Ban Tổ chức đã nhận được gần 50 ý kiến phát biểu, bài viết tham luận cho Hội thảo.
Lần đầu tiên trong lịch sử có một hội thảo quốc tế về âm nhạc học đường được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo ngành văn hoá, giáo dục, đại diện các trường văn hoá nghệ thuật, trường tiểu học, trung học và các chuyên gia giáo dục âm nhạc hàng đầu từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Là một đơn vị đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu cũng như trong vai trò của nhà tổ chức, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia sư phạm hàng đầu trong và ngoài nước.
Cùng với đó, hội thảo cũng công bố các mô hình, nghiên cứu về giáo dục âm nhạc tại một số nước phát triển trên thế giới để cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng, nêu lên một số giải pháp và phương hướng cho giáo dục âm nhạc.
Tác giả của những ý kiến và tham luận trên là những giáo viên giảng dạy trực tiếp trên lớp tại các trường phổ thông; giảng viên Nhạc viện, trường Đại học, Cao đẳng sư phạm đào tạo giảng viên âm nhạc; các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, văn hoá, âm nhạc.
Các bài viết tập trung vào nhiều chủ đề gắn bó mật thiết đến giáo dục âm nhạc tại các trường phổ thông trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt trong thời điểm giao thời giữa chương trình học âm nhạc cũ (từ lớp 1 đến lớp 9) và ban hành chương trình âm nhạc mới từ lớp 1 đến lớp 12.
Giảng dạy âm nhạc trong trường học là quan trọng và cần phải tập trung sự quan tâm từ phương diện quản lý Nhà nước, phương pháp đào tạo giảng viên âm nhạc của các trường sư phạm. Đến những nỗ lực hơn nữa của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy để có thể đạt được những mục tiêu đào tạo ra những học sinh toàn diện về trí thức, đạo đức và tâm hồn.
Hội thảo cũng sẽ chỉ ra nhiều khó khăn bất cập bên cạnh những thành công của chương trình giáo dục âm nhạc hiện nay. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất nhiều biện pháp với các góc độ, mức độ khác nhau để môn âm nhạc thực sự trở thành một môn học với đúng ý nghĩa của nó và đạt được những mục đích đề ra, mang lại hiệu quả mang tính xã hội cao.
Cũng tại hội thảo, Ban tổ chức sẽ chính thức phát động Liên hoan Âm nhạc học đường TP HCM năm học 2018-2019. Nếu như hội thảo là cơ hội để tìm kiếm những triết lý, phương pháp luận và giải pháp cho Âm nhạc học đường thì Liên hoan Âm nhạc học đường sẽ giúp các nhà chuyên môn thử nghiệm, áp dụng các giải pháp mới, tiến đến việc đo lường, hoàn thiện.
Ngoài việc giao lưu, tranh tài giữa các học sinh thì Liên hoan Âm nhạc học đường sẽ tìm kiếm, đánh giá và trao giải các mô hình giảng dạy âm nhạc hiệu quả, sáng tạo, đã và đang áp dụng tại các trường phổ thông tại TP HCM. Các mô hình này cũng sẽ nhận được sự tư vấn từ các nhà chuyên môn để tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng và giới thiệu rộng rãi trên truyền thông. Liên hoan sẽ diễn ra từ 1-1-2019 đến 19-5-2019 với 2 vòng thi Sơ khảo (từ 1-1 đến 26-3) diễn ra tại các quận và Chung khảo (26-3 đến 19-5) tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT trong tổng số hơn 16.000 GV âm nhạc chỉ có 631 GV trình độ đại học (3,9%); 7.271 GV trình độ cao đẳng (43%); 7.271 GV trình độ trung cấp và cũng có gần 7% giáo viên dạy kiêm nhiệm. Như vậy có thể thấy trình độ đội ngũ giáo viên bộ môn Âm nhạc còn rất hạn chế.
Trên thực tế, giáo viên dạy bộ môn âm nhạc phải có hiểu biết về lý thuyết âm nhạc, phải rèn luyện để có những kỹ năng thực hành giúp các em hát kết hợp gõ đệm đúng với tất cả các sắc thái biểu cảm và hình thành ở các em cảm xúc và thị hiếu lành mạnh.
Tuy nhiên tại các trường, các giáo viên dạy âm nhạc còn phải kiêm nhiệm nhiều việc như Tổng phụ trách Đội, phụ trách hoạt động ngoài giờ lên lớp, đồng thời luôn phải tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong nhà trường nên rất vất vả, thường xuyên bị quá tải, trong khi chế độ đãi ngộ còn rất hạn chế.
Vì vậy thời gian đề chuẩn bị bài giảng, tự học đề nâng cao kiến thức là rất khó khăn. Yếu tố quan trọng hơn cả chương trình chính là giáo viên. Chất lượng giáo viên không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu, duyên âm nhạc của thầy mà còn ở phương pháp dạy học. Hiện nay, chất lượng giáo viên dạy nhạc vẫn chưa tốt.
Hiện nay, trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục nói chung, âm nhạc nói riêng có rất nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu giáo dục thì phương pháp nào cũng có mặt mạnh, mặt hạn chế.
Chưa có một phương pháp nào là hoàn hảo và có thể triển khai có hiệu quả tại tất cả các địa bàn, cho các đối tượng khác nhau mà vẫn có hiệu quả như nhau. Thực tế cho thấy rằng, bên cạnh chương trình, giáo trình thì phương pháp giảng dạy là yếu tố quan trọng.
Để xây dựng Phương pháp này phải dựa trên nhiều mặt như kiến thức, năng lực giảng viên, học sinh; truyền thống văn hoá; hệ thống đào tạo giáo viên; địa bàn từng trường; kinh phí đầu tư choc ơ sở vật chất phục vụ môn học.
Tuy nhiên, công tác triển khai giảng dạy âm nhạc tại các trường phổ thông là việc rất khó vì phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người; địa bàn của mỗi trường; trình độ thầy và trò; cơ sở vật chất kỹ thuật; biên chế; kinh phí đào tạo giáo viên; chất lượng đào tạo giáo viên âm nhạc; môi trường xã hội và gia đình; giáo trình cũng như phương pháp giảng dạy.
Giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông là quá trình sư phạm vừa khoa học vừa nghệ thuật khá thi vị. Chất lượng giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông chỉ có thể thay đổi căn bản khi chúng ta làm thay đổi các yếu tố đó theo hướng tích cực.