Nhiều du khách đến với Lạng Sơn không chỉ bởi khung cảnh hùng vĩ mà còn nhờ ẩm thực đặc sắc, mang hương vị đặc trưng của vùng Đông Bắc.
Phở chua
Đây là một trong những đặc sản Lạng Sơn rất được du khách yêu thích. Phở chua khá phổ biến tại các tỉnh miền núi, nhưng không nơi đâu có được hương vị hấp dẫn như ở Lạng Sơn. Phở chua ở đây bao gồm 2 phần chính là phần khô, gồm bánh phở dẻo, dai, xá xíu, gan lợn, dưa chuột, lạc rang, khoai lang chiên, hành khô và các loại rau thơm; còn phần nước gồm nước báng tỏi, đường, dấm. Các nguyên liệu được hoà trộn cùng nhau, ăn kèm với nước sốt thơm ngon đem lại những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ cho các thực khách.
Phở chua - đặc sản Lạng Sơn mà du khách nhất định phải thử.
Bánh cuốn trứng
Tương tự như bánh cuốn thông thường, bánh cuốn trứng sẽ được tráng bằng một lớp bột nước gạo, với phần nhân được thay từ thịt thành trứng gà. Trứng được đập trực tiếp vào bánh và tráng một lớp mỏng đều, sau khi bánh chín sẽ được rắc thêm thịt băm và hành phi.
Một điểm khiến bánh cuốn trứng Lạng Sơn hấp dẫn mọi du khách chính là phần nước chấm được ninh từ xương ống, hoà quyện cùng các gia vị như: hành khô, rau mùi, tiêu, măng ớt… hoặc nước giấm đường pha với xì dầu, thịt kho chà nhuyễn, rau mùi rồi đun nóng lên. Món ăn với những nguyên liệu đơn giản nhưng lại trở thành một trong những đặc sản mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây.
Bánh áp chao
Thêm một đặc sản Lạng Sơn nổi tiếng gọi tên bánh áp chao. Món bánh có cái tên lạ này được người Lạng Sơn giải thích với nhiều cách khác nhau. Dù do cách làm (nặn rồi đem chao nóng) hay phiên âm của "vịt chao" thì bánh cũng có gốc gác chế biến từ món ăn của người Tày Nùng vùng cao Đông Bắc.
Vịt quay
Vịt quay Lạng Sơn đã trở thành thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam. Món ăn thu hút mọi du khách gần xa nhờ cách chế biến cầu kỳ cùng công thức nước chấm riêng độc đáo. Vịt được chế biến từ loại vịt bầu tại thị trấn Thất Khê, sau đó ướp cùng lá mắc mật.
Sau khi quay, cắn một miếng thịt sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm cùng lớp mỡ chảy béo ngậy hòa quyện với lớp da giòn rụm, khiến mọi thực khách khó tính nhất cũng phải xiêu lòng.
Khâu nhục
Khâu nhục là đặc sản Lạng Sơn nổi tiếng, được chế biến khá cầu kỳ với các nguyên liệu là thịt ba chỉ ướp kỹ các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, mật ong, rượu…, đem hấp cách thủy cùng khoai môn, lá tàu soi cho đến khi thịt chín, mềm nhừ. Món ăn này xuất hiện trên mâm cỗ của người dân Lạng Sơn trong các dịp lễ, Tết, phù hợp nhất là ăn cùng xôi, cơm hoặc bánh mì.
Đây là đặc sản Lạng Sơn được nhiều du khách lựa chọn để làm quà cho người thân, bạn bè. Nem được chế biến từ nguyên liệu chính là thịt lợn và bì lợn cắt nhỏ, kết hợp cùng thính rồi gói lại bằng lá chuối tươi.
Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị dẻo dai của thịt lợn và bì lợn, cùng vị chua tự nhiên của nem đã lên men. Nem nướng Hữu Lũng không chỉ có mặt trong những bữa cỗ, tiệc của Lạng Sơn mà đã trở thành món ăn phổ biến trên các mâm cơm gia đình của người dân nơi đây.
Xôi cẩm
Xôi cẩm được làm từ lá cẩm và gạo nếp thơm là món ăn đặc trưng thường xuất hiện trong các bữa cơm hàng ngày hay những dịp lễ, Tết của người dân xứ Lạng. Tùy khẩu vị và văn hóa từng vùng mà người ta có thể cho thêm nguyên liệu thứ ba vào món xôi này là tro của rơm rạ và lá chuối khô.
Xôi cẩm Lạng Sơn vừa có hương vị dẻo thơm của gạo nếp, vừa có màu tím đẹp mắt, ngon hơn khi ăn kèm thịt gà hoặc muối vừng (Ảnh: Shop Liên, Tiểu màn thầu). |
Ở vùng thảo nguyên Đồng Lâm ở Hữu Liên, Hữu Lũng (Lạng Sơn), hầu như nhà nào cũng trồng cây lá cẩm. Bởi vậy, xôi cẩm trở thành món ăn gắn liền với đời sống văn hóa của bao thế hệ người dân nơi đây.
Bánh ngải
Bánh ngải Lạng Sơn được làm từ lá ngải non, đun với nước tro sạch cho nhừ rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đem đồ chín, giã đều tay cùng với lá ngải đã giã nhuyễn từ trước cho đến khi thu được khối bột mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh.
Bánh ngải có màu xanh hấp dẫn, vị bùi, ngậy và thơm, không đắng như nhiều thực khách tưởng tượng (Ảnh: @nhacuanang).
Món bánh này thường được làm hai loại nhân là nhân vừng với đường giã nhỏ mịn hoặc nhân mè đen.