Thời khắc này, những đứa trẻ bắt đầu viết thư gửi cho ông già Noel, rằng cả năm qua chúng đã ngoan như thế nào và chúng mong đợi những món quà gì cho đêm Giáng sinh, vì chúng tin vào ông già Noel, thật sự đang ở đâu đó ngoài kia.
Các bậc phụ huynh là người biết rõ nhất cho câu trả lời, những món quà Giáng sinh ấy có phải được gửi từ Santa Claus hay không, và họ biết rõ, đó chỉ là một lời nói dối kinh điển với trẻ con. Có nên nói dối những đứa trẻ như thế hay không, vẫn cứ là một câu chuyện gây tranh cãi.
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc nói dối về ông già Noel có thể sẽ khiến con trẻ phần nào mất niềm tin vào cha mẹ khi khám phá ra sự thật. Nhà tâm lý học Christopher Boyle và nhà nghiên cứu tâm thần Kathy McKay cũng đồng quan điểm trong việc này. "Nếu họ (cha mẹ) có khả năng nói dối về một điều gì đó quá đặc biệt và kỳ diệu, họ có thể dựa vào đó để tiếp tục làm người bảo vệ trí tuệ và sự thật được nữa hay không?", họ viết trong nghiên cứu được công bố trên tờ The Lancet.
Thời khắc này, những đứa trẻ bắt đầu viết thư gửi cho ông già Noel vì chúng tin vào ông già Noel thật sự đang ở đâu đó ngoài kia.
"Tính đạo đức của việc khiến trẻ em tin vào những câu chuyện mang tính thần thoại như vậy cần phải được xem xét", giáo sư Boyle của Đại học Exeter chia sẻ, "Tất cả trẻ em cuối cùng sẽ phát hiện ra chúng đã bị nói dối liên tục trong nhiều năm và điều này có thể khiến chúng thắc mắc liệu rằng những câu chuyện khác cha mẹ kể chúng nghe cũng là lời nói dối như thế?".
Các tác giả nghiên cứu cũng nhận định rằng có đôi khi cha mẹ thật sự cần nói dối để bảo vệ con mình khỏi thực tế cuộc sống quá khắc nghiệt. Giống như nói với chúng rằng thú cưng vừa qua đời sẽ đi đến thiên đường và điều đó có vẻ dễ chịu hơn phân tích về sự chết chóc...
Việc nói dối về ông già Noel, theo một góc nhìn nào đó, là bảo vệ tâm hồn ngây thơ của đứa trẻ, nhưng cũng là cách để người lớn chạy trốn khỏi áp lực trưởng thành của mình trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi.
Một bà mẹ chia sẻ rằng, cô đã phải suy nghĩ rất lâu xem nên trả lời câu hỏi "Ông già Noel có thật không hả mẹ?" của cậu con trai 7 tuổi. Cô biết rằng, chỉ cần một câu trả lời sai, trái tim của cậu bé sẽ tổn thương biết chừng nào. Và cuối cùng cô đã chọn cách nói với con mình "Ông già Noel là có thật con ạ, những ai không còn tin vào điều đó chỉ là vì đến một lúc nào đấy, họ đã làm mất đi điều kỳ diệu của mình".
Việc nói dối về ông già Noel, theo một góc nhìn nào đó, là bảo vệ tâm hồn ngây thơ của đứa trẻ
"Liệu có phải tôi sắp khiến con mình mất niềm tin vào mình không? Tôi không nghĩ thế, vì vốn dĩ cha mẹ cần bảo vệ con cái trước những sự thật quá khủng khiếp mà rồi khi trở thành người lớn chúng sẽ phải đối mặt, thế thì sao không giữ cho chúng ở lại thế giới trong trẻo của trẻ con lâu hơn một chút?".
Thế nên, sau cùng, hãy cứ để những đứa trẻ được mộng mơ mùa Giáng sinh này, tin vào những điều kỳ diệu nhất, tin vào ông già Noel và cười rạng rỡ với ánh mắt long lanh…