Trong hàng trăm, hàng ngàn món ngon đến từ biển cả, không thể không nhắc đến các loại hải sản một nắng – một cách thức chế biến độc đáo để nâng tầm hương vị của con cá, con mực, con tôm…
Khi đã nhắc đến hải sản một nắng thì không thể không nhắc đến CAMONA, thương hiệu hàng đầu nổi tiếng với các loại khô một nắng, trong đó có con cá dứa Cần Giờ. Có dịp trò chuyện cùng anh Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Linh mới hiểu đằng sau con khô, con mắm là những trăn trở làm sao để nâng tầm giá trị và hương vị của thủy hải sản Việt.
"Nhà tôi 3 đời là nghề xẻ cá"
Sinh ra ở Nam Định, 7 tuổi cha mất sớm, theo mẹ di cư vào Nam ở huyện Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, anh Tiến gắn bó với nghề buôn bán hải sản, xẻ cá làm khô của gia đình. "Xẻ cá làm khô là nghề gia truyền của nhà tôi. Mẹ tôi một mình bươn chải nuôi 3 con khôn lớn cũng nhờ vào tôm cá ở biển" – anh Tiến tâm sự.
Nhà có ba chị em, hoàn cảnh khó khăn, hai chị phải nghỉ học sớm, riêng anh Tiến được lên đến đại học. "Với tôi, được học đại học, lại là ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) là một kỳ tích, một điều may mắn lớn mà mẹ dành cho tôi. Chính nhờ nghề xẻ cá gia truyền và nhờ kiến thức từ trường đại học đã làm nên CAMONA" – anh Tiến chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên ở biển, anh Tiến có cảm tình đặc biệt với các loại cá khô. Dù vậy, anh luôn trăn trở khi biết trong quá trình ướp tôm, cá, mực… làm khô người ta thường thêm vào các loại hóa chất để khô trông đẹp mắt hoặc được bảo quản lâu hơn. Chưa kể là khô cá luôn đi liền với sự mặn mòi quá mức, vốn là thói quen ăn uống được cảnh báo không tốt cho sức khỏe. "Tôi luôn nghĩ tại sao người ta không làm khô sạch và bớt mặn để không chỉ giữ được hương vị thơm ngon vốn có của hải sản và tốt cho sức khỏe. Làm như vậy có khó không, bán có lời không mà tại sao người ta không làm" – anh Tiến trăn trở.
Rẽ hướng bán khô bằng công nghệ
Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm được 6 năm, anh Tiến bất ngờ nghỉ việc, rẽ hướng đi bán khô. "Năm 2016, lúc đó tôi mới cưới vợ được 4 tháng. Tôi rủ "hay vợ chồng mình làm khô bán, nối nghiệp nghề gia truyền của gia đình", cô ấy gật đầu, vậy là 2 vợ chồng cùng làm" – anh Tiến kể.
Người chị thứ 2 của anh Tiến từ nhỏ đã theo mẹ ra biển xẻ cá làm khô nên có rất nhiều kinh nghiệm trong việc ướp cá. Anh Tiến về bàn với mẹ và rủ chị cùng làm và được gia đình ủng hộ nhiệt tình. Ban đầu, anh Tiến cùng chị thu mua hải sản ở Long Hải, cá dứa từ vùng biển Cần Giờ (TP HCM),… để làm các loại khô một nắng và buôn bán nhỏ lẻ trên các sàn thương mại điện tử như rongbay, adayroi, sendo,…
Nhận thấy thương mại điện tử là xu hướng phát triển, năm 2018, anh Tiến quyết định thành lập Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tiến Linh và thương hiệu CAMONA – chợ onlien chuyên hải sản một nắng. "CAMONA là viết tắt của cụm từ CÁ MỘT NẮNG" – anh Tiến giải thích.
Bắt kịp xu hướng, thương hiệu CAMONA ngày càng được nhiều người biết đến. Đi cùng với đó, anh Tiến mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Anh thành lập một xưởng sản xuất ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh và mở 3 chi nhánh phân phối: 2 chi nhánh ở TP HCM (quận 12 và TP Thủ Đức) và 1 chi nhánh ở quận Tây Hồ, Hà Nội.
Sức khỏe và trải nghiệm của người dùng là trên hết
Dù gia nhập thị trường không lâu lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thương hiệu CAMONA vẫn phát triển bền vững. Theo anh Tiến, sỡ dĩ sản phẩm hải sản một nắng CAMONA được người tiêu dùng tin cậy là sạch và ngon.
Công ty Tiến Linh thu mua các loại hải sản tươi sống ở những vùng biển tổi tiếng như Bà Rịa – Vùng Tàu, Bình Thuận, Phú Quốc, Cà Mau,… để chế biến. Một loại hải sản, công ty sẽ có nhiều cách chế biến khác nhau để làm gia tăng độ thơm ngon. Ví dụ với con cá dứa sẽ có loại phơi 1 nắng (1 nắng là phơi ngoài nắng to từ 4-8 giờ), 3 nắng; tôm thì có loại khô hoàn toàn hoặc chỉ phơi 2 nắng chỉ vừa dẻo,… Hiện CAMONA có khoảng 60 mặt hàng khô các loại từ 1 nắng đến 2 nắng, 3 nắng được chế biến từ cá dứa, cá đù, cá sặc, cá lóc, cá lưỡi trâu, tôm, mực,…
"Ngoài các loại gia vị cơ bản để ướp khô như muối, tiêu, sả, ớt,… chúng tôi không dùng bất cứ loại hóa chất nào, kể cả chất bảo quản được cho phép. Chúng tôi cũng chủ động giảm muối để làm sao con khô vừa ăn chứ không mặn lòi theo kiểu 1 miếng khô – 1 chén cơm. Chúng tôi thường xuyên đánh giá khẩu vị khách hàng để điều chỉnh, gia giảm sao cho phù hợp nhất" – anh Tiến nói.
