Sao sự hy sinh đó của chị em không được đáp đền bằng sự chia sẻ, cảm thông, lòng biết ơn, trắc ẩn hay hạnh phúc gia đình?
Tin Thúy sắp ly hôn thật sự gây sốc với bạn bè thời đại học. Thúy kín tiếng nên ít ai biết, chỉ những người thật sự thân thuộc mới hiểu đâu là nguyên nhân làm hôn nhân đổ vỡ. Thúy bảo, giá mà mình hư thân mất nết, thì có kết quả này cũng đáng, đằng này… Rồi Thúy lại ngậm ngùi: "Phải chi ngày xưa mình đừng quá hy sinh…".
Thúy và Nam là bạn cùng thời đại học, yêu nhau từ chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Sau khi ra trường, cả hai cũng có một cuộc hôn nhân mỹ mãn với một căn nhà nhỏ xinh, một cậu con trai và một đứa con gái đẹp tựa thiên thần. Thúy là típ phụ nữ giỏi giang, chịu khó buôn bán, không quản cực khổ để vun vén cho mái ấm gia đình. Cuộc sống và tình yêu của họ, người ngoài nhìn vào đều trầm trồ khen ngợi lẫn ganh tỵ.
Những nếp nhăn xuất hiện trên gương mặt vợ khiến Nam chán ngán. Hình minh họa
Nhưng, sóng gió ập đến khi Nam mắc một chứng bệnh khá hiểm nghèo, phải chạy chữa nhiều nơi và kiên trì điều trị thời gian dài. Thúy bán dần tài sản để chữa chạy cho chồng, để bảo vệ tình yêu đó luôn nhiệm mầu, lung linh như cổ tích.
Nam khỏi bệnh, và khác với dự đoán của nhiều người, Nam phủ nhận hết mọi việc làm của Thúy. Lúc nào Nam cũng cho là Thúy vô dụng, chẳng làm được gì. Thêm vào đó, không biết từ khi nào Nam thấy Thúy già và xấu. Đàn bà, cái tính cái nết khó chịu cộng những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện nhiều trên gương mặt khiến Nam cảm thấy chán ngán. Ngoài kia biết bao cô gái trẻ đẹp với đôi mắt nai, trái tim mong manh cần được Nam che chở. Đâu phải như người vợ già chai sạn, khổ cực, héo hon, với tinh thần thép tựa chiến binh.
Tổ ấm ngày xưa bây giờ ngột ngạt khác thường. Nam đâu còn nhớ những ngày Thúy phải bán thốc bán tháo mớ tài sản tích góp bao năm để chạy chữa cho anh. Nam đâu nhớ người vợ tần tảo hy sinh, thức đêm thức hôm làm gấp trăm ngàn lần người khác để vừa lo cho anh khỏi "lưỡi hái tử thần", vừa lo hai con nhỏ ăn học. Thúy cứ lặng lẽ rơi nước mắt một mình, lâu dần đôi mắt đó trở nên ráo hoảnh. Nỗi đau của Thúy được người ta ví von là "đau quá nên mất cảm giác đau". Thúy bất mãn: "Bao năm hy sinh của mình cuối cùng nhận lại được gì?".
Huỳnh, một người bạn thời phổ thông của tôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Huỳnh là giám đốc một công ty thiết kế, giỏi kinh doanh và vô cùng xinh đẹp. Dù biết Huỳnh đã có gia đình, có con cái, nhưng biết bao người đàn ông kể cả đối tác làm ăn với Huỳnh cũng đều muốn "ngấp nghé" đón đưa. Thế nhưng, Huỳnh vẫn một lòng một dạ thương yêu chồng con và vun vén cho mái ấm gia đình. Nhưng Huỳnh càng thức đêm thức hôm với những đơn hàng thì chồng Huỳnh lại chỉ biết ăn chơi, đàn đúm.
Ỷ vào tiềm lực kinh tế và sự giỏi giang của vợ, chồng Huỳnh không chí thú làm ăn mà nay đây mai đó, gặp gỡ bạn bè, tiêu xài hoang phí. Rồi đến một ngày, Huỳnh cảm thấy sự hy sinh của mình trở nên vô nghĩa, cô tự tay viết đơn ly hôn, kết thúc hôn nhân của mình trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, đồng nghiệp. Ai hỏi Huỳnh cũng chỉ buông một câu gọn lỏn: "Sự hy sinh của mình bao năm không đáng".
Đó chỉ mới là hai trường hợp tiêu biểu cho rất nhiều gia đình hiện nay. Biết bao phụ nữ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho chồng con để đổi lấy một kết thúc không hề có hậu.
Hình minh họa |
Má tôi trước giờ luôn sống vì người khác, bà dành cả đời mình cho chồng con. Thế nhưng, ba tôi chỉ biết trai gái, rượu chè; đánh đập, chửi mắng má tôi như cơm bữa. Lúc ba chè chén với bạn bè ở bàn bida thì má tôi lầm lũi quét dọn, một mình khiêng đồ đạc sau trận lụt ngập nhà. Lúc ba vui vẻ trong vòng tay người đàn bà khác thì má lên cơn đau đẻ và sinh cho ba liền tù tì sáu đứa con. Cho đến tận bây giờ, ở tuổi "gần đất xa trời", má vẫn phải hy sinh, chịu đựng và cung phụng ba như thuở mới về làm dâu. Lắm lúc bực mình, tôi hỏi: "Má hy sinh nhiều để làm gì?". |
Bảng vàng thường ghi tên người chiến thắng, sự hy sinh của người phụ nữ nếu không được ghi lên bảng vàng thì cũng phải được người chồng "khắc cốt ghi tâm". Phụ nữ một khi đã hy sinh, họ xứng đáng nhận về sự đồng cảm, yêu thương của người bạn đời. Dẫu không thể hiện được bằng lời thì chí ít cũng tồn tại trong suy nghĩ. Còn nếu sự hy sinh ấy không có giá trị, thì sao phải đánh đổi cả cuộc đời mình cho những điều, những con người không đáng?