Một số nghiên cứu tâm lý về hẹn hò gần đây thống trị mạng xã hội, đặc biệt là bài đăng của những người độc thân. Theo Psychology Today, đàn ông đang cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.
Đây là điều đáng lo ngại bởi nam giới thường có chất lượng cuộc sống tốt hơn khi gắn bó với bạn đời. Độc thân cũng khiến họ ít tìm kiếm sự trợ giúp cho sức khỏe tâm thần hơn, theo Glamour.
Đàn ông chiếm 63% người dùng ứng dụng hẹn hò. Điều này có nghĩa họ ít có cơ hội kết đôi hơn so với phụ nữ.
Thực tế, có vấn đề sâu sắc hơn với văn hóa hẹn hò. Nam giới đang cảm thấy cô đơn bởi họ có xu hướng coi thường cả chuyện hẹn hò lẫn phát triển bản thân. Còn phụ nữ, nói một cách đơn giản, là từ bỏ kỳ vọng vào đàn ông và nâng cao tiêu chuẩn hẹn hò.
Phụ nữ dị tính ngày càng nâng cao tiêu chuẩn hẹn hò. Ảnh: Getty.
Nghiên cứu không đổ lỗi cho nữ giới, thậm chí còn khẳng định "với rất nhiều lựa chọn ngoài kia, tại sao họ không được nâng cao tiêu chuẩn của mình?". Tuy nhiên, nó lại coi đàn ông là nạn nhân của hoàn cảnh, như thể phụ nữ nâng cao tiêu chuẩn khiến nam giới phải độc thân cả đời.
Vấn đề đối với nam giới là kết nối tình cảm là mạch máu của tình yêu lâu dài và lành mạnh. Tuy nhiên, các kỹ năng trong tình yêu không được dạy cho các chàng trai một cách nhất quán.
Sự thay đổi văn hóa khiến phụ nữ dị tính đòi hỏi nhiều hơn từ các mối quan hệ. Họ không cần đàn ông đi săn và hái lượm như thời tiền sử mà cần được đáp ứng về mặt tình cảm.
Không có gì ngạc nhiên khi phụ nữ đang nâng cao tiêu chuẩn của mình và đòi hỏi nhiều hơn từ đàn ông. Họ không nhất thiết lấy chồng mà chỉ muốn hẹn hò với ai đó không phải người xấu.
Cuối cùng, đàn ông nên coi đây là lời khuyên và cơ hội để cải thiện bản thân. Họ nên đầu tư thời gian, quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng như thay đổi cách nhìn về các mối quan hệ.
Nam giới nên ngừng tìm kiếm người vợ có thể chăm lo và giặt giũ cho mình. Họ cần xây dựng mối quan hệ dựa trên tình yêu và sự bình đẳng, rũ bỏ các chuẩn mực giới tính hay kỳ vọng từ việc hẹn hò, khám phá những cách thức hẹn hò phi truyền thống.
Thay vì cảm thấy bị bỏ lại bởi sự chuyển đổi văn hóa này, đàn ông có thể song hành với phụ nữ.
Khi đàn ông cô đơn
Phái mạnh khi đơn độc sẽ có những biểu hiện gì? Sự cô đơn có làm đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn hay ngược lại? Để bớt lẻ loi, người đàn ông sẽ phải như thế nào đây?
Người đàn ông khi cảm thấy cô đơn, trái tim như băng giá, lạnh lùng trước đám đông, âm thầm trong công tác, lơ đễnh với bạn bè, lặng lẽ với người thân nhưng lại nhiệt tình trong… giấc ngủ. Giấc ngủ qua đi, tưởng chừng nỗi cô đơn rồi cũng sẽ qua theo nhưng đối với đàn ông, nó cứ vẫn bồng bềnh đâu đó, trong ánh mắt xa xăm mà cố tình như bay bổng, trong sự nén chịu đến dại khờ nhưng như là bất chợt buồn vui. Điều gì đã làm người đàn ông cố tình từ chối một sự thật, tránh né một nỗi niềm không thể nguôi ngoai?
Trong nhận thức của mình, đàn ông thường rất tự tin khi cho rằng họ có đủ điều kiện, thừa bản lĩnh để nỗi cô đơn không thể tấn công hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến mình. Khi rơi vào cô đơn, họ có thể tìm đến những mối quan hệ đa dạng vốn có, họ có thể tham gia các sinh hoạt giải trí thông thường họ vẫn thích, họ có thể giải sầu bằng thuốc lá, giảm bớt căng thẳng bằng một chuyến du lịch hoặc tán gẫu với một người nào đó, hay cũng có thể dùng men rượu để giải tỏa đến vô cùng…
Trong thực tế, nhiều đàn ông đã không thể làm gì hơn ngoài việc than thở một mình, hay trốn chạy… khi lâm vào cảnh cô đơn. Có thể nhận thấy rằng đối với đàn ông, cô đơn chẳng là "cái đinh" gì cả, họ không ngại cô đơn nhưng lại không thể chịu đựng nổi sự cô đơn nếu nó đến với mình. Điều này xem ra có vẻ như rất mâu thuẫn, nhưng thực tế đó là một logic, một nét độc đáo trong tính cách của đàn ông, một bí mật của phái mạnh. Đàn ông không mạnh thực sự như người ta vẫn tưởng, đàn ông không cứng rắn đến lạnh lùng như người ta vẫn thấy, họ là những người đáng yêu, đáng được thông cảm và chia sẻ, đáng được đối xử một cách thân thiện và "công bằng" như với phụ nữ trong trường hợp họ đang cô đơn, ít nhất là trong nhận thức của mọi người đối với họ.
Tuy vậy, sự thầm lặng hay trốn chạy của người đàn ông khi cô đơn vẫn hết sức nam tính khi họ không dùng nước mắt để làm trôi đi nét ưu tư, làm vơi bớt buồn phiền hay làm tan biến cảm giác một mình. Khi cô đơn, họ như thu mình để cố thủ rèn luyện "nội công" chờ ngày phản kích. Khi cô đơn, người đàn ông như thêm nung nấu một quyết tâm, quyết tâm thoát khỏi sự dằn vặt của chính mình, quyết tâm nén chịu để "mai phục" một sự thanh thản, một sự bình an cho cuộc đời.
Không chịu chấp nhận cô đơn hay không chịu đựng sự cô đơn lâu dài đã trở thành một thói quen ứng xử, một phản xạ của cánh đàn ông và nó trở thành vũ khí lợi hại để "đánh bóng" cho danh dự phái mày râu. Cảm giác cô đơn sẽ được lấp đầy bằng hàng loạt cố gắng như đi tìm một giá trị nào khác, rất nhanh, rất dễ thích nghi, rất nhẹ nhàng, tinh tế nhưng trong vô thức của mình, họ không mong đợi sự cô đơn một lần nữa (điều này đặc biệt rất khác với phái đẹp khi nữ giới lại có cảm nhận rất sợ cô đơn, rất sợ trống vắng, nhưng một khi đã phải cô đơn, sức chịu đựng của họ thật vô cùng, thật dẻo dai đến không ngờ).
Cô đơn chẳng phải là phản ứng xấu, nó chỉ sẽ là tiêu cực khi có những phản ứng không thích hợp, khi bản thân mình không muốn "phá băng" cho cuộc đời thêm tươi mát. Hãy giải tỏa sự cô đơn theo cách riêng của mình để vẫn cứ được xem là phái mạnh với sự quyết đoán và tự tin vốn có. Hãy biến cô đơn thành những cơ hội phát huy các ưu thế của chính mình, hỡi các đấng mày râu!