Khô ướp nhạt lại không có chất bảo quản nên quá trình bảo quản, vận chuyển đến tay khách hàng rất nghiêm ngặt. "Sau khi khách đặt hàng, trong vòng 2 giờ, sản phẩm sẽ được ship tận bếp nhà khách để bảo đảm sản phẩm còn tươi mới, thơm ngon. Quá trình sử dụng, nếu sản phẩm có vấn đề gì, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ và có bồi thường cho khách. Với CAMONA, trải nghiệm của khách là quan trọng nhất" – anh Tiến khẳng định.
Theo anh Tiến, hiện anh có khoảng 70.000 khách hàng thân thiết và các mặt hàng được nhiều người ưa chuộng là khô cá dứa, khô cá sặc, khô cá đù, tôm khô,… Đặc biệt, vào dịp Tết, lượng hải sản một nắng của CAMONA được tiêu thụ rất mạnh nhờ đông đảo Việt kiều về nước mua làm quà.
Ngoài các loại khô cá, tôm, mực, CAMONA còn bán một số loại hải sản nhập khẩu như cá thu 1 nắng Hokle của Nhật, lươn nướng Nhật hay mắm Châu Đốc và bò 1 nắng 2 sương – đặc sản của vùng đất Phú Yên.
"Tôi vốn đam mê ẩm thực, đi đâu được thưởng thức món ngon, bảo đảm chất lượng là tôi bán. Ngoài kinh doanh, tôi cũng muốn quảng bá nhiều hơn nữa những món ngon đến khách hàng" – anh Tiến nói.
Nâng tầm giá trị con cá dứa, cá đù
Khi nói đến những sản phẩm của CAMONA, anh Tiến đặc biệt nhắc nhiều đến con khô cá dứa của Cần Giờ. Con cá dứa Cần Giờ sống ở vùng cửa biển nước lợ có thịt rất thơm ngon. Khi làm khô 1 nắng chỉ vừa héo hoặc phơi 3 nắng cho dẻo sẽ rất thơm ngon. Anh Tiến cho biết CAMONA chỉ nhập con cá dứa tươi sống ở Cần Giờ chứ không dùng cá ở bất cứ nơi nào khác.
"Theo tôi, con khô cá dứa Cần Giờ là đỉnh cao của các loại khô một nắng nói riêng và hải sản nói chung. Con cá đù cũng vậy, nếu ăn tươi thì hơi bở nhưng chỉ cần phơi 1 nắng, thịt cá trở nên chắc và dai hơn. Người ta thường ca tụng hải sản Nhật Bản nhưng cá nhân tôi thấy, ví dụ như con khô cá thu 1 nắng hokke của Nhật, so ra không ngon bằng khô cá đù chứ chưa nói đến cá dứa" – anh Tiến quả quyết.
Điều anh Tiến trăn trở và cũng là mơ ước là làm sao để nâng tầm giá trị của hải sản một nắng Việt Nam, quảng bá và đưa nó ra thế giới. Bảo quản và vận chuyển là khâu quan trọng trong quá trình đưa hải sản một nắng đến bếp người tiêu dùng. Đây cũng là khâu khó trong quá trình hướng tới xuất khẩu.
"Khó nhưng không phải là không có cách, trong tương lai, Công ty Tiến Linh sẽ nghiên cứu tìm cách xuất khẩu sản phẩm hải sản một nắng để phục vụ bà con kiều bào cũng như giới thiệu đến thế giới món ngon của ẩm thực Việt" – anh Tiến bày tỏ.
Trung bình mỗi tháng CAMONA bán ra được hơn 1 tấn khô cá dứa một nắng, doanh thu 500 triệu đồng. Tổng doanh thu hàng tháng của doanh nghiệp hiện đạt khoảng 2 tỉ đồng
Làm ăn ở Trà Vinh rất an tâm
Trong quá trình đi tìm nguồn hải sản, anh Nguyễn Văn Tiến biết được rất nhiều tàu thuyền đánh cá ở Bà Rịa – Vũng Tàu ghé vào cảng cá Định An (thị trấn Định An, huyện Tà Cú, tỉnh Trà Vinh) nghỉ ngơi, bán hàng. Nhận thấy nguồn hải sản tươi, giá cả ổn định, anh Tiến quyết định lập cơ sở chế biến, sản xuất ở đây.
"Chính quyền địa phương rất cởi mở và tạo điều kiện để doanh nghiệp đến làm ăn vì sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt, các cơ quan chức năng ở Định An rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường và thường xuyên kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp. Tôi rất thích cách quản lý này vì đây là cơ hội để doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và tạo uy tín trên thị trường" – anh Tiến nói.