|
Châu Tấn là đại hoa đán sở hữu thù lao cao bậc nhất làng giải trí. |
Trong khi đó, nếu muốn mời một trong các tứ đại lưu lượng là Ngô Diệc Phàm hay Lộc Hàm đóng chính, các nhà sản xuất phải bỏ ra một con số không nhỏ, dao động từ 14 triệu - 18 triệu USD .
So với cách đây hơn 10 năm, thời Huỳnh Hiểu Minh tham gia Thần điêu đại hiệp chỉ với mức thù lao khoảng 1.200 USD / tập, tương đương 50.000 USD cho 41 tập phim, thì con số ấy đã tăng lên gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, những con số trên không phải là nguồn thu duy nhất của các ngôi sao. Ngoài lĩnh vực diễn xuất, sự phát triển sôi động của địa hạt show truyền hình nhiều năm qua ở Trung Quốc cũng là nguồn thu nhập béo bở của các minh tinh Hoa ngữ. Theo tờ Bắc Kinh Nhật báo, chỉ tính riêng thù lao ở các show giải trí, con số đó cũng đã rất khủng.
Nam diễn viên Lưu Diệp từng được trả hơn 6 triệu NDT/ngày trong show Bố ơi! Mình đi đâu thế, Triệu Vy - Thư Kỳ tham gia Nhà hàng Trung Hoa với mức cát-xê 7 triệu USD / mùa, Lâm Thanh Hà đút túi 34 triệu USD trong chương trình Thần tượng đến rồi, được biết đây là mức giá hữu nghị nhất người đẹp này đề xuất.
Trong khi đó, với danh hiệu nữ hoàng showbiz, cát-xê của Phạm Băng Băng được tính theo từng phút. Khi tham gia Liên minh những người thách thức cô được trả 8.500 USD /phút, tương đương 765.000 USD /tập kéo dài 90 phút.
Siết chặt thù lao, nghệ sĩ ''khó sống"
"Mức cát-xê trên trời của các sao là căn bệnh kinh niên của làng giải trí xuất phát từ việc chạy theo số đông của nhà sản xuất. Điều này dẫn đến sự sai lệch về giá trị của nhiều thế hệ nghệ sĩ, đồng thời cũng làm xói mòn nhiều chuẩn mực đạo đức vốn có của xã hội. Tất cả vô hình khiến cả showbiz trở nên lố bịch trong mắt công chúng", Tân Hoa Xã nhận định.
Tân Hoa Xã chỉ ra các ngôi sao vừa có danh vừa có lực trong giới như Châu Tinh Trì, Thành Long, Lý Liên Kiệt , Châu Nhuận Phát cũng chỉ nhận mức lương từ 11 triệu USD đổ xuống. Nhưng thế hệ đi sau lại dễ dàng có được khoản tiền hậu hĩnh mà đôi lúc không xứng đáng với những gì đã thể hiện. Thù lao càng cao càng tỷ lệ nghịch với chất lượng.
Trong các sao nam gạo cội Thành Long là người sở hữu cát-xê cao nhất khoảng 11 triệu USD . |
Trước sự mất cân đối nghiêm trọng chi phí sản xuất, làm tăng tỷ lệ phim rác, chất lượng của show truyền hình giảm và tình trạng hỗn loạn giá cát-xê của các ngôi sao, từ năm 2017, Tổng Cục điện ảnh đã ban hành biện pháp kiểm soát. |
Tuy nhiên, phải đến khi án trốn thuế với số tiền cực lớn lên đến 130 triệu USD của Phạm Băng Băng bị phanh phui, chính sách thắt chặt cát-xê của giới nghệ sĩ mới được thực hiện một cách quyết liệt.
Theo cam kết, dù là phim truyền hình/ phim điện ảnh/ phim chiếu mạng hay show thực tế, thù lao của ngôi sao (kể cả khách mời) sẽ không được vượt quá 40% tổng chi phí sản xuất.
"Giá cát-xê ngất ngưởng trên 15 triệu USD giờ đã biết mất trong showbiz. Hầu hết thù lao nghệ sĩ ở lĩnh vực phim ảnh và tống nghệ đều giảm xuống mức 'lằn ranh đỏ' theo quy định của Cục, tức là gần như đều giảm từ 30 đến 50%, ngưỡng giới hạn là 9 triệu USD và mức trung bình là 7,5 triệu USD ", giám chế Tạ Hiểu Hổ cho hay.
Bên cạnh đó, ông tiết lộ nghệ sĩ được hưởng con số 9 triệu USD hiện tại có không quá 10 người và chỉ "ưu ái" dành cho minh tinh thực lực, gạo cội. Nếu một nghệ sĩ bình thường vượt qua lằn đỏ 7,5 triệu USD thì việc bị Tổng cục hỏi thăm là điều không thể tránh khỏi.
Theo Sina, phần lớn giá cát-xê của các diễn viên trẻ hiện nay đều đã giảm hơn một nửa, nghệ sĩ phổ thông có danh tiếng bình bình chấp nhận mức lương khoảng 3- 4 triệu USD . Trong khi nhiều ngôi sao hạng A dù muốn hay không cũng phải nhận thù lao ở mức trung bình, nếu không muốn chịu cảnh thất nghiệp.
