Những lượt bình luận, góp ý trên Facebook sau khi chị T.S. chia sẻ câu chuyện của mình - Ảnh: MINH GIẢNG
Trên bờ vực chia tay vì chồng ngoại tình, ai sẽ nuôi con khi ly hôn, làm sao để tìm lối thoát cho câu chuyện của người thứ 3…, không ít chị em đưa lên mạng xã hội để xin lời khuyên..
Điều gì xảy ra khi "phiên tòa" là… mạng xã hội?
Chia tay, bỏ gấp, phục thù...
Tự giới thiệu ở Thái Bình, chị T.S. kể phát hiện chồng ngoại tình sau 9 năm chung sống, nhưng chính chị bị đánh nhừ tử vì nhắn tin cho cô bồ.
"Tôi phụ thuộc kinh tế của chồng, lỗi cũng là mình không biết cách ngọt ngào. Ghen tuông thì bị đánh, yêu cầu ly hôn thì bị đi bêu xấu với nhà chồng, với hàng xóm. Dạo này chồng không chu cấp tiền cháo sữa cho con. Tôi đã ra tòa hai lần nhưng tòa cho thời gian suy nghĩ lại. Tôi muốn các chị góp ý để biết mình phải làm thế nào" - chị T.S. bộc bạch.
Chưa đầy 15 phút sau, có đến 50 bình luận, góp ý trải dài từ Bắc chí Nam của các chị.
"Chia tay, bỏ gấp! Thằng đàn ông đánh vợ, nay nó đánh 1 nhưng ngày mai tỉnh ra lại đánh 10" - chị T.T.H. (Quảng Trị) phản hồi.
Hay ý kiến bày mưu tính kế "phục thù" cô bồ của chị P.A.H. (Long An): "Với những con mặt dày thì cần liên minh thần điêu ra tay, dằn mặt một trận cho chừa. Bạn mà hiền quá thì vừa khổ với chồng vừa nhục với bồ nó. Thắng được con bồ rồi mới tính chuyện xử ông chồng. Mạnh mẽ lên!".
Vì chuyện "thời sự" vợ chồng, một group chuyên bàn về câu chuyện giường êm bếp ấm, cũng có không ít lời khuyên dành cho một bạn nữ tên T.H. (ở Hà Giang) ly hôn chồng nhưng rất nghèo, không chịu nổi những trận đòn, không có điều kiện nuôi con trong khi con bị mắc bệnh tự kỷ. Gia đình chồng dư khả năng chăm sóc tốt cho bé.
Một chị ở Hà Nội khuyên: "Dù thế nào cũng phải giành được quyền nuôi con. Máu mủ là máu mủ của mình".
"Không được, chị nói thế không được. Con cũng là con của người ta, tại sao mình phải xô đầu vào trong khi có thể đi bước nữa, cuộc sống mới là điều không khó. Con được ông bà có điều kiện lo, dại mới đi tranh giành" - chị Suong Nguyen bình luận phản lại.
Trong một chiều cuối tuần, bàn cạnh tôi ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) là một chị ngoài tuổi băm, ăn mặc giản dị, từ tốn nói chuyện với luật sư để bàn lối ra cho câu chuyện vụng trộm của chồng, nắm các thông tin về Luật hôn nhân gia đình để ứng xử với người thứ 3.
Người trong cuộc mới biết mình muốn và cần gì nhất
Hi vọng giải được stress và tìm được lối thoát, nhưng dường như là hiệu ứng ngược, câu chuyện vốn đã rối lại thêm bế tắc - đó là nhận định chung của số đông chuyên gia tâm lý khi nhận xét vấn đề.
Một chuyên gia tâm lý tại TP.HCM thốt lên: "Tôi không hiểu nổi chị em thời này hiện đại như thế nào, nhưng cách giải quyết vấn đề mà đem chuyện gia đình kể tường tận trên mạng xã hội thì thật tai hại. Ông bà xưa không phải ngẫu nhiên khuyên vợ chồng đóng cửa bảo nhau; hay cơm sôi bớt lửa, lạt mềm buộc chặt, mềm nắn rắn buông. Ý tứ này luôn đúng cho bất cứ thời đại nào.
Sống trong thời hiện đại, các chị cũng phải biết ngay cả tổ ấm gia đình cũng có "nguy cơ" hơn với những bình lặng cuộc sống xưa, bởi xuất phát từ những cuộc gặp, những mối quan hệ, trong quỹ đạo của cuộc sống năng động.
Chấp nhận để biết giữ chồng, giữ lửa và bình tĩnh xử lý câu chuyện của chính mình mới là khôn ngoan.
Biết rằng chia sẻ trong group ban đầu mong nhận được sự giải khuây, nhưng một câu chuyện luôn có vô vàn ý của nhiều con người nhảy vào khuyên, góp ý. Vô tình chuyện mình sẽ là "miếng mồi" để thiên hạ chém gió. Trong khi đó, chỉ có người trong cuộc mới biết mình muốn và cần gì".
Những người bế tắc hoặc là đang đứng trước ngưỡng cửa của ngã rẽ lớn thì hay bối rối, không biết đâu là hướng giải quyết tốt nhất. Đưa lên Facebook thì đơn giản, đa chiều và biết đâu gặp được người có tình huống tương tự, giúp họ có góp ý hợp lý chân tình. Nhưng nội bộ chuyện gia đình tốt khoe xấu che. Chuyện "thâm cung bí sử" đưa lên mạng xã hội thì có khi trong vô số bạn ảo đó lại bị người thân của mình bắt gặp, họ rất tổn thương khi câu chuyện gia đình bị xem thường. Tôi không phủ nhận những động cơ góp ý tốt, nhưng chắc chắn những ý kiến đó sẽ mang tính cảm tính, vì không hiểu nội hàm câu chuyện thì có thể đó là góp ý cảm thông, góp ý cho vui hoặc là cho đáng đời
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Học viện Cán bộ TP.HCM)
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cũng đưa ra lời khuyên cho những người đem câu chuyện chia sẻ nên tính câu chuyện nhà mình, vì mình trong cuộc sẽ hiểu rõ nhất.
"Trường hợp bí bách thì dùng đến người thứ ba: người thân; người có uy tín; người có sự từng trải để có lời khuyên thỏa đáng. Còn người góp ý bình luận cũng lưu ý khi người đã mang câu chuyện mình ra để chia sẻ là họ đã khó khăn, đã bế tắc tinh thần, nên cần có sự đồng cảm với những góp ý mang hướng tích cực" - ông Quân nhấn mạnh.
Nhìn câu chuyện dưới góc độ luật pháp thì luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) góp ý thêm: "Nhiều chị em ghen tuông, nghĩ kế như đánh ghen, lăng nhục thì đang đẩy mình là người đúng trở thành người sai, người vi phạm. Nên hết sức bình tĩnh, hòa giải văn minh, nhờ người thân quen, thậm chí nhờ địa phương can thiệp".