Cuối tuần, nhân lúc mấy đứa nhỏ vừa thi xong, tôi đưa gia đình đi nghỉ mát ở Phan Thiết. Nghe tin tôi ra, thằng Hùng, bạn từ thời đại học liền gọi điện mời: “Mày phải ghé nhà tao chơi chứ nếu không tao giận đó!”. Nghe nó gằn giọng, tôi không thể từ chối lời mời. Tranh thủ trước khi rời khỏi Phan Thiết, tôi đưa cả gia đình sang nhà nó chơi.
Thời sinh viên, thằng Hùng là lớp trưởng, còn tôi là lớp phó. Tuy mỗi đứa một quê nhưng chúng tôi thân nhau lắm. Mỗi khi hè đến, nó hay rủ tôi về nhà nó chơi và ở đây, tôi mới có dịp ngắm những vườn thanh long nở hoa trắng xóa, được ăn bánh hỏi lòng heo và cả những món ăn dân dã khác như bánh canh chả cá, bánh căng… mà má nó tự tay chế biến. Đến khi ra trường, nó trở về quê công tác còn tôi ở lại Sài Gòn sinh sống nên bạn bè thỉnh thoảng mới gặp nhau.
Biết gia đình tôi ghé qua, thằng Hùng chuẩn bị nhiều món ăn đãi khách nào là tôm, mực, cá đục nướng... món nào cũng tươi ngon. Chúng tôi đang ăn ngon lành bỗng thằng em của Hùng bưng lên cái đĩa mà trong đó có mấy con dài dài, con nào con nấy đen thui nằm chỏng chơ. Thấy món ăn lạ, vợ tôi la oái lên: “Con gì thấy mà ghê vậy anh?”. Thằng Hùng cười ha hả đáp: “Đây là con dông, đặc sản của Phan Thiết đó. Coi xấu xí nhưng ngon lắm!”. Vừa nói, thằng Hùng cầm con dông lên, xé ngay cái đùi, để lộ phần thịt trắng ngần sau lớp da đen đúa. Nó cẩn thận cho từng miếng thịt đã xé vào chén của vợ chồng tôi cùng 2 đứa nhỏ.
Dông nướng món ăn đặc sản của Phan Thiết
Thiệt tình nhìn thấy mấy con dài dài, đen trùi trũi, tôi còn không chịu được huống chi là vợ con. Nhưng đã là đặc sản thì phải thưởng thức chứ nếu không lại phụ lòng bạn. Tôi dùng tay bóc thử một miếng, chấm vào chén muối ớt, đưa lên miệng. Miếng thịt trắng ngần quyện cùng mùi ớt cay cay xộc lên tận mũi. Tôi nhai thử, không ngờ thịt dông ngọt, dai không khác gì thịt gà còn xương thì rất mềm, giống như là sụn. Đặc biệt, phần da thì giòn sừng sựt ngon vô cùng. Thấy tôi gật đầu khen ngon, vợ và mấy đứa con tôi mới dám ăn.
Trong lúc ăn, thằng Hùng cho biết, dông là đặc sản của Phan Thiết. "Dông sống trong hang, thức ăn chủ yếu là chồi non và uống sương đêm nên thịt rất ngon và bổ dưỡng. Tao phải dặn mấy ngày trời mới được vài con còn bao nhiêu họ dành hết cho mấy nhà hàng cao cấp. Thường khi chế biến người ta lột da vứt đi (vì trông không bắt mắt) nhưng tao thì để nguyên vì da giòn giòn ăn rất lạ” – thằng Hùng cho biết.
Những con dông sống trên cát
Cũng theo thằng Hùng, dông chế biến món nào cũng ngon như dông nướng, dông rô ti, dông hấp, chả dông, gỏi dông, cháo dông và dông nấu dưa hồng… “Đặc biệt với món gỏi hay chả, dông được bằm nhuyễn thì dầu có nhát gan cỡ nào cũng chẳng mấy ai từ chối”- Hùng nói.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, mấy đứa nhóc tranh thủ ăn lấy ăn để món dông nướng. Còn thằng Hùng vì mến khách, thấy tụi nhóc ăn ngon lành nên cũng vui lây. Thấy tụi nhỏ ăn nhiều tôi nhắc khéo nên dành phần cho người lớn thì thằng Hùng liền ngăn: “Để cho tụi nhỏ ăn. Món ngon sao phải nhịn thèm. Với lại, thịt dông có hàm lượng đạm cao, giúp bồi bổ sức khỏe nhất là với mấy đứa nhóc vừa kết thúc kỳ thi khá căng thẳng”.
Chúng tôi chia tay Phan Thiết, chia tay vùng đất đầy nắng gió và mang theo tình cảm chân thành của thằng Hùng dành cho người bạn năm xưa. Tôi hứa một ngày nào đó sẽ trở lại Phan Thiết để được thưởng thức món dông nướng đã gây thương nhớ trong tôi.