Đùa thôi mà?
Không biết từ bao giờ, ở nơi công cộng, trong những văn phòng, trên các bàn ăn xã giao, những câu chuyện đùa tục tĩu về quan hệ tình dục, ngoại hình và những bộ phận nhạy cảm của phụ nữ được coi là bình thường, được chia sẻ một cách tự nhiên, ngay cả khi có sự hiện diện của các cô gái. Nhiều lúc, những "chuyện đùa" ấy đi quá giới hạn, gây khó chịu hoặc xúc phạm tới người khác cũng được bỏ qua.
Thực tế, khái niệm QRTD chưa được định nghĩa một cách rõ ràng trong luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, theo như "Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD trong nơi làm việc ở Việt Nam" (công bố ngày 25/05/2015 của Bộ LĐTB-XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp), quấy rối tình dục là "hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, làm xúc phạm đối với người nhận".
Nhiều người cho rằng, đây chỉ là "đùa vui", không đáng để lên án gay gắt. Những "trò đùa" ấy có muôn hình vạn dạng. Có thể chỉ là đùa giỡn, nhận xét thiếu đứng đắn về người khác; hay cử chỉ hoặc ánh mắt gợi dục với một ai đó; có thể là phô bày những hình ảnh hoặc video không thích hợp với người khác hoặc trên mạng xã hội.
Gửi tin nhắn gạ gẫm về tình dục; viết thông tin liên lạc của người khác trên những nơi công cộng nhằm mục đích xấu; hoặc ép ai đó hẹn hò với mình khi họ đã nhiều lần từ chối. Ngoài ra còn có lôi kéo quần áo, cố tình đụng chạm, sờ mó vào cơ thể người khác một cách khiếm nhã, thậm chí là tấn công cưỡng ép. Những hành vi trên đều được coi là hành vi QRTD.
QRTD có thể thông qua lời nói hoặc không cần trực tiếp nói ra. Trong đó, sử dụng lời nói, chọc ghẹo và ánh mắt soi mói thiếu đứng đắn là những dạng quấy rối phổ biến nhất. Tuy nhiên vì hành vi chỉ dừng lại ở mức độ lời lẽ, cử chỉ khiếm nhã, sờ mó động chạm mà không có tính chất giao hợp nên rất khó để chứng minh.
Nếu nhận được sự phản đối, thì những kẻ quấy rối đơn giản chỉ cần chối đi hoặc ngụy biện rằng "đây chỉ là đùa", "yêu quý thì quan tâm, để ý nhau thôi". Mặc dù không có những thương tổn vật lý, nạn nhân vẫn phải gánh chịu những tổn thương rất lớn về mặt tinh thần.
"Phải chăng tôi đang phản ứng thái quá?"
Đó là câu tự vấn của rất nhiều người phụ nữ khi rơi vào tình huống bị QRTD nhưng không biết phải "kêu oan" với ai, như thế nào.
Thùy Linh, nhân viên một công ty kế toán ở Hà Nội, chia sẻ: "Mình đã từng là nạn nhân của hành vi QRTD và cảm thấy rất khó xử." B là vị trưởng phòng phòng bên cạnh. Lần đầu gặp mặt, Linh khá có thiện cảm vì anh là người thân thiện, vui vẻ. Mấy tuần sau đó, B tỏ ra quan tâm, ưu ái đến Linh làm cô có phần bối rối. Mỗi khi đi ngang chỗ ngồi của Linh, B sẽ dừng lại nói chuyện với cô.
Dần dần, những trao đổi xã giao bắt đầu trở thành những lời khen ngợi về cơ thể cô. B khen Linh ăn mặc đẹp, làn da cô thật trắng trẻo mềm mại, cơ thể thật quyến rũ. Rồi đến những hành động tiếp xúc thân mật. Lúc nói chuyện anh ta bắt đầu có hành vi sàm sỡ, kéo áo quần của Linh.
Có một lần, B vỗ mông của Linh rồi vô tư bình luận: "Chỗ này của em sao gầy thế?" Khi chia sẻ với đồng nghiệp, Linh bị cho là suy diễn thái quá, nên cô không nói thêm hay kể với ai nữa. Sau một thời gian, Linh cảm thấy chán nản và xin nghỉ việc.
Ngay cả ở những quốc gia văn minh, rất nhiều những người phụ nữ phải chịu đựng những hành vi quấy rối bằng ngôn ngữ. Kể cả khi họ lên tiếng, câu trả lời mà họ nhận được lại là: "Đây chỉ là hiểu lầm." Câu chuyện dưới đây không phải là duy nhất.
Gordon Edelstein, 63 tuổi, là vị giám đốc nghệ thuật đáng kính ở nhà hát kịch Long Wharf (New Haven, Hoa Kỳ) đã quấy rối trợ lý của mình, cô Kim Rubinstein, từ năm 2003-2018. Bắt đầu bằng những câu đùa tục tĩu, đến gạ gẫm quan hệ sau những buổi ăn tối, rồi là hành vi cưỡng hôn, ôm ấp, sờ soạng cô ở trong phòng làm việc.
Vì những hành vi này không liên tục, đến năm 2006, Kim quyết định tố cáo Gordon. Lãnh đạo của Long Wharf nhanh chóng mời cố vấn tâm lý để giải quyết "sự hiểu lầm" này. Sau đó, sự việc được bỏ qua dễ dàng và hành vi quấy rối vẫn tiếp tục. Quá tuyệt vọng, Kim thậm chí chấp nhận quan hệ tình dục với Gordon, mong rằng ông sẽ dừng việc quấy rối cô.
