Chiều chồng dù bị nấm vùng kín
Nấm vùng kín là bệnh thường gặp ở phụ nữ (Ảnh minh họa: Internet)
Chị Lan Thy (nhân viên bán thời gian tại Cần Thơ) đi khám phụ khoa định kỳ và được chẩn đoán là bị nấm vùng kín. Bác sĩ điều trị có dặn nên kiêng cữ chuyện vợ chồng cho đến khi dứt hẳn bệnh. Thế nhưng vì ngại chị lại xuôi theo sự đòi hỏi của ông xã, vẫn cố gần gũi với chồng, dù "cô bé" của chị có phần hơi đau rát.
Cho đến khi chồng chị Lan Thy kêu bị ngứa ngáy vùng kín thì chị lo lắng và rất hối hận. Chỉ vì không nghe lời bác sĩ, chị đã khiến anh bị lây bệnh. Ngay cả "chỗ ấy" của chị bây giờ cũng đau nhức và phát sinh mùi khó chịu...
Khi nấm âm đạo "không mời mà đến"
Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn chia sẻ: Trong điều trị viêm nhiễm phụ khoa, các bác sĩ thường khuyên người bệnh nên kiêng quan hệ tình dục để việc chữa trị đạt hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà các bác sĩ lại đưa ra cho người bệnh lời khuyên này. Vì lý do chính là niêm mạc phần phụ đang bị tổn thương (do viêm nhiễm, nấm, trầy xước…) có thể gây đau, chấn thương (chảy máu, rách toạc, bục vỡ…) làm bệnh tình kéo dài, hoặc nặng thêm dưới tác động trực tiếp của những động tác khi làm "chuyện ấy".
Việc chung đụng trong thời gian bị bệnh nấm âm đạo dễ khiến "cô bé" bị tổn thương khiến viêm nhiễm trầm trọng hơn. Dù có sử dụng bao cao su thì việc cọ xát trong quá trình giao hợp đều khiến vết loét nặng, dễ gây chảy máu và khả năng lây nhiễm cho lần quan hệ kế tiếp cũng cao hơn. Bệnh càng nghiêm trọng, mầm bệnh càng nhiều thì khả năng lây nhiễm sang chồng khi quan hệ càng cao.
Đừng chủ quan khi bị nấm "ghé thăm", bởi bệnh nấm âm đạo không chỉ lây qua đường tình dục mà còn lây nhiễm từ mẹ sang con khiến trẻ sinh qua đường âm đạo dễ mắc các bệnh về da, mắt và đường hô hấp.
Đừng lơ là cảnh giác và xem thường "đoàn binh nấm" xâm lược
Trong thời gian bị bệnh, bệnh nhân "gần" chồng mà không thấy đau rát hay xảy ra biến cố gì cũng không có nghĩa là bệnh tình vô sự dưới bàn tay tình dục. Bạn nên thuyết phục ông xã "có kiêng có lành", giúp bạn tuân thủ chỉ định của bác sĩ, ít nhất là giảm tần suất hay áp dụng vài biện pháp hỗ trợ nếu được như dùng bao cao su, chất bôi trơn nhân tạo (tuy vậy, cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trước và thăm dò tình hình kỹ nếu cần phải dừng lại).
Mạnh dạn chia sẻ với chồng để có sự cảm thông, cùng hợp tác với bác sĩ để quá trình điều trị nhanh chóng và hiệu quả.
Để phòng bệnh, chị em nên xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách, thường xuyên khám phụ khoa định kỳ hoặc khi cảm thấy vùng kín có những dấu hiệu lạ.
Không may mắc bệnh, chị em nên thăm khám và điều trị ngay tại cơ sở y tế uy tín, không nên để bệnh nặng rồi mới điều trị. Thận trọng trong việc vệ sinh và sử dụng khăn tắm, chậu tắm hằng ngày để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh.
Mong rằng những thông tin hữu ích bên trên có thể phần nào giúp cho chị em có cái nhìn tổng quan hơn trong việc điều trị bệnh phụ khoa. Đồng thời, kiêng quan hệ tình dục trong thời gian bị bệnh để tránh lây nhiễm và hạn chế nguy cơ tái phát bệnh.