Dù được o bế, song Hoàng Cảnh Du vẫn phải giảm thù lao để giữ vai. |
Trước khi chính sách "bình ổn giá cát-xê" được ban hành, Hoàng Cảnh Du từng ký hợp đồng 10 triệu USD cho vai nam chính trong Thanh xuân sáng thế kỷ, nhưng sau đó anh phải chấp nhận giảm thù lao xuống hơn một nửa chỉ còn 4 triệu USD . Nam diễn viên Doãn Chính cũng tự nguyện giảm lương từ 8,5 triệu USD xuống 1,5 triệu USD để gia nhập đoàn phim Nguồn gốc tội lỗi. |
Hoa đán hàng đầu như Dương Mịch, Trịnh Sảng, Triệu Lệ Dĩnh phải giảm 1/4 cát-xê, còn các nghệ sĩ từ Đài Loan, Hong Kong sang Đại lục hoạt động cũng phải giảm từ 20-30% đến một nửa tiền thù lao.
Không chỉ sao lớn, tiền lương của những diễn viên quần chúng ngày càng rẻ mạt vì chính sách siết chặt thù lao. Theo đó, thu nhập của một diễn viên phụ ít tên tuổi một năm chỉ có khoảng 8.570 USD , mỗi ngày họ nhận được khoảng 24 USD . Tầng lớp diễn viên quần chúng thu nhập còn thấp hơn. Mỗi ngày, họ chỉ nhận được 14 USD , trong đó 1,4 USD bị người môi giới thu lại. Cuộc sống vô cùng khó khăn.
Làm nghề tay trái kiếm sống
Để thoát khỏi tình cảnh lương không đủ sống, nhiều diễn viên quần chúng ở Hoành Điếm đã tụ tập thành những nhóm nhỏ, tự lên kịch bản và quay phim cho nhau, tạo thành các video ngắn đăng lên các trang mạng trực tuyến để kiếm tiền. Trung bình mỗi tháng họ có thể kiếm khoảng 1.500 USD , số tiền không nhiều song đủ để các diễn viên vô danh nuôi sống bản thân và gia đình.
Các diễn viên quần chúng chịu nhiều khó khăn khi thù lao giảm. |
Với các ngôi sao lớn để đối phó với tình trạng thù lao giảm, ngoài tham gia các hoạt động trong giới như show thực tế, đi sự kiện... họ đã chuyển hướng sang xây dựng "sự nghiệp thứ 2'' thông qua việc kinh doanh, livestream bán hàng, tự mình đầu tư - sản xuất phim. |
Trong đó, nghề livestream quảng bá sản phẩm đang là ngành nghề thu hút nhiều minh tinh. Công việc này vừa nhẹ nhàng hơn nhiều so với chạy show hay đóng phim vừa giúp họ kiếm bộn tiền.
Theo QQ, việc các nghệ sĩ trực tuyến bán hàng không chỉ giúp họ sử dụng lợi thế lưu lượng để nhận tiền thưởng mà còn giúp PR, xây dựng hình ảnh minh tinh thân thiện trong mắt công chúng và tăng độ phủ sóng.
Hiện tại, một số thương hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc cũng dựa vào mức độ yêu thích trong lúc phát sóng trực tiếp để đo lường giá trị thương mại của một ngôi sao trước khi hợp tác. Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Lý Liên Kiệt, Địch Lệ Nhiệt Ba ... là những tên tuổi từng góp mặt trong các hoạt động livestream thời gian gần đây. Mỗi lần xuất hiện trên sóng họ có thể nhận được hoa hồng lên đến vài triệu USD.
|
Liễu Nham có được thu nhập khủng nhờ livestream bán hàng dù sự nghiệp đi xuống. |
Mới lấn sân vào lĩnh vực livestream, nhưng nhờ danh tiếng trước đây, Phạm Băng Băng dễ dàng đút túi một triệu USD chỉ trong 30 phút, còn dòng mặt nạ từ thương hiệu FanBeauty của cô thì cháy hàng, cung không đủ cầu. Người đẹp Liễu Nham, Lý Tương được các thương hiệu trả hoa hồng không dưới 1,2 triệu USD cho mỗi buổi live.
"Lệnh giới hạn thù lao khiến cuộc cạnh tranh hợp đồng trong ngành giải trí trở nên khốc liệt hơn. Ngay cả các ngôi sao hàng đầu cũng lao vào cuộc chơi giảm cát-xê để chộp lấy cơ hội xuất hiện trên màn ảnh. Hiện tại họ là người chạy theo các nhà sản xuất, chứ không phải các nhà sản xuất chạy theo họ như trước đây. Nếu không chấp nhận mức thù lao thấp họ có thể bị loại bỏ và lập tức sẽ có một cái tên khác thế chỗ", Chinanews bình luận.
"Về phía nhà sản xuất họ cũng dần chuyển từ việc lợi dụng danh tiếng của các ngôi sao thu hút công chúng, không màng chất lượng sang đầu tư sản xuất những bộ phim có chất lượng cao, chọn diễn viên thực lực diễn xuất để nâng cao giá trị thương mại cho tác phẩm. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho giới showbiz, xóa bỏ tình trạng hét giá cát-xê, yêu sách, sao lười biếng, tài năng nhạt nhòa nhưng vẫn hưởng thù lao cao", Sina nhận xét.