Tôi 30 tuổi, lần đầu tiên làm mẹ. Hiện con tôi được hơn 6 tháng nhưng bé thể hiện rõ sự tự lập đến mức vợ chồng tôi đùa rằng nhiều khi con làm ba mẹ… tủi thân.
Khi phát hiện đang mang sinh linh trong bụng, tôi bước đầu chút bỡ ngỡ nhưng dần bình tâm, nhớ lại những kiến thức tích lũy từ thời con gái về dinh dưỡng bà bầu, em bé, phương pháp nuôi dạy con của mẹ Nhật, mẹ Mỹ… Trong vô vàn phương pháp, tôi chọn cách để con phát triển theo hướng độc lập và thích nghi sớm.
`Tôi chọn cách dạy con tự lập, thích nghi sớm
Đầu tiên, ngay từ khi ở bệnh viện về nhà, tôi đã cho con gái ngủ cũi riêng, với bộ chăn, đệm, gối tách biệt cha mẹ. Chiếc cũi có 1 cánh cửa mở thông với giường ngủ cha mẹ nên chúng tôi dễ dàng chăm sóc con đêm khuya, đồng thời đảm bảo người lớn không làm ảnh hưởng bầu không khí của con.
Khi con thức dậy vào ban đêm khóc lóc, vợ chồng tôi không bế con lên ngay mà giữ im lặng vài phút trong bóng tối. Nếu con không ướt tã, không đói sẽ dần ngủ lại ngay sau đó. Thời gian sau, con học được cách ngủ một mình, đêm giật mình cũng tự ru ngủ bản thân.
Ngoài ra, ban ngày, tôi cũng luyện bé chơi một mình bằng cách tự do cầm nắm các đồ vật, mảng thức ăn mềm (tôi không đeo bao tay cho bé từ nhỏ để con cảm nhận được việc sờ, nắm) chuẩn bị cho phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm chỉ huy sau này. Tôi không bế nhiều và cũng lưu ý ông bà, người thân bồng bé quá lâu, đặc biệt khi bé khóc. Do đó, con tôi chỉ khóc khi đói hoặc tã ướt, thiếu ngủ, đau ốm…
Từ khi ra tháng, thỉnh thoảng hai vợ chồng bế con đi taxi đến trung tâm thương mại dạo chơi để con quan sát. Lúc này, con nằm xe đẩy hoặc địu chứ cũng không cần đến ba mẹ ôm ấp. Cũng nhờ giảm bồng ẵm, chúng tôi có nhiều thời gian ngồi đối diện nắm tay chân, matxa cho con, trò chuyện cười đùa, tương tác với con nhiều hơn.
Trong quá trình tắm nước ấm, bé cũng được thoải mái chơi đùa với nước, nằm ngửa và cả lật úp (thau ít nước). Cho bú xong, tôi rào giường lại cho con nằm lăn lóc thoải mái. Nhờ vận động nhiều, mới 2 tháng 14 ngày con tôi đã biết lật, tới 4 tháng bé biết trườn, 5 tháng biết ngồi và bò, hiện nay cháu hơn 6 tháng đã quỳ vịn thanh giường đứng dậy.
Sau khi ra tháng, tôi cũng tập con tự ngủ bằng cách treo mùng, cho con vào và tắt đèn phòng. Ban đầu, con khóc lóc phản ứng nhưng sau đó, khi tắt đèn, con biết đã đến giờ ngủ nên trằn trọc một lát rồi lăn ra ngủ. Ban ngày, con chơi mệt tự ngủ.
Tôi cho bé bú mẹ hoàn toàn, sữa dư tôi vắt ra trữ đông cho con dùng dần. Từ nhỏ đến giờ bé chưa hề đau ốm nhưng chỉ roi roi chứ không bụ bẫm. 6 tháng tôi đi làm lại, con ở nhà với ông bà rất ngoan, ăn rồi ngủ và chơi, nên cả nhà cũng không quá vất vả. Ba mẹ đi, con nhìn theo tiếc nuối, khi ba mẹ về con chỉ cười đùa mừng rỡ chớ không hề khóc lóc đòi ẵm.
Con tự lập nên tôi không quá lu bu, bận bịu vấn đề dỗ con nín, ru ngủ hay bồng bế, từ đó có thời gian chăm sóc bản thân như: Chạy bộ lấy lại vóc dáng, shopping, dành thời gian cho chồng... Mỗi khi con làm được trò mới, tôi đều cười tươi vỗ tay khen con. Tình yêu thương vẫn đong đầy vì tôi và chồng luôn bên cạnh chơi đùa, chăm sóc con.
Khi bắt tay vào dạy con tự lập, tôi nhận được sự phản đối của nhiều người như họ hàng hai bên, hàng xóm, người quen... Họ cho rằng đối xử với con như vậy khiến con "thiếu hơi mẹ", không bồng bế con là không thương con, không dỗ ngay khi con khóc là vô cảm. Đến bây giờ tôi vẫn đấu tranh và giải thích với người thân để thực hiện trọn vẹn những phương pháp dạy con của mình. Với người lạ, tôi không cần giải thích.
Không phương pháp nào hoàn hảo và tác dụng ngay tức khắc. Con tôi đôi lúc vẫn trở chứng mè nheo khóc lóc như bao đứa trẻ khác, bé hơi chậm tăng cân và còn nhiều khó khăn đang chờ nhưng tôi tin rằng về lâu dài, phương pháp này sẽ phát huy hiệu quả. Tôi vẫn sẽ tiếp tục cho con tự lập sớn vì tin rằng bất cứ đứa trẻ nào muốn trở thành một người lớn tự tin, vững vàng đều cần có kỹ năng tự lập.