Phụ nữ đừng chi li quá!
Tác giả của bản nhạc chế đang nhận được nhiều sự quan tâm này là Đặng Thanh Tuyền (30 tuổi, Hà Nội) hay còn được gọi là Tuyền chế. Những ca từ trong bản nhạc chế này như nói hộ nỗi lòng của các ông chồng khi bị vợ quản lý tài chính.
"Khi nghe em kêu: lương vừa lĩnh đâu? Anh đây hoang mang mỗi khi về cuối tháng. Nước mắt trào, có lương mà được tiêu đâu. Đôi khi xin em mấy trăm để anh ăn sáng. Em kêu không cho cứ ăn ở nhà cho chắc. Nhưng em yêu ơi nhỡ khi hỏng xe đột xuất, không có tiền biết sao mà sửa hả em?..."
Chia sẻ về lý do sáng tác những ca từ này, Thanh Tuyền tâm sự: "Mình thấy đây là thực trạng chung, vì trong gia đình vợ thường giữ tiền mà chi li quá khiến các ông chồng dỡ khóc dỡ cười. Ca từ là sự cảm thông với cánh đàn ông và mình mong muốn các chị em nên tâm lý hơn và đừng quá chi li mà làm các ông chồng khổ tâm".
Đoàn Hữu Trung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) lấy vợ được 2 năm nhưng Trung cho biết cũng đã tròn 2 năm Trung chưa cầm đến đồng tiền lương vì vợ giữ luôn thẻ ngân hàng.
"Lúc đầu mình cũng ủng hộ chuyện vợ mình quản lý tài chính trong gia đình. Nhưng càng ngày thì câu chuyện càng phức tạp hơn khi vợ mình giữ luôn cả thẻ ngân hàng. Mỗi tháng vợ chỉ đưa mình mấy triệu là đúng từng đó chứ không thêm, không bớt. Nhiều khi vợ chồng gây nhau cũng vì chuyện tiền bạc".
Đồng tâm trạng với Trung, N.T.L (31 tuổi, Quảng Nam) cho biết bản thân cũng khốn đốn vì bị vợ giữ tiền. "Đã lỡ thỏa thuận với nhau từ khi mới cưới nên giờ phải chấp nhận. Lần nào có tiệc đi chơi cùng bạn bè là phải hỏi tiền vợ, nhưng bà vợ nào mà không tiếc tiền. Đưa ra ít thì được chứ nhiều là kiểu chi cũng cằn nhằn".
"Đàn ông không biết tiết kiệm, không nên giữ tiền"
Đấy là quan điểm của nhiều cô vợ khi bàn về chuyện ai là người giữ tiền trong gia đình.
Minh Hương (29 tuổi, Q.3, TP.HCM) cho biết trong gia đình Hương là người giữ tiền. "Nhiều khi ông chồng nhậu say về cũng cằn nhằn chuyện tiền nong, nhưng mình tuyệt đối giữ quan điểm của bản thân. Nếu mình không giữ thì làm gì còn tiền, anh ăn nhậu thường xuyên, rồi đàn ông thường không biết tiết kiệm nên không nên giữ tiền".
Phạm Thị Nguyên Anh (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) thì khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột: "Làm gì thì làm nhưng quan điểm của mình là phụ nữ nên là người giữ tiền. Nhưng đừng quá chi li với chồng con là được. Vì chi li quá, tính toán quá là dễ gây xung đột. Ông chồng nào cũng có sĩ diện và lòng tự trọng rất cao. Cũng đừng nên làm mất mặt chồng nếu ra đường mà không có tiền trong túi".
Không nên quá rạch ròi
Theo chuyên viên tham vấn tâm lý Chế Dạ Thảo thì kinh tế và quản lý tài chính trong gia đình là vấn đề không đơn giản và dễ dàng dù là với gia đình trẻ hay các cặp vợ chồng đã kết hôn lâu năm.
Bà Thảo khuyên, rõ ràng và có kế hoạch cụ thể là điều kiện bắt buộc trong việc quản lý tài chính của gia đình. Ai là người giữ, đóng góp và chi tiêu ra sao đều có kế hoạch ngay từ khi chuẩn bị hoặc mới kết hôn. Vì khi mọi thứ rõ ràng chúng ta tránh được những sự cảm tính khi tranh cãi hoặc phát sinh. Nó cũng đảm bảo cho sự phát triển ổn định của kinh tế gia đình.
Rõ ràng không có nghĩa là rạch ròi khô cứng như hạch toán ở công ty hay doanh nghiệp. Ví dụ, ở giai đoạn này chồng có nhu nhập cao thì phần đóng góp ổn định nhưng nếu giai đoạn sau gặp khó khăn công việc thì lúc này phải có sự thông cảm và điều chỉnh. Tránh tuyệt đối việc áp lực "nộp đủ thuế" gây khó chịu và xích mích.
Sự thỏa thuận hợp lý dựa vào khả năng của đôi bên căn cứ vào cả hoàn cảnh hiện tại. Ai giữ tiền không có nghĩa hoàn toàn tự quyết định mà luôn có sự tôn trọng và thống nhất về các khoản chi tiêu. "Không bao giờ quên khoản sinh hoạt cá nhân của vợ hoặc chồng khi lập kế hoạch chi tiêu", bà Thảo nói.
Nếu được cả 2 cùng tính toán và giao khoán khoản sinh hoạt cá nhân mỗi tháng một cách có trách nhiệm để không xảy trường hợp một trong hai đã đóp góp nhưng luôn gặp khó khăn khi muốn nhận chi phí cá nhân cần thiết của mình
Chuyên viên tham vấn tâm lý Chế Dạ Thảo