Cứ vào độ tháng 8, tháng 9, người Huế lại được dịp bội thu mùa nấm tràm - một loại nấm với hương vị đặc trưng của nơi này. (Ảnh: nguoiduatin)
Khi những cơn mưa đầu mùa ghé qua cũng là lúc những nụ nấm căng tròn, núc ních đua nhau nhú lên, tạo thành một thảm thực vật nâu tím đằm thắm dọc các bìa rừng của dãy Trường Sơn xứ Huế. Nấm tràm mọc rất nhanh, nhanh đến độ chỉ cần hôm nay trời bất chợt đổ mưa thì hôm sau ở các khu chợ như Tây Lộc, Đông Ba Huế... đâu đâu cũng thấy người ta bán nấm. Chính sự khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên đã tạo điều kiện cho những "em bé" nấm tràm xinh xắn lúp búp nhú lên.
Nấm tràm mọc thành từng cụm với màu tim tím đặc trưng của đất Cố đô.
Nhìn vẻ bên ngoài, nấm tràm rất ưa nhìn với vẻ "mũm mĩm đáng yêu" thì khi thưởng thức nó lại không hề dễ chịu chút nào. Thoạt đầu, vị giác sẽ bị "thức tỉnh" bởi cái vị đăng đắng, nhẫn nhẫn nhưng ở hậu vị, mọi người sẽ dễ dàng bị "ghiền" bởi vị béo và tươi ngọt của nó.
Khi mua về, ta phải chế biến cẩn thận, cần chú ý dùng dao cạo bỏ lớp đất dưới chân nấm, ngâm với nước muối khoảng 20-30 phút. Kế đến, rửa sạch, cho vào nồi nước sôi khoảng 15 phút, vớt ra, để ráo. Sở dĩ phải luộc kỹ trước khi nấu vì để giảm vị đắng của nấm.
Nấm tràm chế biến được rất nhiều món ăn ngon. Nhưng ngon nhất là khi nấu cùng với rau lang hoặc rau tập tàng cùng với rất nhiều cá, tôm tươi hay thịt ba chỉ...
Nấm tràm có thể dùng để chế biến trong nhiều món ăn.
Nấm tràm được đánh giá là rất tốt với sức khoẻ nhờ chất dầu tràm ở trong nó. Do vậy, người sành ăn luôn mong bát canh nấm tràm càng đắng càng tốt. Bát canh nấm tràm còn đong đầy sự yêu thương của người mẹ, người con dâu Huế, cẩn thận gọt từng tai nấm và nhặt từng lá rau, tinh tế trong cách nêm nếm để tạo ra bát canh nấm tràm đạt chuẩn vị.
Mỗi năm chỉ có hai mùa nấm tràm và thường mỗi mùa cũng chỉ kéo dài vài ba ngày. Vì thế, khi thưởng thức bữa cơm của người Huế có bát canh nấm tràm, người ta lại càng trân quý thứ đặc sản quý được ông trời ban cho mà không nơi nào có được này./.