6 siêu trí tuệ đến từ Nhật và Đức - Ảnh: HOÀNG LÊ
Bốn gương mặt tài năng xuất hiện trong ba tập đầu của siêu trí tuệ Việt Nam có mặt trong buổi giao lưu là "Thần đồng sử học" 14 tuổi Phước Vinh; cô bé Diệu Linh từng gây kinh ngạc khi nhận diện 100 ảnh sân bay chụp từ vệ tinh; Hồng Anh - cô bé có trí nhớ siêu đẳng và sinh viên Sơn Tùng với những mảnh ghép tranh rối.
"Bộ tứ học đường" giao lưu với khán giả - Ảnh: HOÀNG LÊ
4 siêu trí tuệ Nhật Bản là Kaito Mori - Á quân cuộc thi Z-Kai Quiz Colosseum 2014, từng tham gia trong các chương trình nổi tiếng của Nhật Bản và hiện đang là sinh viên Đại học Tokyo; Yu Sajima - tuyển thủ rubik hàng đầu Nhật Bản, góp mặt trong nhiều giải đấu rubik châu Á và thế giới; tuyển thủ trí nhớ Nhật Bản - Takeru Aoki và cô bé "thần đồng toán học" với biệt tài tính nhẩm thần sầu - Rinne Tsujikubo.
Siêu trí tuệ Nhật Bản trong thử thách xoay rubik - Video: HOÀNG LÊ
2 siêu trí tuệ Đức có thành tích đáng nể trên đấu trường quốc tế: Simon Reinhard từng ba lần vô địch trí nhớ châu Âu và hai lần vô địch trí nhớ thế giới; Johannes Mallow sở hữu nhiều kỷ lục trí nhớ thế giới, anh còn là huấn luyện viên trí nhớ và tác giả sách khoa học.
Hội trường của Trường đại học quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) không còn một chỗ trống. Ban tổ chức phải kê thêm ghế dọc theo lối đi hai bên hội trường để đáp ứng số lượng bạn trẻ đến rất đông. Những tràng vỗ tay không dứt khi các siêu trí tuệ bước vào khán phòng và giao lưu với khán giả.
Sau khi ca sĩ Tóc Tiên đốt nóng hội trường bằng hai bài hát sôi động, "bộ ba học đường" Diệu Linh, Phước Vinh, Hồng Anh chia sẻ cảm xúc sau khi nổi tiếng chỉ qua một tập phát sóng và nói lên mơ ước tương lai của mình.
Siêu trí tuệ Nhật xoay rubik xuống giao lưu với khán giả - Ảnh: HOÀNG LÊ
Cuộc giao lưu với 2 siêu trí tuệ Đức lại khiến nhiều người cảm động bởi tình bạn đẹp giữa họ. Ngồi trên xe lăn vì bệnh, Johannes Mallow kể rằng anh biết đến cuộc thi trí tuệ vào năm 2003 và bắt đầu luyện tập, năm năm sau đó anh tham gia cuộc thi. Anh bảo: "Một điều nghịch lý là hiện nay sức khỏe tôi không tốt thì trí nhớ lại rất tốt. Và trí nhớ đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc hằng ngày".
Hai siêu trí tuệ Đức giao lưu với khán giả - Ảnh: HOÀNG LÊ
Bạn đồng hành của Johannes Mallow - Simon Reihard chia sẻ thêm: "Tại sao 2 người thi cùng nhau lại phải là đối thủ mà không là bạn bè thân thiết? Là bạn bè chúng tôi đồng hành với nhau, chia sẻ niềm đam mê và hỗ trợ giúp nhau tiến bộ".
Trong chương trình, cô bé vóc dáng nhỏ xíu nhưng bộ óc siêu phàm Rinne Tsujkubo khiến cả hội trường ngất ngây khi tham gia hai thử thách tính nhẩm rất khó và cả hai bài toán đều được Kaito giải chính xác. Còn Yu Sajima có màn thách đấu rubik và uống trà sữa với ba bạn trẻ ở hội trường đầy thú vị.
Siêu trí tuệ Nhật Bản với thử thách tính toán siêu tốc - Video: HOÀNG LÊ
Trước câu hỏi cuối mà các bạn trẻ đặt ra: "Làm thế nào để có thể duy trì được trí nhớ tốt, trở thành siêu trí tuệ?", Takeru Aoki đưa ý kiến: "Cần có giấc ngủ tốt. Ngủ không đủ sẽ giảm trí nhớ. Một điều quan trọng nữa là phải có thói quen sinh hoạt điều độ".
Kaito Moli khẳng định ba điều: "Tìm hiểu ý nghĩa sự vật đó thì sẽ nhớ bền hơn, cần phải ôn tập thường xuyên và làm bất cứ điều gì phải có niềm vui. Nếu yêu thích thì sẽ nhớ dễ dàng". Còn anh chàng Yu Sajima cho rằng phải luyện tập với tinh thần thi đấu.
Các siêu trí tuệ Việt Nam cũng cùng quan điểm. Sơn Tùng cho rằng điều quan trọng đầu tiên là kiên trì, để nhớ tốt cần phải có sự tưởng tượng và liên kết những điều muốn nhớ. Diệu Linh cũng cho rằng đó là sự kiên trì và kiên nhẫn. Cũng nhấn mạnh sự kiên trì, Phước Vinh bổ sung thêm: "cần có tinh thần tốt".
Siêu trí tuệ Việt Nam là cuộc thi hiếm hoi về trí tuệ trên truyền hình. Chỉ sau ba tập phát sóng, chương trình đã nhận được nhiều tình cảm của khán giả. Các tập phát lại trên kênh YouTube đạt đến con số hàng triệu. Mới đây, tập 3 chương trình đạt top 2 trending YouTube.