Đầu năm 2018, tờ báo New York Times của Mỹ đã chính thức tìm hiểu về vụ việc của Gordon Edelstein. Qua cuộc phỏng vấn 24 nhân viên, diễn viên và cộng sự của Long Wharf, Edelstein bị tố cáo đã liên tục có những nhận xét khiếm nhã, tục tĩu về ngoại hình và những bộ phận tế nhị của phụ nữ ở nơi làm việc.
Ngoài ra, ông còn nhiều lần cố ý động chạm, sàm sỡ cơ thể nhiều nhân viên nữ, diễn viên và người viết kịch bản. Tệ hơn, ông bị 4 người nhân viên tố cáo đã có hành vi xâm hại tình dục, trong đó có cô Kim Rubinstein.
Nhận được kết quả của cuộc điều tra vào tuần trước, chủ tịch nhà hát kịch Long Wharf đã "sửa sai" vụ "hiểu lầm năm xưa" bằng cách ngay lập tức đuổi việc Edelstein và xin lỗi tất cả những nạn nhân bị quấy rối.
Có lẽ nhiều cô gái, thậm chí các chàng trai, sẽ nhìn thấy mình hoặc ai đó xung quanh mình trong hai câu chuyện trên. Những người phụ nữ này có phản ứng thái quá hay không? Hay bởi nhiều người vẫn chưa nhận thức được hành vi QRTD cần phải bị lên án từ những dấu hiệu đầu tiên?
Phụ nữ cần tự bảo vệ mình!
Theo số liệu thống kê của tờ báo quốc tế CNN công bố vào ngày 29-11-2017, ở những nước như Campuchia và Việt Nam, cứ 3 trong 4 người phụ nữ phải chịu một loại hình QRTD, có thể bằng những nhận xét hoặc hành động khiếm nhã. Tuy nhiên, do tâm lý của người Á Đông xem đây là chuyện tế nhị, nên nạn nhân thường im lặng, cam chịu hoặc bỏ qua.
Trong những trường hợp khó xử hơn, người quấy rối là cấp trên, hay người có tầm ảnh hưởng, nạn nhân cũng không dám tố cáo vì sợ bị trù úm, trả thù. Những người ngoài cuộc cũng muốn không lên tiếng vì sợ phiền phức. Những vụ việc về quấy rối mặc dù nhiều nhưng số vụ bị đưa ra xử lý rất ít, thường cũng chỉ là nhắc nhở, phê bình, đa số nạn nhân chọn cách bỏ việc.
Khi gặp phải những nhận xét, lời nói đùa mang ngụ ý gợi dục, các chị em phụ nữ cần nhanh chóng cảnh giác, luôn chú ý bảo vệ bản thân mình đầu tiên. Trong nhiều trường hợp, chính những nạn nhân cũng phải thể hiện rõ thái độ không thích hoặc phản bác lại bằng hành động cảnh báo, để cho những kẻ quấy rối biết giới hạn nên dừng là ở đâu.
Tình huống xã giao được đưa ra phần đầu là tình huống tương đối phổ biến. Được biết, có nhiều cô gái đã có cách xử lý khá dứt khoát khi câu chuyện của các đồng nghiệp nam đang đi theo chiều hướng riêng tư. Khi có cơ hội phù hợp, họ sẽ tìm cách uyển chuyển chèo lái câu chuyện vào chủ đề khác.
Tuy nhiên, nếu người nói cố tình tiếp tục xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm, các cô gái có thể chọn cách thẳng thắn: "Tôi/em không thoải mái khi nói về chủ đề này, có thể chuyển chủ đề được không?" hoặc "Câu chuyện đã đi quá xa rồi, nên dừng lại ở đây thôi" với một thái độ nghiêm túc.
Phái nữ cần có thái độ rõ ràng về cách đối xử với đồng nghiệp và người khác giới: luôn giữ thái độ lịch sự, không đưa đẩy thân mật để tránh gây hiểu nhầm mình đang bật đèn xanh cho họ.
Ngày nay vấn đề QRTD đang được xã hội Việt Nam và thế giới lên án gay gắt. Như ở Hoa Kỳ năm vừa qua, chúng ta đã thấy rất nhiều nhân vật nổi tiếng, chính trị gia, nhà kinh doanh có tầm ảnh hưởng đều đã phải "trả giá" cho những hành vi quấy rối, xâm hại tình dục của họ khi tiếng nói của những người nạn nhân được truyền thông, báo chí và xã hội ủng hộ, bảo vệ. Ở Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng do văn hóa khác nhau, cách tiếp cận vấn đề và áp dụng giải pháp cần linh hoạt cho phù hợp hơn.
Anh Phạm Hải Bình, nhà hoạt động xã hội, nhận định: "Thay đổi không thể có kết quả ngay được, nhưng chúng ta cần hướng tới một tương lai tích cực. Không cần phân biệt là văn hóa tây hay ta, ở đâu phụ nữ vẫn có quyền và xứng đáng có được sự tôn trọng. Khi mỗi người hiểu, và thực hành, từ những việc như lên tiếng phản đối những lời nói hành vi QRTD, thì hiệu quả dần dần sẽ lan rộng ra cộng đồng".