Hòa là cô bạn thân dạy cùng trường với tôi, là một giáo viên dạy văn có kinh nghiệm, nhưng khổ một nỗi là hay nhiều lời.
Ngày chủ nhật Hòa gọi điện rủ tôi đi siêu thị, vốn đã lâu chưa đi siêu thị nên tôi đồng ý ngay. Vừa đến cổng, tôi đã nghe tiếng Hòa réo ở bên trong: "Chồng con gì, vợ nhờ vá giùm chiếc xe mà không làm, có chồng mà cũng như không". Nghe vậy tôi cười nói mấy câu cho Hòa xuôi, thì cô lại được thể, quay sang chồng chì chiết: "Hết giờ làm lại đi rượu chè, anh coi cái nhà này chẳng khác gì cái quán trọ, mọi việc mình tôi phải lo hết".
Ảnh minh họa
Chồng Hòa vẫn ngồi yên không nói câu nào, mặc cho Hòa muốn nói gì thì nói, riêng tôi, thì biết tính của bạn mình. Đã tức ai điều gì là Hòa nói không nể mặt, có thể lôi cả chuyện quá khứ ra mà mắng mỏ.
Trong lúc Hòa nghỉ giải lao tôi chêm vào: "Anh Lâm đi vá xe đi. Còn cậu đi siêu thị với mình thôi". Khi Lâm dắt xe đi ra thì Hòa gắt lên: "Anh không đi đâu hết! Để xe đó tôi tự lo. Không cần anh. Ra khỏi nhà không rượu chè, bia bọt thì cũng tấp vào quán hát với mấy con mắt xanh mỏ đỏ, tôi lạ gì đàn ông các anh".
Mặt anh Lâm lúc này tím lại, vì có tôi nên anh kiềm chế được cơn giận dữ của mình. Tiếng anh đanh gọn: " Em nói vậy không sợ bạn bè cười cho à?". "Kệ nó! Nó cười thì hở mười cái răng", lúc này mặt tôi đang đỏ chuyển sang tái mét. Tôi không trách gì câu nói của Hòa vì tôi biết tính của Hòa nói xong là thôi, nhưng tôi lại càng thấm thía câu nói của các cụ: "Giận quá mất hay, nóng quá mất khôn".
Tôi lay vai Hòa: "Thôi cậu đừng nói nữa có được không? Nói dai, nói dài thành nói dại, từ nãy tới giờ mình thấy anh Lâm có nói gì đâu, việc cỏn con vậy có nên nhiều lời như vậy không?". Nghe tôi nói vậy cháu Hà, con gái của Hòa đang học lớp sáu liền nói theo: "Dì ơi! Dì cứ để cho mẹ cháu nói, tính mẹ cháu xưa nay vốn thế mà dì, không chừng hai ba con cháu phải nghe cả ngày, mẹ cháu chưa buông tha cho ba cháu đâu, tối nay hai ba con cháu lại được nghe "cải lương" nữa đấy".
Nghe cháu Hà nói vậy, Hòa đang ngồi bỗng đứng bật dậy như một chiếc lò xo quát con: "Con với cái, tao mang nặng đẻ đau, nuôi nấng mày, giờ mày trả ơn tao vậy ạ!". Cháu Hà bỏ đi nói với theo một câu: "Mẹ cháu bắt đầu chuyển gam sang cháu rồi đấy dì ạ!".
Lúc này chồng Hòa không ở đây nữa, giờ chỉ còn lại tôi với Hòa. Hòa đổi giọng: "Khổ cái thân mình vậy đó, chồng với chả con". Chờ cho Hòa nguôi cơn giận tôi đưa ly nước mát cho Hòa và nói: "Cậu thật chẳng giống ai! Chỉ có một lỗ thủng chiếc săm xe mà cậu làm to chuyện. Lẽ ra cậu không nên nói nhiều, như vậy làm mất hòa khí vui vẻ trong nhà. Cậu chỉ cần nói một câu nhỏ nhẹ thôi là anh Lâm đã biết lỗi rồi. Đàn ông là vậy, họ không thích những người lắm lời, lúc nãy có mình nên anh ấy nhịn cậu đấy".
Hòa như chợt hiểu ra sự nóng nảy vô lý của mình. Hòa thổ lộ: " Ừ nhỉ! Nhiều lúc mình cũng không hiểu nỗi mình nữa, có lẽ mình nên bỏ cái tật xấu nói nhiều đi thôi, không thì cái gia đình mình cũng có ngày đổ vỡ hạnh phúc phải không cậu". Tôi đồng ý, và cả hai chúng tôi đều cảm thấy vui.
Cũng vừa lúc ấy anh Lâm bước vào: "Xe anh đã vá xong rồi đây! Hai chị em tranh thủ đi siêu thị kẻo trưa". Tôi đề xuất: "Anh Lâm chở Hòa đi cho vui". Hòa cười rất tươi, nụ cười của người biết lỗi.