"Con khẩn cầu mẹ, đừng hầu hạ bố và anh trai con như một Ôsin nữa. Họ là chồng, là con của mẹ, chứ có phải ông chủ của mẹ đâu!", Trinh, con gái chị Huyền đã nhắc đi nhắc lại với chị, ngay khi chị đang ở cùng con tại Mỹ để trông cháu, cũng như khi chị đã rời nhà con để về Việt Nam sống với chồng và con trai.
Dường như lời khẩn cầu của con gái chưa đủ sức mạnh thay đổi chị Huyền. Ngay khi từ Mỹ về tới Việt Nam, chị đã lao vào dọn dẹp nhà cửa đến kiệt sức. Sàn nhà vương đầy rác, cái thùng rác lèn chặt đồ ăn thừa và bốc nặng mùi đến lộn mửa, sàn toilet cáu bẩn, đến nỗi chị dùng biết bao nước tẩy rửa vẫn không sạch như trước được nữa. Chị vừa làm vừa cằn nhàn, và cáu phát điên khi chồng chị còn bảo: "Bẩn một tí có chết ai đâu!"
Ảnh minh hoạ
Hàng ngày chị vẫn nói xa xả mà chồng và con trai chị vẫn chẳng mảy may thay đổi, họ vẫn ì ra mặc cho chị chăm sóc họ từ bữa cơm, giặt quần áo, dọn dẹp phòng. Cho đến khi chính chị Huyền ngã bệnh, lên một cơn cao huyết áp, phải vào viện điều trị mất một tuần, thì chị Huyền đành tính nước thuê người giúp việc để đỡ đần việc nhà. Chị dành mỗi ngày hơn một giờ đồng hồ chăm sóc bản thân, bằng xoa bóp trị liệu hoặc tập yoga.
Điều gì khiến chị Huyền không thể "giáo dục" nổi chồng con, khiến họ chia sẻ việc nhà với chị, mà vô tâm đổ hết mọi việc nhà – loại công việc nặng không bao giờ được trả lương – lên bờ vai và đôi tay của người vợ, người mẹ đã không còn sung sức nữa? Và tại sao chị Huyền, một phụ nữ làm báo hơn ba chục năm, từng giữ vị trí tổng biên tập một tờ tạp chí, khá thông minh và nhiều kiến thức mà lại không thể tìm ra lối sống hạnh phúc hơn?
Ở tuổi 60, chị Huyền chấp nhận mình thất bại, thốt ra một câu cay đắng: "Lấy chồng cũng như đánh bạc!" Do đó, chị quyết tâm dồn tất cả số tiền mình dành dụm được sau hơn ba thập niên làm việc cật lực để đầu tư cho con gái du học Mỹ, lấy chồng tại nước Mỹ và định cư ở đó, với hy vọng rằng con gái sẽ không lặp lại số phận cay đắng như của mẹ. Con gái chị sẽ có cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn, được yêu thương, tôn trọng, chia sẻ hơn bởi chồng của con, trong môi trường sống nước Mỹ.
Nancy Quyên, một chuyên gia ngành nhân lực, cho rằng, một trong những lý do khiến phụ nữ đau khổ, là do mắc căn bệnh cầu toàn. Khi luôn cầu toàn trong mọi việc, dẫn đến không tin tưởng người khác, không để người khác thực hiện công việc thay mình, chỉ mình làm việc đó mới yên tâm, sẽ khiến ta quá tải, luôn căng thẳng và thậm chí gây áp lực cho những người xung quanh.
Bản thân chị Huyền cũng vậy, chị không phân chia việc gia đình, hoặc khi đã yêu cầu con trai rửa bát chẳng hạn, chị lại không yên tâm, cho rằng con trai rửa bát không sạch, không đúng cách. Mỗi lần để con rửa bát, chị thấy ngứa mắt về cách rửa bát của con, sợ không sạch hóa chất tẩy rửa, chị Huyền bèn rửa lại. Thế là, vô tình, chị làm con trai mất hứng trong việc rửa bát!
Quan hệ gia đình là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm và luôn cần quan tâm sát sao, đòi hỏi ta phải nỗ lực suốt quá trình chung sống. Đơn cử việc nhà cũng phải có sự phân công rõ ràng giữa vợ-chồng từ những ngày đầu hôn nhân, sau đó là đến tài chính, quan hệ nội-ngoại, chăm sóc con cái…
Và để cho những việc hàng ngày như vậy không trở thành gánh nặng, bạn hãy học cách chơi như trẻ con. Ví dụ, việc rửa bát chẳng hạn, ở nhà tôi có hai con gái, các con phụ trách rửa bát và đổ rác. Cứ sau bữa ăn, chúng "oẳn tù tì" xem ai thua thì rửa bát, đổ rác. Khi thua mà phải rửa bát, thì bật nhạc sôi động lấy tinh thần, con gái tôi vừa rửa bát, vừa lắc lư theo nhạc thật vui thú. Tại sao người lớn không học trẻ con cách này? Hoặc như vợ chồng bạn tôi, luôn "oẳn tù tì" xem ai là người mắc màn…
Hạnh phúc, hay bất hạnh, đều nằm trong tay chúng ta, hãy tạo trò chơi, ra luật chơi trong hôn nhân, và chơi một cách vui thú, để không phải "đánh bạc" và thua trắng!