Chú Thanh tôi lại về sau mấy tháng ra đi. Xe ba gác đến nhà chở bộ sa-lon, chiếc máy hàn, bình khí nén cùng thùng đồ nghề thợ sửa xe máy. Xe bành bạch rẽ qua con đường bụi phủ xóm nghèo mà đi mất dạng.
Thím không còn nước mắt để khóc nữa, thím vẫn ngồi im bên mấy con thú bông để kết mắt, kết mũi cho chúng mà lấy tiền độ nhật. Hàng ngày, thím làm việc vất vả biết bao nhiêu, hàng ngàn con thú bông đã có mắt có mũi qua tay thím, nhưng mắt thím để đâu rồi, khi chồng lần lượt về nhà "cuốn tượng" theo gái mà thím không nói lời nào?
Người thứ ba trên phố trẻ đẹp nên "mạnh" hơn thím rất nhiều, khiến chú mê mệt. Ảnh minh họa.
Mười lăm năm chồng vợ, con trai gái đủ đôi, thím tôi làm dâu làm vợ không lỗi lầm gì. Cảnh nhà yên ấm bởi chồng làm nghề sửa xe tại gia, vợ gia công áo dài, thêu ren khăn trải bàn, áo gối. Con trai 12 tuổi đã biết phụ cha cạy bánh xe, vá ép. Con gái 10 tuổi thì phụ mẹ cắt chỉ, xếp đồ.
Nhưng hơn 1 năm qua, từ cái ngày mà chú Thanh quyết định nâng cấp tiệm sửa xe bé tẹo thành cửa hàng phụ tùng xe máy thì mọi việc không êm nữa. Vì bà chủ đại lý cung cấp phụ tùng là một góa phụ. Bà cũng còn trẻ, rất quý tính xởi lởi và tận tụy với công việc của chú Thanh tôi. Những ngày phải đi lên phố lấy hàng, trong khi chờ xếp phụ tùng vào thùng, chú và bà chủ có nhiều thời gian để tâm sự về những thăng trầm cuộc đời.
- Mà đời ai cũng có một lần để sống há anh. Em chẳng may lấy phải ông chồng vũ phu, bài bạc mà còn trăng hoa, cũng chịu đựng mười năm, giờ xem như là hết nợ. Anh có tài thế này, sao không ra phố làm ăn lớn mà lại chịu bó gối xó quê? - Bà chủ trẻ hay an ủi kiểu như vậy.
Rồi theo lời bà, mặt bằng đại lý phụ tùng xe của bà còn rộng, chú Thanh tôi mà hợp tác làm ăn bằng cách mở tiệm sửa xe kế bên thì sẽ như diều gặp gió. "Đàn bà ở quê có cần gì ngoài tiền đâu hả anh? Mỗi tháng anh gửi về cho chị ấy năm triệu đồng là dư sức sống rồi".
Chú tôi bùi tai, về nói với vợ rằng sẽ mở tiệm sửa xe trên phố, bà khỏi lo gì cả, mọi việc đã có anh em bạn lo giùm. Cả cơm nước hàng ngày cũng có tiệm cơm kế bên, giặt giũ thì có tiệm giặt ủi. "Bà chỉ lo cho hai đứa nhỏ đi học và chăm má là xong".
Má của chú, tức là mẹ chồng của thím, nay đã tám mươi ba, bị tai biến nằm một chỗ năm năm rồi. Thím tôi không đồng ý vì sợ vợ chồng xa nhau rồi "xa mặt cách lòng" nhưng chú bảo thời này một cuộc gọi là biết về nhau ngay. "Tui phải đi làm để có nhiều tiền sửa nhà nè, mua xe mới cho bà nè, mua cái tivi lớn để ở phòng khách cho nó oai như mơ ước của bà nè. Nắm níu nhau ở nhà để chết đói à? Mỗi tháng tui gửi về cho bà năm triệu là dư xài".
Lập luận của chú vậy thì làm sao thím tôi dám cãi. Vậy là chú đi, chuyển dần dần đồ đạc, nhưng cái hẹn tiền gửi mỗi tháng thì chưa lần nào tròn vẹn. Chỉ là dăm ba trăm rồi một hai triệu bằng lý do "đất mới, người mới nên công việc chưa quen, bà cầm đỡ".
Nhưng thím tôi biết, chú không phải công việc chưa quen, mà vì bây giờ đã có một "chi nhánh con tim" nên chú dồn tài chính cho việc góp tiền làm chung, cho các chi phí chăm bẵm người đó.
Thím nói không thèm đi đánh ghen, nhưng thím đau tim thì chúng tôi ai cũng thấy. Ảnh minh họa. |
Cái người thứ ba ấy coi vậy mà nguy hiểm, bắt cả hồn lẫn xác chú tôi rồi. Mà như thế hình như chưa đủ, tài sản trong nhà lần lượt không đội nón cũng ra đi. |
Bà con dòng họ bảo thím đi "bắt ghen", các dì, mợ, thím, cô đó sẵn sàng kéo rần rần theo thím để đánh ghen và hộ tống chú về. Thím bảo: "Bắt ai? Có bắt tận tay day tận mặt họ lần nào đâu mà đòi đánh ghen? Quan trọng là trái tim anh ấy ở đâu, chứ mình đem thân xác ổng về chỉ như là bắt cóc bỏ đĩa mà thôi".
Thím tôi buông xuôi và cho rằng "ngữ ấy" bạc bẽo thế, không đáng để đánh ghen. Cứ hãy để cho đi đi, khi thân tàn ma dại, lết bằng mo bò bằng mủn cũng phải về thôi. Thím ở nhà chăm mẹ chồng già, nuôi dạy hai con học hành lớn khôn là hết nhiệm vụ và đời người.
Nói là để tự trấn an mình như thế, nhưng tôi đã thấy giọt nước đang rịn trên khóe mắt người đàn bà chớm năm mươi...