Bánh hẹ được làm từ bột gạo và lá hẹ cắt khúc, bánh có hình tròn dẹp hoặc vuông. Người Hoa lấy bột gạo pha nước sôi, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn, lá hẹ cắt khúc, trộn chung với bột gạo đem hấp chín. Khi ăn thì chiên giòn bánh trên chảo nóng. Ngày nay nhiều người biến tấu bánh với phần nhân củ cải, củ sắn thái sợi với thịt nạc. Ảnh: Yến Nhi
Một số xe bánh người Hoa bán bánh hẹ chiên kèm trứng gà, củ cải muối cắt hạt lựu, tỏi và hành lá. Khi ăn, thực khách chấm bánh với nước mắm giấm ớt pha sẵn, thêm ít đu đủ bào ngâm chua, ăn giòn và rất thơm. Để chiếc bánh hẹ thêm bắt mắt, một số hàng trộn màu củ dền để bánh có sắc hồng tươi tắn hơn. Tuy nhiên, bản gốc vẫn là màu trắng của bột gạo và xanh lá của hẹ. Ảnh: Yến Nhi
Bánh lá liễu còn được gọi là bánh trái đào, là món ăn vặt quen thuộc của người Triều Châu (người Tiều). Vỏ bánh được làm từ bột há cảo, bên trong bánh có nhân gạo nếp, tôm khô, thịt, củ cải muối và hành, rất giống xôi mặn. Bánh có màu hồng tía giống trái đào nên còn được xem là biểu tượng cho sự may mắn và trường thọ. Người Tiều cũng thường mua bánh lá liễu cúng trong ngày giỗ. Ảnh: Ru Lu Chen
Bánh bao của người Hoa có nhiều loại dùng nóng hoặc nguội. Bánh bao nóng có 3 loại nhân là cadé, xá xíu, kim sa, được hấp nóng, vỏ bánh mềm và thơm, có thể ăn cùng há cảo. Trong ảnh là bánh bao cadé với phần nhân mịn béo, thơm ngậy mùi trứng gà và sữa. Giá mỗi cái từ 10.000 đồng. Ảnh: Yến Nhi
Bánh bao thường đã được hấp chín, để nguội, có nhân ngọt với đậu xanh, dừa, khoai môn, cadé. Trên mặt loại bánh bao này có in hình chữ Phúc với ý nghĩa cầu mong điều tốt lành, may mắn. Ngoài ra, người Hoa cũng có thêm loại bánh bao không nhân được làm từ bột mì, đường cát, khoai lang hấp chín ăn cùng thịt heo quay. Ảnh: Mr. True
Bánh củ cải được xem là món ăn may mắn đầu năm của người Triều Châu. Bánh làm từ bột nếp, củ cải trắng là chính. Người làm bánh bào củ cải thành sợi, vắt nước, xào sơ rồi trộn với bột, tùy theo khẩu vị có thể thêm tôm khô, nấm đông cô, ngũ vị hương, lạp xưởng rồi đem hấp chín. Bánh đạt chuẩn có mặt bóng, bột mịn, mềm và thơm, ăn lạ miệng hơn khi chiên. Ảnh: Hoàng Nhi
Bánh bột thoạt nhìn khá giống với bánh đúc khi ăn kèm với nước mắm pha chua ngọt. Điểm khác biệt đó là bánh làm từ bột gạo, không có thịt và mộc nhĩ. Chút lá quế và giá trụng ăn cùng giúp thực khách đỡ ngán hơn. Bánh bột thường bán vào buổi xế chiều như món ăn vặt nhưng vẫn có thể khiến nhiều người có cảm giác no vì thành phần chính là bột. Mỗi suất ăn có giá 15.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