Ở thời chuyện gì cũng có trên “phây”, nhiều bà mê “phây” đến nỗi thiếu là không chịu được thì lạ thay, vẫn có nhiều ông chồng quyết nói không với mạng xã hội, tuyên bố rõ, không có “phây” ông vẫn sống… phây phây.
Nhiều cặp vợ chồng trên “phây” luôn có đôi, hình ảnh gia đình con cái xuất hiện đầy đủ thì cũng có những đôi nói không với “phây” của nhau - không kết bạn, thậm chí chặn nhau. Họ quan niệm, ai cũng cần khoảng trời riêng, không nên dõi theo “phây” của nhau làm gì, nên tôn trọng chốn riêng tư của nhau. Nghĩ tích cực thì đó là những đôi rất bản lĩnh, hoàn toàn tin tưởng nhau, không sợ người phối ngẫu… sa ngã trong cái thế giới ảo mênh mông, đầy cạm bẫy.
Thực tế, “phây” là môi trường cực kỳ dễ dàng kết bạn và mỗi người làm gì trên đó chỉ có họ biết. Người khác muốn biết, phải được cho phép. Trong thế giới ảo nhạy cảm ấy, phải bản lĩnh lắm vợ/chồng mới không theo dõi, rình mò nhau từng cái like, từng câu bình luận của vợ/chồng với người này, người khác.
Ghen tuông trên “phây” đầy rẫy. Nhiều người vợ cho biết, theo dõi “phây” của chồng mới phát hiện ổng có bồ từ “phây”. Nhiều trường hợp, “phây” khiến ta mất ăn mất ngủ chỉ vì một cái like hay câu bình luận của “cái đứa” tình địch ảo đó.
Ông bố về hưu, suốt ngày “ngồi đồng” trên “phây”. Con gái phát hiện bố có những cuộc chat chit khá bất thường với một phụ nữ nào đó. Tò mò, cô vào inbox của bố và tá hỏa khi đọc được những câu tán tỉnh tình tứ trên mức bình thường. Chuyện gửi hình ảnh cho nhau là chuyện nhỏ.
Cô gái nói với bố, nửa đùa nửa thật, rằng bố ngoại tình. Ông bố cũng nửa đùa, nửa thật: “Bố “nội tình” chứ có ngoại tình đâu. Bố vẫn ở nhà hằng ngày, vẫn yêu thương mẹ, làm những công việc gia đình mà mẹ giao cho. Bố không hẹn hò ai bên ngoài, sao nói bố ngoại tình?”.
Những ông chồng không “phây” vẫn có thể nắm được mọi hoạt động sống ảo của vợ, chỉ bằng cách đơn giản là quan sát những hành động đời thực. Khi vợ nghiện “phây”, ông chồng cho biết, trước hết là tủ quần áo sẽ dần quá tải, bởi những chuyến đi chơi của vợ. “Mỗi lần sắp đi đâu là cô ấy mua sắm quần áo mới, lý do, không thể chụp hình khoe “phây” với những cái áo đã có trong hình cũ rồi”.
Thế giới ảo cũng khiến con người ảo theo. Ai cũng lo chăm chút “phây” của họ, không ai rảnh rang để nhớ xem vợ ông có bao nhiêu cái áo, đã mặc cái nào rồi. Ông biết thế, nhưng lý luận của bà vợ luôn là, bởi ông không chơi “phây” nên ông đâu biết có một cuộc chạy đua thời trang, du lịch, hình ảnh… giữa các bà với nhau trên đó.
Ảnh minh họa |
Xem ra ông chồng này cũng thuộc loại quảng đại, bao dung, chiều vợ. Cứ vào “giờ vàng” - thời gian sau bữa cơm tối, khi vợ bận bịu với máy tính bảng hay điện thoại, lo đưa hình lên “phây”, duyệt “còm men”, ông sẽ tránh không nhờ bà việc gì, dù loạt hình ảnh đó do ông chụp. Ông tâm lý đến mức, thỉnh thoảng thấy vợ mở máy, ngồi cười một mình hay vẻ “lo lắng” thấy rõ, ông liền hỏi thăm: “Được bao nhiêu like rồi?”.
Nếu bà vợ hớn hở báo với ông về số like đang tăng lên, ông sẽ “an toàn”, còn bà ỉu xìu như cái bánh tráng nhúng nước thì ông phải liệu mà đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Gì chứ sẩy miệng là dễ xa nhau lắm chứ chẳng chơi. Bao nhiêu người có kinh nghiệm, chỉ một dòng trạng thái trên “phây” cũng có thể dẫn đến cơm không lành, canh không ngọt rồi.
Đừng tưởng ông chồng không chơi “phây” mà không biết chuyện “phây”. Cũng bởi chiều vợ nên ông phải chịu trận nghe vợ kể chuyện “phây”. Từ một cái áo cho đến tấm hình của nhân vật nào đó là “phây hữu” của vợ. Ông kinh nghiệm rồi, nghe để đó chứ đừng dại phát biểu ý kiến, cho dù quan điểm vợ ông đưa ra… sai lè. Ông biết thừa, nếu “hùa” theo, ông sẽ phải nghe tràng giang đại hải những lý luận đắc thắng của vợ; nếu ông phản biện, nguy cơ ngày mai bếp núc lạnh tanh là có thật.
Những chia sẻ từ vợ như: “Anh xem nè, bà này chụp tấm hình cà nhuyễn cái mặt thấy ghê, tóc thì bạc mà mặt thì láng tưng” hay: “Anh đọc loạt bình luận bên dưới xem, toàn là bình luận đểu mà tưởng là khen thật”. Ừ hữ cho qua chuyện là giải pháp khôn ngoan nhất được các ông truyền tai nhau. Nếu cần, ông chỉ góp ý nhẹ nhàng, bận tâm làm gì chốn đầy rẫy thị phi như vậy, cứ nhẹ nhàng mà sống, ai làm gì kệ họ, mỗi người mỗi tính. Quả là ông chồng tuyệt vời.
Thời sản phẩm công nghệ phục vụ con người đến tận răng, ai cũng bị cuốn vào cơn lốc ứng dụng (app) từ thiết bị di động thì một ông chồng tâm lý với việc vợ sử dụng mạng xã hội quả là hàng hiếm. Thành thử, lời khuyên cho các bà nghiện “phây” là vui chơi cũng đừng quên nhiệm vụ, nên để mắt đến chồng. Vợ ảo được thì chồng cũng ảo được và con cái cũng thế. Đừng để đến lúc bất ngờ ập đến, ta sẽ khó mà trở tay cho kịp.