1. Một ngày nọ, tôi bỗng nhận được không biết bao nhiều cuộc điện thoải hỏi thăm. Người lịch sự tế nhị thì hỏi vu vơ, người thẳng thắn thì hỏi thẳng: "Đang ở đâu? Vì sao khốn khổ tới vậy?".
Tôi từ ngạc nhiên, bất ngờ chuyển sang phát cáu. Đến khi cô em chồng gửi cho cái clip đánh ghen được chia sẻ rộn ràng trên Facebook thì tôi hiểu. Nhân vật chính bị đánh ghen trong đó quá giống tôi, nên đã gây bao lầm tưởng.
May mà nhà tôi đang đi nghỉ cùng nhau nên cả nhà chồng hiểu và còn trêu chọc tôi nữa. Tôi định khoá Facebook cho khỏi phiền, thì em chồng nói “nếu chị không giải thích dứt điểm thì chị mang tiếng thật đấy”. Và nó đã xử lí bằng cách đăng cả hành trình đi nghỉ dưỡng vui vẻ của gia đình lên rồi gắn thẻ tôi và chồng tôi vào.
Sau đó những thăm hỏi, tò mò của mọi người mới dứt.
Ảnh minh họa
2. Bữa ăn sáng ở quán, đối diện bàn tôi ngồi là một gia đình nhỏ. Anh chồng vừa ăn vừa lướt điện thoại. Chị vợ vừa ăn vừa đút cho hai đứa con khoảng bốn, năm tuổi. Hai đứa con thì nghịch, vừa cho con ăn chị vừa phải trông chừng nhắc nhở. Tô phở của chị trước mặt đã nguội. Anh chồng ăn xong trước và tập trung hẳn vào chiếc điện thoại, ba mẹ con rõ ràng không nằm trong sự quan tâm của anh ta.
Đàn ông quan tâm những gì ngoài công việc? Là nhậu, là bóng đá, là chém gió những chuyện đại sự. Thật lâu anh chồng ngẩng lên, giọng không mấy vui vẻ: “Em làm gì mà có tô phở mãi không xong thế?”.
Chị vợ im lặng, vẻ cam chịu. Hai đứa con trai vẫn vừa ăn vừa nghịch. Lát sau anh chồng nói: “Nhà thằng A sướng thật, cả nhà đang đi du lịch ở X...”. Nghe vậy tôi chợt hiểu, anh ta đang lướt Facebook, đang cập nhật tình hình của bạn bè trên thế giới ảo. Còn vợ con thực ngồi ngay cạnh lại không nằm trong mối quan tâm của anh ta.
3. Vợ Hoàng bán hàng online để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hoàng ban đầu rất ủng hộ vợ vì công việc đó có vẻ nhàn hạ. Nhưng sau đó một thời gian khi việc bán hàng cũng vợ bắt đầu tốt lên, thì gia đình họ bắt đầu lục đục. Vợ Hoàng ở cơ quan thì bị sếp nhắc nhở vì sử dụng điện thoại quá nhiều, về nhà thì cô ấy ăn, ngủ, nghỉ luôn cùng điện thoại.
Vừa làm việc nhà, vừa lo cho con nhưng tay không rời điện thoại. Lí giải của cô ấy là cô ấy phải tư vấn, phải trả lời khách... nếu không trả lời ngay, khách phật ý sẽ không bán được hàng. Có lẽ vì thế mà hai đứa con nhà Hoàng cũng phàn nàn về việc mẹ bị nghiện điện thoại, không chơi với con. Thậm chí mối quan hệ vợ chồng cũng bị ảnh hưởng. Những quan tâm, chia sẻ trong gia đình trở nên thưa thớt, qua loa.
Suy nghĩ rất nhiều cuối cùng Hoàng quyết định dừng việc bán hàng online của vợ. Tăng thêm thu nhập mà gia đình cách xa nhau là việc không đáng, Hoàng chia sẻ như vậy.
Ảnh minh họa |
4. Chuyện nhà Linh lại khác. Mạng xã hội chính là nơi cô đã phát hiện ra chồng mình ngoại tình. Thấy chồng chăm chỉ lướt mạng, về nhà lại luôn khư khư điện thoại ở bên mình. Những khác lạ ấy không qua được mắt người nhạy cảm như Linh.
Facebook thì anh để vợ biết mật khẩu nên không có gì mờ ám cả. Nhưng Zalo anh cài mật khẩu. Linh dò dẫm cả tuần trời cũng chịu. Cuối cùng cô nhờ một người thạo công nghệ giúp. Khi vào được Zalo của chồng, Linh đau đớn phát hiện chồng cô ngoại tình. Những tin nhắn ngọt ngào, những bức ảnh khiến cô phải đỏ mặt cũng còn lưu lại vô số... Dù sau đó chồng xin lỗi, tỏ ra ăn năn và có trách nhiệm hơn với gia đình, nhưng Linh vẫn tổn thương và chắc hẳn cảm giác tổn thương này sẽ không bao giờ hết.
Xã hội ngày càng phát triển, mỗi người chúng ta được quyền lựa chọn cách sống, cách giải trí. Nhiều thành viên gia đình khi ở nhà chỉ chuyện trò qua loa rồi cầm điện thoại vào Zalo, Facebook, YouTube... Họ có thể nhiệt tình bình luận trên đó nhưng lại lười trả lời người bạn đời. Họ biết trên mạng bạn bè hôm nay đăng gì, tâm sự ra sao, nhưng một ngày ở trường của con như thế nào thì lại quên không hỏi. Thậm chí ánh mắt mệt mỏi của vợ, hoặc chồng cũng không hề biết. Dần dần tổ ấm thiếu sự gắn kết và bung lúc nào không biết...