Mắc ngón tay lò xo, mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay đối với bệnh nhân trở nên rất khó khăn. Ảnh: TL
Bé 2,5 tuổi đã mắc 2 ngón tay lò xo
Thời gian gần đây, bố mẹ bé N.MH (2,5 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) phát hiện ngón tay số 4 - 5 bên tay trái của bé bị gập, co rút, không duỗi ra được. Khi bố mẹ cố gắng nắn lại, ngón tay của bé vẫn co lại như cũ. Đã có lúc bé đau, khóc.
Đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) gần nhà, bé được chẩn đoán mắc bệnh lý ngón tay lò xo. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp được phát hiện sớm nên kết quả điều trị rất tốt. “Chỉ sau ít phút phẫu thuật với vết mổ rất nhỏ (như đầu chiếc tăm), gần như không để lại sẹo, những ngón tay co rút của bé H đã có thể gập duỗi được bình thường như bao trẻ em khác, tình trạng đau cũng không còn và bé có thể trở về nhà ngay trong ngày”, BS Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình thông tin.
BS Trung Kiên cho biết, hiện nhiều người mắc bệnh lý ngón tay lò xo, nhưng thường không để ý đến những dấu hiệu sớm. Khi ngón tay co cứng lại khó duỗi, bệnh nhân mới đến khám.
Chị Nguyễn Thị T (41 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) là công nhân công ty về sản xuất bánh kẹo, công việc thường xuyên làm bằng thủ công. Cách đây gần 1 tháng, sau một lần dọn dẹp nhà cửa có va chạm ở tay, ngón tay cái bên bàn tay phải của chị bỗng nhiên không co duỗi được, có biểu hiện sưng ngón tay. Chị phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo. “Nếu để bình thường ngón tay gập thì không sao, nhưng mỗi lần cố duỗi ra, ấn vào chỗ giáp ranh giữa ngón tay và mu bàn tay thì đau, cảm giác như bị kẹt, nhất là vào buổi sáng. Thật sự rất khó chịu”, chị T nói.
Nghĩ mình bị vấn đề về khớp, chị T “tích cực” xoa dầu, bó lá… nhưng tình trạng đau, khó chịu vẫn không hề đỡ. Phải đến gần đây, đi khám tại bệnh viện, chị mới biết chị mắc bệnh lý ngón tay lò xo, được khuyến cáo nên phẫu thuật.
Theo BS Trung Kiên, ngón tay lò xo (ngón tay bật hay ngón tay cò súng) là tình trạng viêm bao gân gấp của các ngón tay gây hẹp bao gân. Do vậy, mỗi lần gập hay duỗi ngón tay đối với bệnh nhân trở nên rất khó khăn, nhất là vào buổi sáng. Ở tình trạng bệnh nặng hơn, khi gập duỗi ngón tay, bệnh nhân cảm nhận được âm thanh “lụp cụp, lụp cụp” của các khớp ngón tay khi gập duỗi. Ngón tay bật là một bệnh ảnh hưởng đến gân gập các ngón tay. Điều đáng lưu ý là, đa số trường hợp mắc ngón tay lò xo thường bị nhầm lẫn bệnh và đi khám không đúng chuyên khoa.
Khi nào nên phẫu thuật?
Bác sĩ có thể cho bệnh nhân mang nẹp giữ các ngón tay ở vị trí trung tính nếu tình trạng ngón tay lò xo ở dạng nhẹ.
BS Trung Kiên cũng chia sẻ thêm bệnh lý này, tuy bệnh không nguy hiểm nhưng sẽ hạn chế hoạt động của bàn tay, ảnh hưởng rất lớn đến công việc, chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng của ngón tay lò xo thường bắt đầu mà không có bất kỳ chấn thương nào. Chúng thường xuất hiện sau một quãng thời gian bàn tay làm việc nặng. Những biểu hiện thường thấy của bệnh này là đau ở nếp gấp xa của mặt lòng bàn tay, đau nhiều khi nắm các ngón tay lại, nhất là vào buổi sáng, nặng hơn sẽ thấy ngón tay kẹt lại khi nắm và không duỗi ra được, phải dùng tay khác kéo ra, có thể sờ thấy nốt chai ở ngay vị trí đau. Ngón tay lò xo có thể bị một hoặc nhiều ngón.
Bệnh nhân mắc ngón tay lò xo tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc trị viêm khớp, đắp các loại thuốc lá. Mọi cách điều trị không khoa học đều khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Khi có các biểu hiện bệnh, bệnh nhân nên đi khám sớm và đúng chuyên khoa để được chẩn đoán và chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Nếu các triệu chứng nhẹ, cho các ngón tay nghỉ ngơi có thể giải quyết được bệnh. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân mang nẹp giữ các ngón tay ở vị trí trung tính. Thuốc giảm đau, kháng viêm có thể được sử dụng để làm giảm cơn đau. Bác sĩ có thể chọn tiêm một mũi Corticoid - loại thuốc chống viêm mạnh - vào bao gân. TS Trần Thị Tô Châu (khoa Cơ – Xương – Khớp, Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, trong trường hợp này, chỉ tiêm Corticoid với điều kiện có bác sĩ chuyên khoa và phải có phòng tiêm vô trùng. Khi tiến hành tiêm Corticoid tại chỗ phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Chống chỉ định tuyết đối tiêm Corticoid tại chỗ với các tổn thương do nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn; tổn thương nhiễm trùng trên hoặc gần vị trí tiêm. Với các bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông hoặc có rối loạn đông máu là các đối tượng chống chỉ định tương đối tiêm Corticoid tại chỗ.
Trong một số trường hợp, triệu chứng giảm rõ rệt, nếu tái phát thì có thể tiêm thêm một mũi nữa. Nếu sau 2 lần tiêm, các triệu chứng không giảm thì nên cân nhắc việc phẫu thuật. Tiêm thuốc thường khó điều trị dứt điểm bệnh nếu bệnh nhân bị ngón tay lò xo trong một thời gian dài hoặc có bệnh nội khoa kèm theo như tiểu đường, thoái hóa khớp.
Theo TS Tô Châu, khi việc điều trị nội khoa (chỉ dùng thuốc, không phẫu thuật) thất bại, bệnh nhân mắc ngón tay lò xo được khuyến cáo phẫu thuật giải phóng chèn ép, cắt bỏ phần viêm xơ. Hầu hết ngón tay vận động dễ dàng ngay sau khi phẫu thuật.
Thường có đau nhẹ lòng bàn tay, thường xuyên nâng cao tay của bệnh nhân (trên tim) có thể làm giảm sưng và đau. Hồi phục sau 1 tuần nhưng có thể mất 6 tháng để các triệu chứng sưng và cứng ngón tay mất hoàn toàn. Nếu ngón tay khá cứng trước phẫu thuật thì tập vật lý trị liệu sau mổ sẽ hồi phục nhanh hơn.
TS Trần Thị Tô Châu cho biết, một số người làm nghề như: Nông dân, giáo viên, thợ thủ công… dễ mắc bệnh hơn; bệnh cũng có thể xuất hiện sau các chấn thương; hay hậu quả của một số bệnh: Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, gút…
Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng gây bệnh: Ngón tay lò xo phổ biến ở nữ hơn nam; bệnh thường phổ biến nhất ở những người có độ tuổi từ 35 - 60. Hiện tượng ngón tay lò xo phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường, thoái hóa khớp…