Ngày Ốc Bu còn mẫu giáo, tôi thường phải chống xe thật vững rồi mới ẵm con xuống khỏi ghế, đưa con vô tới lớp mà con vẫn ôm chặt lấy chân mẹ. Đến khi Ốc Bu học lớp Bảy thì thôi không bu mẹ nữa. Tôi nhận ra điều này trong một lần chở con đi học. Thường khi tới cổng trường, tôi sẽ quàng ba-lô vào vai con, ôm con hôn một cái trước khi con vô trường. Bữa đó, tự nhiên Ốc lấy ba-lô rồi chạy vô cổng, không cần mẹ đeo lên vai. Mấy bữa sau cũng vậy. Có lần đi chơi với Ốc trong công viên gần nhà, tôi bảo: "Mẹ ôm con nha?". Ốc lảng ra rồi nói: "Để lát nữa vô nhà đã!".
Ảnh minh họa
Đứa trẻ của tôi đang lớn, đang tách dần ra khỏi tay mẹ. Tôi tự biết mình không nên làm mọi chuyện nặng nề hơn bằng cách hờn giận trách móc. Nhưng một lần, hai mẹ con đi ăn, tôi quàng tay ôm vai con, con bất chợt rùng vai lảng tránh: "Thôi mà mẹ", rồi xích ra xa một chút. Tự nhiên tôi thấy muốn khóc. Con xấu hổ vì tôi ư? Tôi không ôm con thì chẳng biết bao giờ mẹ con mới có cảm giác gần gũi, nhưng mỗi lần sắp sửa "manh động", tôi lại nhớ lại phản ứng của con để tự kìm mình.
Mãi cho đến lúc con vô lớp Chín, năm đó tôi có người thương, thương thật lòng bất chấp tôi đã một lần ly hôn, đang nuôi một đứa con trai tuổi dậy thì ẩm ương. Anh đi cùng tôi đến trường đón con, mặc kệ vẻ mặt lầm lì của Ốc, anh đưa tay bắt tay cậu trước khi cậu vô nhà, còn dặn một câu: "Chăm sóc mẹ nha!", ra vẻ cậu cũng là đàn ông đàn ang đấy.
Lần sinh nhật tôi, anh mời cả hai mẹ con đi ăn tối. Nhà hàng giản dị, bàn có ba người, Ốc ngồi đối diện anh và tôi, cố gắng tỏ ra bình thường. Nhưng khi anh choàng vai tôi thì Ốc có vẻ hơi khó chịu. Tôi ngại nên gỡ tay anh ra, rồi chuyển sang ngồi cạnh con. Khi người đàn ông ấy đứng dậy đi ra ngoài, Ốc choàng tay ôm vai tôi: "Chúc mừng sinh nhật mẹ!". Sau này anh kể, trở vô gần tới bàn, nhìn thấy cảnh ấy, anh đứng yên một lúc lâu. "Anh nghĩ mình không bao giờ có thể giành giật được chút tình cảm nào mà em đã dành cho con. Nhưng anh cũng tin rằng thằng bé đã lớn, biết đâu đôi tay nó có thể sẽ rộng hơn để chấp nhận thêm một người".
Vậy mà rồi chúng tôi cũng không thể đến với nhau được. Không phải tôi không yêu người ấy, mà bởi vì tôi không thể sinh con cho anh, khi trong lòng tôi chỉ có một mình Ốc Bu. Mấy tháng sau, tôi chủ động cắt đứt quan hệ, không nhắn nhe, không hẹn gặp. Mọi chuyện dần nhạt phai. Tôi nuôi con học hết đại học, rồi lại chăm lo cho con đi làm. Giặt ủi quần áo, chuẩn bị cà-mèn cơm trưa cho con, nấu nướng buổi chiều khi con về muộn… Tất cả làm cho tôi không còn thời gian để suy nghĩ nhiều về cuộc đời mình. Cuộc sống của con, công việc của con cũng là cuộc sống và công việc của tôi. Con là tất cả.
Ảnh minh họa
Ngày con trai dẫn bạn gái về nhà, tôi không bất ngờ lắm. Cô gái ấy hiền, dễ thương, líu ríu như con chim sẻ. Con trai giới thiệu: "Mẹ, đây là Cúc Hương…". Tôi cười với con bé, nghĩ không biết con bé có thể làm được những việc gì ở nhà, hay chỉ xinh xinh như một bông cúc trắng mong manh trồng trong chậu sứ. Linh cảm thật đúng, hai đứa chia tay sau mấy tháng.
Con trai nói con bé nhõng nhẽo, khó chiều, đi đâu cũng bắt đưa đón chờ đợi, nắm tay ôm vai, hở chút là trách móc hờn dỗi… Chẳng hiểu có phải các cô gái mà con đã gặp đều có tính cách giống nhau không, chỉ biết con chẳng thành đôi với ai được hơn năm. Các cô gái đến rồi đi. May mà con cũng không đến nỗi vật vã khổ đau gì nhiều lắm.
Nhìn con mỗi sáng đi làm lại xách theo cà-mèn cơm của mẹ, buổi chiều về rất đúng giờ, đặt cái cà-mèn không trên mặt bàn, quần áo thay ra bỏ vào giỏ đồ bên máy giặt, tôi tự hỏi con trai mình đâu phải kém hấp dẫn, kém thông minh, hay cộc cằn bạo lực, mà sao vẫn cứ một mình?
Cuối tuần này con sẽ giới thiệu bạn gái mới. Lần này không dẫn về nhà cho mẹ coi mặt được, mẹ con mình sẽ cùng đi ăn cơm tối với người ta. Bên ấy cũng chỉ có hai mẹ con, mẹ cô ấy không thể để con đi một mình. Nghe con nói, tự nhiên ký ức về bữa cơm tối năm xưa hiện ra mồn một trước mắt.
Chúng ta cứ nghĩ mình đã thôi không ôm con từ khi con lớn, ngờ đâu, vòng ôm ấy chưa một ngày rời khỏi con. Mãi đến hôm nay, tôi mới lờ mờ nhận ra, mình cũng như bao bà mẹ khác, đã tự cột mình vào đời những đứa con, xoay tròn quanh chúng như một hàng rào bảo hộ. Liệu có còn chỗ nào trống, cho một người thoải mái bước vào cuộc đời con mình nữa không?