15 năm trước, tôi nhận lời làm vợ Trường - cậu bạn học giỏi nhất lớp cấp III, người đàn ông chỉ yêu duy nhất mình tôi. Khi tôi nói với gia đình về vấn đề này, bố tôi hỏi: “Thằng Trường cái gì cũng tốt, chỉ có điều nó là con trai một và trên hết là cháu đích tôn. Con nhắm làm vợ đích tôn được không?”. Lúc đó tôi mới 25 tuổi - còn quá trẻ để hiểu làm vợ đích tôn khó khăn như thế nào nên tự tin nói với bố: “Con sẽ làm tốt”…
Ảnh minh họa
Bố mẹ chồng tôi đều là cán bộ nhà nước, chị và em chồng đều có trình độ đại học nên việc làm dâu của tôi cũng khá dễ chịu. Một năm sau vợ chồng tôi xây nhà ra ngoài ở riêng. Tôi sinh con gái đầu lòng. Con bé kháu khỉnh và rất giống bên nội - từ mặt mũi, chân tay cho đến tính tình. Cả nhà chồng tôi, ai cũng yêu quý, nhất là mẹ chồng tôi - lúc đó bà đã nghỉ hưu nên cứ hai ngày lại chạy xe 4km để tới chơi với cháu…
Tôi có bầu đứa thứ hai. Tuy không ai nói ra nhưng tôi biết chồng và gia đình chồng, ai cũng mong đó là con trai. Hôm chồng tôi đưa vợ đi siêu âm, lúc đó con gái đầu lòng của chúng tôi cũng đi. Khi bác sĩ nói thai nhi là con gái, mặt chồng tôi biến sắc.
Tôi thấy sợ. Hôm sau gia đình tôi tới nhà chồng. Mẹ chồng tôi hỏi: “Đi siêu âm chưa con?”. Tôi chưa kịp trả lời thì con gái tôi nhanh nhảu: “Bác sĩ nói giống cháu”. Nụ cười trên gương mặt mẹ chồng tôi biến mất. Còn bố chồng thì không nói gì mà bỏ lên lầu. Một không khí vô cùng nặng nề…
Nhà chồng tôi có đám giỗ, các cô, chú và em họ bên chồng tôi đều tới. Thấy tôi vác cái bụng to, cô chồng tôi hỏi: “Trai hay gái?”, tôi trả lời: “Con gái”. Cô chồng tôi có vẻ hơi khó chịu và nói: “Vợ chồng đều làm nhà nước chỉ được đẻ hai con, vậy mà đứa thứ hai không tính gì cả. Lúc có ý định mang thai phải nói với cô, cô chỉ bác sĩ cho…”.
Bây giờ thì tôi phần nào hiểu tại sao ngày ấy bố lại hỏi tôi có làm vợ đích tôn được không.
Ảnh minh họa |
Khi tôi sinh con, chồng tôi đang công tác ở Hà Nội. Mẹ chồng tôi có tới nhưng không vui mừng như lúc tôi sinh bé đầu. Còn bố chồng, có lẽ ông buồn và giận nên khi bé đầy tháng ông mới tới thăm. Khác với cô chị, cô em giống bên ngoại như đúc. Có lẽ vì vậy mà bên nội ít thương hơn… Tôi tủi thân vô cùng. Nhiều đêm ôm con mà nước mắt đầm đìa.
Năm con gái thứ hai được 3 tuổi, vợ chồng tôi dẫn con vào Sài Gòn thăm ông nội (gần 90 tuổi) của chồng tôi. Gặp con bé, dù biết là con gái nhưng cụ vẫn hỏi: “Con trai hay con gái?”. Chồng tôi nói là con gái. Cụ lại nói: “Giá mà là con trai thì hay biết mấy. Ông xem ti vi thấy người ta nói tỷ lệ trẻ nam nhiều hơn nữ, chắc họ nói sai”. Chồng tôi cười, tôi cũng cười nhưng mà thật sự rất áp lực… Trước khi vợ chồng tôi về Bắc, ông dặn: “Hai đứa cố gắng sinh cho ông một thằng chắt đích tôn, ông sẽ thưởng lớn”. Tôi hiểu ông nói thật, rất thật… Vợ chồng tôi chỉ cười cho qua chuyện.
Hơn một năm sau, ông nội bệnh nặng, vợ chồng tôi vội vã vào Sài Gòn. Ông nội trăn trối: “Hai đứa nhất định phải sinh một thằng con trai. Dòng họ này thịnh suy là nhờ hai đứa đó…”. Lúc đó tôi không dám không nhận lời. Chồng tôi nói: “Con hứa với ông, vợ chồng con nhất định sẽ sinh cho ông một đứa chắt đích tôn”…
Ảnh minh họa |
Hai năm sau ngày ông nội mất, vợ chồng tôi đã thực hiện xong lời hứa. Đứa con trai út của vợ chồng tôi, nói như bố chồng tôi thì: “Thằng bé rất giống cố nội - giống từ khuôn mặt, cái mũi, đôi tai đến cái miệng. Thậm chí ngay cả khi nó quấy cũng giống cố nội lúc nổi giận”.
Nhiều lúc tôi có cảm giác mình giống như người đẻ mướn. Đau đớn, vất vả, mệt mỏi… Nhưng thôi tất cả đã qua rồi.
Nói cho cùng, ngoài chuyện phải sinh cháu đích tôn cho gia đình chồng thì với tôi làm vợ đích tôn cũng được nhiều lắm. Chồng tôi là người yêu vợ, thương con và cũng là người đàn ông thành đạt. Làm vợ anh, tôi chưa bao giờ phải lăn tăn chuyện tiền bạc. Có lẽ so với nhiều cô vợ đích tôn khác, tôi còn may mắn hơn nhiều.