Quỹ chung: Nhiều bất cập
Hẳn bạn đã quen thuộc hình ảnh cuối tháng bố đưa về cho mẹ một phong bì lương, mỗi khi bố đi đâu, cần gì mẹ lại nhét tiền vào ví bố… Thói quen của đa số đàn ông Việt là nộp hết tiền lương vào quỹ gia đình, việc còn lại đã có người phụ nữ lo với ti tỉ nỗi niềm, tính toán chi tiêu nào kể cả phụng dưỡng cha mẹ già, đối nội, đối ngoại… Cái khéo của người phụ nữ là khéo ăn thì no khéo co thì ấm.
Thời bao cấp, thiếu thốn trăm bề, quỹ gia đình để chi cho đủ ăn cũng là tốt lắm rồi. Cả vợ và chồng đều không có nhu cầu xa xỉ riêng cho bản thân nên cũng không nghĩ đến quỹ riêng.
Vấn đề còn lại ai là người giữ quỹ chung. Trong xã hội ta, đó thường là người phụ nữ. Người ta hay nói vui, phụ nữ là cái ngân hàng nộp vào thì dễ mà lấy ra thật khó. Điều này xuất phát từ việc hầu hết chi tiêu trong gia đình là do người phụ nữ đảm trách. Tuy nhiên cũng nên tránh trường hợp chồng đưa hết lương cho vợ, nhưng lại để ý "đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành…" khiến không khí gia đình bức bối, cuộc sống căng thẳng, hạnh phúc dễ rạn nứt.
Ảnh minh họa
Vai trò"tay hòm chìa khóa" của người phụ nữ với trách nhiệm nặng nề...
Quỹ riêng: Lỗ hổng lòng tin
Vợ chồng Phương Lan và An Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội), đều làm cho công ty nước ngoài, thu nhập khá cao. Cả hai rất thoải mái về chuyện tiền bạc theo phong cách hiện đại. Bố mẹ hai bên mua nhà, hai người đứng tên chủ quyền.
Họ thống nhất tiền ai người ấy tiêu. Đi ăn bữa anh trả hôm em mời. Khi có việc gì chung thì sẽ cùng đóng góp. Không can thiệp chuyện tiền bạc của nhau. Thời gian mới cưới, mọi việc có vẻ dễ dàng, ổn thỏa. Nhưng khi có con lại phát sinh những khoản chi tiêu chung.
Khi sinh đứa thứ 2, họ bắt đầu phát sinh nhiều mâu thuẫn. Lan trách móc, nghi ngờ Hoàng có "quỹ đen". Hoàng lại luôn buồn phiền vì vợ sinh tật chi ly, cáu gắt với những khoản chi tiêu riêng của chồng, không hề phóng khoáng như ngày xưa. Dần dần, họ nghi ngờ lẫn nhau và dẫn đến rạn nứt mối quan hệ.
Vẻ bề ngoài thì xu hướng "quỹ riêng" của anh, của em có phần thuận lợi, thoải mái. Nhưng sống về lâu dài, đôi khi tiền bạc quá rạch ròi làm cho tình cảm vợ chồng ít nồng đượm, gắn bó, thiếu trách nhiệm với cả hai bên gia đình dẫn tới sự xa cách, thiếu quan tâm lẫn nhau.
Ảnh minh họa |
Ở phương Tây chuyện tiền ai nấy giữ là bình thường vì vợ chồng ít phụ thuộc nhau về kinh tế |
Chung riêng hài hòa
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, khi đã đủ lòng tin và trách nhiệm để biến những khoản thu nhập riêng thành "tiền của chúng ta", bạn mới nên kết hôn. Bởi vì chỉ khi nào nhận thức và hạnh động được như vậy, vợ chồng mới thật sự trọn vẹn tin tưởng, có cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Vợ chồng nên bàn bạc, đưa ra mức thu nhập thực tế và liệt kê, tính toán thống nhất tổng khoản chi theo từng giai đoạn, thành lập một khoản quỹ chung gia đình (tính theo phần trăm tổng thu nhập của cả vợ và chồng) và người vợ sẽ làm "tay hòm chìa khóa". Tiền này dùng để trang trải chi tiêu của gia đình thường ngày và một phần trích gửi tiết kiệm để dành cho những dự định sau này như nhà cửa, con cái, du lịch, sự cố… Những khoản chi lớn, cần hai vợ chồng bàn bạc, tham khảo lẫn nhau. Khi có sự bàn bạc, thống nhất ngay từ đầu làm cho cả gia đình cảm thấy thoải mái và dễ chịu, từ đó vợ chồng chia sẻ, hiểu rõ, yên tâm và yêu thương nhau hơn.
Tuy nhiên, ngày nay, những cuộc vui, những mối quan hệ xã giao, bạn bè... với người đàn ông; trang sức, mỹ phẩm, làm đẹp, giao thiệp... với người phụ nữ đã trở thành nhu cầu cá nhân thiết yếu. Vì thế một quỹ riêng hợp lý cho mỗi người bên cạnh quỹ chung của gia đình là cần thiết.
Cho nên ngoài quỹ chung, mỗi người sẽ giữ lại một khoản tiêu hay tiết kiệm theo ý thích của mình - gọi là "quỹ riêng" (cần phân biệt với"quỹ đen").