Vì cần làm một bản hợp đồng gấp với khách hàng nhưng máy tính hư nên giữa khuya, tôi lôi laptop của chồng ra làm việc. Khi ấy gần 3g sáng. Bỗng dưng một tin nhắn Zalo lóe sáng: "Ngủ luôn vậy anh? Em vừa giật mình. Cả người nặng trĩu".
Linh tính mách tôi tinh nhắn này không đơn giản. Tôi nhấp mở Zalo của chồng ra xem tiếp, thì có vài tin nhắn từ khoảng 9g tối hôm trước, gửi một số hình của đoàn công tác ở xã đi tham quan địa đạo Củ Chi. Rồi thì lời than đau bụng…
Cách xưng hô trong tin nhắn ấy làm tôi bàng hoàng. Cô gái đó gọi chồng tôi là ox (ông xã), là ck (chồng), xưng là vk (vợ)… Cách nhắn tin vô cùng thân mật.
Tôi bàng hoàng khi đọc những đoạn chat Zalo của chồng và cô gái trẻ (Ảnh minh họa)
Tay chân tôi run rẩy. Người con gái này tôi không lạ, là cấp dưới của chồng tôi, làm việc ở xã. Tôi biết cô ấy, bởi trong những ngày dịch bệnh, thấy bếp ăn của xã huy động kinh phí khó khăn, tôi đã mời gọi người thân, bạn bè của mình trợ giúp.
Bốn tháng dịch bệnh ròng rã, tôi âm thầm hỗ trợ công việc của chồng thông qua việc giúp bếp ăn này. Sau đó, tôi còn tất tả đi xin máy tính, điện thoại thông minh cho anh mang tặng người nghèo. Có khi không đủ chi, tôi ráng thức đêm thức hôm giải quyết thêm một số đơn hàng để có tiền góp vào công trình đó.
26 năm chung sống. Tôi tuyệt đối tin tưởng chồng, bởi anh luôn thể hiện là người có trách nhiệm với vợ con, gia đình. Thế nhưng khi đọc những dòng tin nhắn Zalo, tôi hoài nghi tất cả.
Tôi mở trang nhật ký Zalo của cô ấy xem, thì ra những gì tôi nghi ngờ hoàn toàn chính xác. Không chỉ một lần mà rất nhiều lần trên trang mạng xã hội này người này bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn với chồng tôi.
Người "luôn ở bên em, luôn bên cạnh em", "Hai mùa Noel trọn vẹn hạnh phúc! Very happy!". Cô ấy còn khoe những đóa hoa, những món quà mà chồng tôi đã tặng, kể cả những múi mít vườn nhà tôi anh đã mang tới.
Bàng hoàng nhất là ngày Noel, khi cô ấy khoe trọn vẹn yêu thương là ngày chồng tôi cũng bất ngờ đi công tác vì lý do… chống dịch.
Hôm sau tôi làm lớn chuyện. Dĩ nhiên là chồng tôi chối bay chối biến mối quan hệ này. Nhưng anh không còn lý để cãi vì sao người ta gọi anh là chồng, là ông xã rồi tự xưng mình là vợ, dù mối quan hệ công việc rõ ràng cấp trên, cấp dưới, không bà con, họ hàng gì.
Nhìn lại, tôi mới thấy suốt hai năm qua (tức kể từ khi cô ấy khẳng định luôn có chồng tôi bên cạnh) tôi đã vô cùng sơ suất.
Tôi không trách cô gái trẻ hơn tôi gần 20 tuổi đó. Tôi tiếc chồng tôi đã coi thường một quãng đường dài hôn nhân.
Anh có lẽ không còn nhớ ngày mới quen tôi cùng chia nhau một ổ bánh mì, che chung chiếc áo mưa. Vì theo đuổi tôi, anh đạp xe đưa tôi vượt mười mấy cây số về nhà, sau đó nhảy lên xe buýt ở chân cầu Bình Điền về lại ký túc xá.
