Tình yêu - câu chuyện bất diệt của muôn đời
Biết bao nhiêu câu chuyện tình đã đi vào lịch sử, gây cảm xúc cho người nghệ sĩ để rồi đi vào văn học nghệ thuật của loài người. Tại châu Âu có chuyện tình Roméo và Juliette, Paul và Virginie… Tại châu Á có Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi… và Việt Nam mình đâu kém, cũng có chuyện tình Trương Chi Mỵ Nương, Trọng Thủy Mỵ Châu…
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, có một điều mà mọi người chúng ta thường quên: những câu chuyện tình nổi tiếng trên đều chỉ là những câu chuyện tình tuyệt vọng hoặc tan vỡ. Chính vì cảm xúc cho sự bi thương đó mà người nghệ sĩ trong mọi thời đại đã lấy đó làm đề tài sáng tác và truyền lại cho đời sau những tác phẩm tuy đẹp nhưng thấm đầy nước mắt.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho các bạn trẻ chúng ta ngày hôm nay là thực sự có tình yêu hay không?
Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta cần có sự phân biệt các loại tình yêu để từ đó mới có thể có cái nhìn chuẩn xác. Có một điều là trong tiếng Việt, có sự phân định giữa hai từ tình yêu và tình thương. Nhưng ở đây chỉ xin dùng một từ tình yêu nói chung, vì từ ngữ này bao quát và rất là hàm súc.
Tình yêu cao thượng
Cái gọi là tình yêu cao thượng này có tính cách đúng như tên gọi của nó: sự cao thượng. Đó là một tình yêu lớn lao vượt ra ngoài cái phạm vi lứa đôi nhỏ hẹp. Trong tình yêu này, ta yêu thương người hàng xóm này đang gặp phải bất hạnh, yêu thương làng quê kia đang chịu cảnh mất mùa, đất nước nọ đang gặp phải lũ lụt… Nghĩa là ta yêu thương tất cả mọi người, mọi loài hiện hữu cùng ta trên trái đất này. Đó chính là điều mà Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta. Đây chính là tình yêu cao thượng.
Tình yêu lứa đôi
Nếu như phải định nghĩa tình yêu lứa đôi là gì thì ai cũng biết rằng đó là tình yêu giữa… lứa đôi, tức là giữa hai người nam nữ với nhau. Có thể phân tình yêu này thành hai loại:
Tình yêu đích thực là muốn gắn kết đi tới hôn nhân và xây dựng một mái ấm gia đình, trong đó bao hàm sẽ thực hiện toàn tâm toàn ý trách nhiệm đối với nhau, đối với con cái sẽ sinh ra sau này và đối với xã hội. Đây là tình yêu của lớp tuổi đã trưởng thành trong suy nghĩ, có công ăn việc làm ổn định và vững vàng về mặt tài chính.
Loại thứ hai, tạm gọi là tình yêu mơ mộng, thường gặp ở lớp tuổi mới lớn, lớp tuổi tràn đầy mộng mơ, nên chỉ biết yêu trong mơ mộng chứ không nghĩ đến mục đích và trách nhiệm như loại tình yêu đã nêu ở trên. Loại hình tình yêu này thường gặp ở lớp tuổi sinh viên, những con-người-vừa-đạt-đến-ngưỡng-người-lớn, và thường thấy cuộc đời đẹp như hoa.
Ảnh minh họa
Nhưng xin các em đừng quên rằng, "tình yêu như trái phá, con tim mù lòa" như lời một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mà đã là trái phá thì nổ vỡ, và mù lòa thì đâu còn thấy gì! Chưa có bao giờ một lời bài hát lại nhắc nhở loài người một cách chân xác và tràn đầy yêu thương như vậy.
