Ngày bé, trong các buổi ăn của một ngày, tôi thường chờ đợi ăn xế, khoảng 2 đến 4 giờ chiều. Như một thói quen,nhà tôi sau buổi ăn trưa mọi người sẽ ngủ một giấc, sau đó tỉnh dậy sẽ mang đồ ăn ra cửa hông lộng gió và ngồi ăn với nhau. Buổi ăn xế thường nhẹ nhàng nhưng rất vui vì mọi người thảnh thơi, lại có hàng xóm qua nói chuyện, chia sẻ những thức quà với nhau nên rất xôm tụ.
Chủ xị của những buổi ăn xế thường là ông nội tôi. Nếu như mẹ tôi thường mua chè, khoai mì hấp nước dừa, bánh lá, bắp luộc để sẵn từ trưa thì ông nội thường tự tay nấu, những món ăn tận dụng từ nguyên liệu thừa của buổi chợ trưa hay những thứ ông mang về từ ruộng, rẫy. Kỳ lạ là, với chừng ấy nguyên liệu sơ sài, ông đã làm ra những món ăn để đời, in dấu rất sâu trong lòng con cháu.
Món ăn mà tôi nhớ nhất và mang đậm dấu ấn của ông nhất là món ốc bươu sả ớt. Thời đó, ốc bươu sinh sản đầy ở ruộng và thường là ốc bươu sạch vì người ta chưa lạm dụng phân, thuốc. Cứ sau mỗi buổi đi ruộng về là hai túi quần, túi áo của ông nội đầy những con ốc bươu lớn. Bởi vậy, thằng em tôi cứ thấy dáng điệu hơi khom khom, hai cái tay giữ chặt hai cái túi quần phình to của ông nội là biết ngay xế đó tụi con nít sẽ được một bữa ngon lành.
Lúc nào đi kèm với mấy túi ốc cũng là vài cây sả, vài trái ớt mọc hàng ranh. Rồi cứ thế ông cặm cụi đi ngâm ốc cho nhả hết bùn đất rồi lại loay hoay băm sả ớt. Mắt ông nội tôi rất yếu nên ông cặm cụi rất lâu. Đến giai đoạn khư ốc ra từ vỏ, thường đôi mắt ông dán sát vào con ốc mà vẫn còn nheo nheo.
Nấu ăn như một công trình nghiêm túc của ông nội nên chị em tôi ít khi nào dám lăng xăng phá phách. Ông thường không muốn con cháu dự vào khi ông nấu nướng. Ở ông tôi cảm nhận một phần nào đó cái Tôi bất khả xâm phạm của một người sáng tác. Ngay cả khi mắt mờ, chân run, ông vẫn muốn tự tay chọn nguyên liệu, sơ chế rồi nêm nếm. Nói đúng ra, ông thích cặm cụi làm rồi ban phát cho con, cho cháu. Nhìn tụi con cháu ăn ngon lành, ông khề khà, vui sướng đến no.
Mấy lần tôi mon men theo ông nội để học cách làm. Cũng chừng ấy gia vị và trình tự đó mà sao món ăn của ông tròn trịa mọi khía cạnh: Vị giác, khứu giác và thị giác. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái tiếng xèo xèo đầy hân hoan của mỡ quyện trong cái mùi thơm nức mũi của ớt, sả, nước mắm, cả cái kiểu túm tụm bu vô của 6-7 đứa cháu, giành nhau khi ốc mới được múc ra khỏi chảo.
Lần nào ông nội cũng chu đáo để sẵn mấy cái bánh tráng nướng. Vậy là giữa trưa hè lộng gió, bên hông nhà mát rượi, có một ông cụ 70 và một đàn cháu nhỏ xúm xít bên dĩa ốc và mấy cái bánh tráng cùng với thùng nước đá mát lạnh. Lũ con nít háu ăn xúc từ miếng này đến miếng khác, đâu có hay ông nội giả bộ lâu lâu hít hà một cái rồi nhấp miếng miếng rượu trắng, ra chiều như ốc bữa nay cay quá, ông nội bữa nay ngon miệng nên ăn nhiều quá. Có biết đâu cả buổi ông chỉ khề khà gấp 1 miếng rồi uống rượu chay. Đôi mắt ông hấp háy cười, mãn nguyện khi có đứa cháu nào đó vừa hít hà, vừa tu một ly nước bự chảng, vừa liến thoáng: Ông nội làm ốc ngon số 1! Mai làm nữa nha ông nội.
Suốt một thời tuổi thơ tôi đã có không biết bao nhiêu lần ăn xế thịnh soạn như thế. Vẫn nhớ cái ngày tôi chuẩn bị lên Sài Gòn, ông nội vừa mừng vừa buồn đãi đứa cháu gái mà ông rất thương một dĩa ốc đầy ụ. Con nhỏ ăn mà nước mắt nuốt ngược sợ ông nội thấy, khẽ cúi đầu thủ thỉ: Chừng con về ông nội làm con ăn nữa nhen.
Nó không biết rằng đó là lần cuối cùng nó được ăn món ăn xế ngon nhất trần đời, cũng là bữa ăn kết thúc một thời tuổi nhỏ trước khi bôn ba ngược xuôi nơi xứ người. Ông nội của nó không thể chờ đến mùa hè để nó về làm ốc cho nó ăn.
Ông nội mất đi là một khoảng trống quá lớn với gia đình. Ông đi và cũng mang theo cả những buổi xế đoàn viên, những chờ đợi rất riêng sau những giấc trưa hè. Ông cũng mang theo cả món ốc xào, bởi vì sau này, dù có ai đó muốn làm để bù đắp tinh thần cho tụi nhỏ thì cũng không thể mang lại cho tụi nó một buổi xế ngon lành đầy háo hức như ông nội.
Những hương vị đặc biệt của món ăn ấy vĩnh viễn ở lại nơi mùa hè cũ, trong ký ức xa xăm của những người muôn năm cũ.
Bài viết này tôi viết không một hình ảnh minh họa, tôi cũng không muốn dùng hình ảnh trên mạng, bởi nó không thể nào thay thế được hình ảnh dĩa ốc sả ớt quá mạnh mẽ trong ký ức của tôi. Bài viết này tôi dành để tặng ông nội, cho ngày giỗ sắp tới.
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.