Tôi sinh ra ở một vùng quê Hà Tĩnh. Ngày xưa quê tôi nghèo lắm. Cha mẹ tôi sinh 9 người con, lại sống ở một vùng đất thời tiết khắc nghiệt, trời chưa nắng đã khô, trời chưa mưa đã ngập nên đời sống đã khó khăn lại càng thêm lận đận. Hồi đó, quê tôi chủ yếu sống bằng sản phẩm nông nghiệp tự cung tự cấp nên việc chợ búa của mẹ hầu như rất ít.
Bữa cơm của gia đình lúc nào cũng đông đủ 9 anh chị em. Thức ăn chính là nồi canh đậu xanh bó rau tía tô và một đĩa cà pháo giòn tan mẹ muối.
Mỗi lần nấu cơm, mẹ lấy 1/3 lon đậu xanh nhà trồng được, một cái mẹt và một cái chai rồi ngồi cà đậu. Đậu xanh được cà vỡ đôi, vỡ ba đem ngâm với nước cho nở ra rồi đãi bớt vỏ và sạn.
Trong khi ngâm đậu, mẹ ra vườn hái một nắm lá tía tô rửa sạch và thái nhỏ. Ở quê tôi, tía tô mọc ở khắp nơi và cây nào cũng tươi tốt, sum suê. Sau khi nồi cơm cạn, mẹ vùi tro cạnh bếp và cho nồi canh lên.
Mẹ phi hành tăm với mỡ thơm phức rồi đổ vừa nước, đậu xanh, nửa thìa mắm tôm vào và hãm nhỏ lửa hầm cho tới khi đậu nhừ.
Trước khi bắc canh xuống, mẹ nêm muối, mì chính cho vừa ăn rồi cho lá tía tô thái nhỏ vào. Bụng đang đói mà hít phải mùi thơm của canh đậu xanh xen mùi lá tía tô kèm phảng phất mùi mắm tôm ngòn ngọt thì không ai có thể không nuốt nước miếng vì thèm.
Mỗi lần đi học hay đi chăn trâu về tôi lại chạy xộc vào bếp, mở cái vung nồi canh mẹ đang bắc trên bếp hít hít mấy cái cho đã. Mẹ nhìn tôi với cái nhìn trìu mến và hình như mẹ tôi lại rơm rớm nước mắt.
Bữa cơm được dọn ra với bát canh bốc khói, đĩa cà pháo trắng muốt, giòn rụm. Một bữa cơm thật giản đơn, đạm bạc mà ấm áp tình phụ mẫu, tình anh em ruột thịt đã theo tôi suốt cả cuộc đời.
Bây giờ tôi đã ngoài sáu mươi, không còn mẹ còn cha và không đủ đầy 9 anh chị em như ngày xưa nhưng cứ mỗi chuyến về thăm quê, các cháu tôi lại cà đậu, hái tía tô và nấu canh đậu theo lời kể của tôi để đãi tôi. Bát canh đậu, miếng cà pháo quê nhà nhưng gợi lại cho tôi thật nhiều kỷ niệm của tuổi thơ nghèo khó mà êm đềm để lòng luôn trĩu nặng tình yêu mến quê hương – nơi chôn nhau cắt rốn của mình.