Để "khởi nghiệp" tình yêu
Nhưng dù là loại hình tình yêu gì thì rốt cuộc đều cũng phải đi theo hết một con đường, hay nói chính xác hơn, là một "phương trình bất đẳng thức" bắt buộc:
Yêu đương hoa mộng + Kết hôn = Lo toan vật chất + Lo toan tinh thần + Trách nhiệm + Bất đồng + Qué sera…
Những ngày đầu yêu nhau, dĩ nhiên là tràn đầy hoa mộng. Bên nhau thì cứ lâng lâng như trên thiên đường. Cách xa thì nhớ thương nhau từng ánh mắt nụ cười. Người này nhìn người kia bằng con tim như trong lời bài hát của Trịnh Công Sơn. Thế rồi cho đến ngày đạt được mong ước, tức là ngày kết hôn, cũng tức là ngày chấm dứt vế phương trình thứ nhất để chuyển sang vế thứ hai, với đầy những lo toan.
Ảnh minh họa
Và xin đừng quên rằng vế đầu với những ngày hoa mộng, thật ngắn. Trong khi vế sau với những lo toan vật chất và tinh thần, với trách nhiệm mọi mặt và những bất đồng chắc chắn sẽ có, thì dài chẳng biết đến bao giờ. Chính vì vậy mà cuối phương trình mới là Qué sera (Biết ra sao ngày sau) cùng ba dấu chấm, mượn tên bài hát vượt thời gian trong bộ phim nổi tiếng L’ homme qui en savait trop (Người biết quá nhiều) của thập niên 50 thế kỷ trước.
Thôi, bây giờ mình hãy giải phương trình theo kiểu thực tế để có một cái nhìn thật cụ thể. Hãy gác lại những ngày hoa mộng thật ngắn vì ngay từ những ngày trước kết hôn là đã bắt đầu chuỗi ngày dài đăng đẳng của lo toan rồi. Lo in thiệp, lo danh sách khách mời, lo nhà hàng, và lo… tiền.
Thậm chí có những đôi bạn trẻ, ngay trong tiệc cưới, trong lúc nâng ly rượu đi chào từng bàn, cô dâu chú rể mặt tươi như hoa nhưng thật sự lòng đang sầu héo không biết lát nữa đây xong tiệc, số tiền mừng có đủ để trả cho nhà hàng hay không! Đây không phải là chuyện hư cấu mà thật sự là chuyện thường xảy ra, nhất là trong giới anh chị em công nhân nhập cư làm việc tại thành phố với cuộc sống khó khăn, đồng lương eo hẹp và chẳng dành dụm được bao nhiêu.
Ảnh minh họa
Những ngày kế sau đó là những lo toan dài lâu cho việc ăn ở. Ở riêng thì chưa có điều kiện. Mà ở chung trong gia đình chồng thì gặp cảnh chung đụng với mẹ chồng, em chồng, phức tạp đủ điều. Và chưa kể đến khi có con, gặp lúc con đau ốm bệnh hoạn lại không có tiền chạy thuốc thì vợ chồng rất dễ dàng mâu thuẫn với nhau.
Cũng chưa nói đến việc cưới nhau xong, đã thuộc quyền "sở hữu" của nhau thì thường thường cả hai bên đều không còn chuyện e ấp gìn giữ nữa, lúc ấy sẽ bộc lộ hết bản ngã với mọi thói hư tật xấu và như vậy là thần tượng ngày nào sẽ không còn trong mắt ai. Vậy là thêm một yếu tố nữa góp phần cho sự đánh mất hạnh phúc.
Ảnh minh họa
Vậy đó, cái hoa mộng trong vế đầu của phương trình đã làm cho chúng ta tưởng như là tình yêu. Xin các bạn trẻ ngày hôm nay hãy nhớ cho rằng cả một phương trình đầy đủ và dài dằng dặc như trên mới chính là tình yêu đích thực. Có hoa mộng nhưng cũng có cả lo toan. Có bất đồng nhưng cũng có độ lượng, bao dung. Biết quan tâm chăm sóc nhau và hãy luôn cùng nhìn về một hướng.
Để kết thúc những chia sẻ này, xin mượn hai câu thơ vô cùng dịu dàng và thấm sâu đã vô tình nhặt được đâu đó:
Hãy yêu như yêu lần đầu
Xin nâng đỡ đời nhau
Bằng con tim hiểu biết
Lo sợ gì thương đau.