Đồ chơi có một ma lực đặc biệt đối với trẻ con, vì thế mà chúng rất hay vòi vĩnh bố mẹ sắm cho càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên hiện nay với đại đa số phụ huynh, khái niệm đồ chơi cho con trẻ còn khá đơn giản và không được quan tâm nhiều: chỉ cần đưa cho con bất cứ thứ gì trẻ có thể ngồi yên và chơi được.
Số khác còn có vẻ cực đoan hơn khi cho rằng mua đồ chơi mới thậm chí là một cách nuông chiều con trẻ, khiến chúng lơ là việc học dẫn đến rất khắt khe trong việc mua đồ chơi cho trẻ. Liệu có nên chăng chúng ta cần dành chút thời gian để nhìn nhận về những lợi ích do đồ chơi mang lại cho sự phát triển của trẻ nhỏ? Và cân nhắc lựa chọn món đồ chơi như thế nào để hỗ trợ tối đa để khơi dậy những tiềm năng của trẻ.
1. Khi chơi đùa thực sự trẻ học được gì?
Nếu bạn chịu khó quan sát, không cần phải là chuyên gia, các bậc phụ huynh đều có thể tự nhận thấy con trẻ được chơi đùa sẽ vui vẻ hơn, lâu dần không chỉ giúp phát triển về thể chất mà còn cả về nhận thức, tình cảm. Lấy các ví dụ cụ thể để bạn dễ hình dung về các lợi ích mà món đồ chơi mang lại cho trẻ:
- Những khối nhựa, gỗ giúp trẻ nhận thức về không gian, về kích cỡ của đồ vật … những yếu tố có thể trở thành nền tảng cho bài học hình học, vật lý, kiến trúc, kỹ thuật sau này.
- Bút vẽ, bảng màu và những nét vẽ nguệch ngoặc giúp trẻ phát triển khả năng quan sát và ghi nhận thế giới thực tế. Ban đầu những hình vẽ đơn giản và phức tạp dần theo thời gian, bạn cũng có thể hiểu rằng khả năng quan sát và tư duy của trẻ cũng sẽ theo đó phát triển từng ngày.
- Các bộ láp ráp vừa khiến trẻ tập tư duy logic, vừa là cơ hội cho chúng học cách kiên nhẫn, tập trung cho đến khi nào hoàn thành "tác phẩm" mà không bỏ cuộc nửa chừng …
Trên đây chỉ là một vài minh chứng rất cơ bản để bạn hiểu rằng "đồ chơi không chỉ là để nghịch phá", mà quả thật còn có nhiều công dụng cần lưu tâm.
2. Cần làm gì để đồ chơi không biến thành một phương thức nuông chiều trẻ?
Bất cứ một điều gì trong cuộc sống, không riêng đồ chơi, đều có hai mặt. Và nếu bạn không muốn biến món đồ chơi thành phương thức nuông chiều con trẻ thì hãy nhớ kỹ các nguyên tắc sau:
- Không mua một món đồ chơi chỉ bởi vì trẻ vòi vĩnh.
- Lên kế hoạch mua sắm, không nên đợi có dịp hoặc tiện ghé vào cửa hàng đồ chơi và mua bất cứ thứ gì bạn thấy bắt mắt.
- Hãy quan tâm đến sở thích và độ tuổi của con khi quyết định mua một món đồ chơi mới.
- Không nên mua một lúc nhiều đồ chơi cùng loại.
- Chọn lựa đồ chơi có chất liệu an toàn, chính hãng, địa điểm bán hàng uy tín để bảo vệ sức khoẻ cho bé.
3. Một số gợi ý trong cách chọn đồ chơi cho bé để phụ huynh cân nhắc
Khi chơi bất kỳ một món đồ chơi nào, đòi hỏi bé phải có những kỹ năng cần thiết để sử dụng và chơi cùng món đồ đó theo cách tốt nhất. Vậy thì nếu bạn muốn trẻ phát triển kỹ năng nào, chỉ cần cân nhắc lựa chọn nhóm đồ chơi cho phù hợp. Và sau đây là một số gợi ý từ các chuyên gia tâm lý trẻ em mà các bậc cha mẹ có thể cân nhắc qua:
Nhóm đồ chơi khơi gợi trí tưởng tượng
Hãy thử cho bé tập xây dựng ngôi nhà, lâu đài có con người, có các phương tiện giao thông như ô tô, thuyền bè, máy bay … để trẻ học cách tư duy, đưa ra ý tưởng và không ngừng hoàn thiện từ việc kết hợp quan sát thực tế cộng thêm sự sáng tạo của chính bản thân.
Các món đồ chơi hoá thân (đầu bếp, bác sĩ, công nhân xây dựng…) cũng thuộc nhóm đồ chơi này, sẽ giúp trẻ hình dung về thế giới nhân vật, các hoạt động cần làm của nhân vật mà trẻ sắm vai... Điều này khiến trẻ có xu hướng cố gắng nhìn xem những người làm trong ngành nghề mà trẻ đang hoá thân hành động như thế nào ở thực tế. Đồng thời có thể khuyến khích trẻ tự vẽ ra "kịch bản" khi chơi để kích thích trí tưởng tượng.
Nhóm đồ chơi kích thích vận động và chia sẻ cùng người khác
Theo lời khuyên của Tổ chức Thế giới (WHO) thì trẻ từ 5 – 7 tuổi cần ít nhất 60 phút cho hoạt động thể chất mỗi ngày. Vì vậy đừng chỉ chăm chăm vào trí tuệ nhận thức mà cần cân bằng trong sự phát triển của trẻ bằng các hoạt động ngoài trời như đạp xe, nhảy dây, chơi bóng, bơi lội … cũng là gợi ý tuyệt vời.
Ngoài ra bố mẹ và người thân trong gia đình hãy dành thời gian mỗi ngày để cùng tham gia vào các trò chơi với trẻ. Các nghiên cứu về sự phát triển thần kinh của não bộ chỉ ra rằng sự tương tác giữa người lớn và con trẻ trong quá trình vui chơi là rất quan trọng vì điều đó sẽ hỗ trợ cho sự kích thích giác quan, gợi mở các thách thức tích cực cho bé.
Đây cũng là cơ hội tuyệt vời tạo lập sợi dây liên kết giữa bố mẹ và con cái. Phụ huynh có thể cân nhắc các hoạt động cắm trại (kể cả chỉ là tại phòng khách), làm vườn cùng nhau... vào cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ trong năm.
KẾT
Nuông chiều suy cho cùng không xấu vì bậc cha mẹ nào không muốn mang lại những điều tốt chất cho con mình. Nuông chiều sai cách mới là không nên. Việc của con trẻ là vui chơi nhưng việc của phụ huynh chính là chọn được môi trường phù hợp nhất và cùng hỗ trợ để tiềm năng của con không bị che lấp bởi những quan niệm sai lầm.