Anh cũng không còn nhớ những đêm con trai đầu lòng sốt cao, không ngủ vì mọc răng, hai vợ chồng phải cùng chuyền bế trên tay lo lắng đến thế nào…
Con trai hay cằn nhằn mẹ sao ba không bao giờ nghĩ tốt cho con? Mới cách đó mấy ngày, con bị đụng xe, té rơi điện thoại và vỡ màn hình. Con hớt hải chạy về báo tin, anh trừng mắt hỏi: "Đi đứng sao cho rớt điện thoại?". Con uất nghẹn chạy qua tìm mẹ hỏi vì sao ba không hỏi coi con bị té trầy, bầm ở đâu…
lúc đó tôi qua loa giải thích chắc ba bận quá. Nhưng con nói: "Con thấy ba không quan tâm tới mẹ con mình". Tôi bàng hoàng nghĩ, đúng là anh chẳng quan tâm gì chúng tôi. Tôi bệnh, sốt nằm một chỗ thì hai con nấu nướng, thăm hỏi, anh chưa bao giờ mắt đến nhìn tôi, đừng nói chuyện sờ trán coi tôi nóng lạnh ra sao…
Chuyện này khác hẳn nỗi lo lúc 9g đêm khi người ta than đau bụng vì "đèn đỏ", anh vội vã hỏi han, an ủi, dặn chườm nước ấm. Tôi giật mình, đã bao lâu rồi chồng không biết ngày vợ hành kinh? Thì ra anh ta không phải không quan tâm những điều nhỏ nhặt mà chính bởi anh đang bận chăm lo, an ủi kỳ kinh nguyệt của người đàn bà khác.
Bên ngoài ai nhìn vào cũng nói tôi thành đạt, hạnh phúc. Thế nhưng có ai nghĩ người phụ nữ lúc nào cũng tươi roi rói này chưa một lần được chồng dắt xe, mở cổng, xem giúp cái bánh xe, thắng xe có ổn chưa không?
Mấy lần tôi nằm viện, trừ lần đầu sinh con, đều là dì, là mẹ với các chị em chồng đi chăm, chồng một lời thăm hỏi cũng không hề hé miệng.
Lấy anh, tôi không phải làm dâu, dù anh là con trai duy nhất của ba mẹ. Khi ấy vì anh yêu chiều tôi, sợ tôi sống chung va chạm. Tuy vậy, với gia đình chồng tôi luôn chu toàn mọi thứ, cả gia đình chồng thương yêu tôi, từ cha mẹ đến các chị em. Các anh rể, rồi cả các cháu bên nhà chồng ai cũng nể và thương quý tôi.
Thương chồng, tôi không ngần ngại đón con trai của người chị cả ở quê lên học đại học và nuôi cháu suốt ba năm trời cho đến khi anh chị chồng bán nhà ở quê lên thành phố cất nhà, cháu cũng gần tốt nghiệp đại học mới rời đi.
Đã vậy, sau khi thấy mẹ chồng bị căn bệnh Parkinson hành hạ, tôi không ngần ngại rước ông bà về phụng dưỡng. Tình cảm đại gia đình càng thân thiết gắn bó hơn…
Những lo toan, vun vén ấy của tôi như một lẽ tự nhiên. Và vì tự nhiên nên không hề được chồng để vào mắt, chứ đừng nói khắc vào lòng. Anh chưa bao giờ chia sẻ với tôi hay các con cũng như bất cứ ai một lời cảm ơn nào với những lo toan của vợ.
Hôm Lễ tình nhân mới đây, tôi đùa: "Sao ba không tặng hoa hay quà cho mẹ?". Anh nói: "Khùng hả!"
Ừ, thì tôi khùng. Khùng mới cúc cung tận tụy nhà chồng khi chồng bận đi chăm lo người khác.
Vài hôm nữa sinh nhật tôi, có lẽ cũng như mọi năm, tôi sẽ chẳng có hoa, quà. Nhưng có lẽ tôi rảnh rỗi hơn rồi, ít nhất từ nay trở đi, tôi không tất tả dậy sớm hay phải ráng nhướn mắt để ủi áo quần cho chồng khi đã và đang vô cùng buồn ngủ, cùng nỗ lo ủi không thẳng, không đẹp, sợ anh mất mặt lúc vào công sở.
Tôi đã nộp đơn ly hôn, bởi tôi thấy đời người ngắn lắm, 26 năm qua tôi đã quá lãng phí sức lực rồi.