Ảnh minh họa
Bạn sống cùng nhà với vợ nhưng khác phòng, không ăn cùng mâm, mọi sinh hoạt cá nhân mỗi người tự lo liệu, hầu như không nói chuyện và chia sẻ với nhau. Bạn bị trầm cảm nhẹ, có quãng thời gian 3 tháng chỉ uống rượu và chơi game đến khuya mới về. Sau đó, bạn làm cùng công ty tôi.
Tôi là người hòa đồng và nhiệt tình trong công việc nên được bạn bè đồng nghiệp quý mến. Tôi và bạn làm chung phòng trong 8 tháng. Quãng thời gian này, tôi luôn giữ khoảng cách và giao tiếp xã giao công việc với bạn. Sau đó, tôi chuyển sang phòng khác làm việc, anh chị đồng nghiệp phòng cũ có tổ chức liên hoan. Tối hôm đó, bạn đưa tôi về, đi theo sau, tắt đèn xe máy không cho tôi biết. Thời điểm này, tôi vừa đi làm và đi học thêm đến tối muộn. Bạn thể hiện sự quan tâm và lo lắng cho tôi, trách con gái sao đi về muộn, sợ tôi gặp nguy hiểm. Tôi tìm cách tránh mặt thì nhiều hôm bạn đợi 2 tiếng bên ngoài chỉ để đưa và biết tôi về nhà an toàn. Bạn nói từ khi gặp tôi là muốn thay đổi, không muốn đi rượu chè, muốn chăm chỉ làm việc để lo cho con trai, còn tôi không cần đáp lại tình cảm của bạn, tôi cứ làm việc, cứ tự do tìm hiểu đến khi nào gặp được người hợp thì bạn sẽ dừng quan tâm để tôi đến với người đó.
Còn về gia đình, bạn nói nếu kéo dài tình trạng này thì hai vợ chồng sẽ trầm cảm nên cùng đồng ý ly hôn, coi đó như là sự giải thoát. Bạn trai sẽ nuôi con và bán nhà, chia nửa tài sản cho vợ. Tôi từ chỗ tránh mặt đến dần mở lòng, tâm sự, thương và yêu bạn. Sóng gió bắt đầu từ khi bạn nói chuyện với bố mẹ về việc ly dị. Ông bà không đồng ý và mắng hai vợ chồng chỉ nghĩ đến bản thân như thế là vô đạo đức, cả hai hãy suy nghĩ lại mà sống vì con. Bà còn nhắn tin cho tôi là nếu còn lòng tự trọng thì hãy buông con trai bà ra, đừng để gia đình tan đàn xẻ nghé.
Tôi thực sự rối bời và không biết nên làm gì trong lúc này. Nếu tôi dừng lại sẽ khổ cho bạn trai, bạn từng khóc và nói với tôi rằng chẳng lẽ vì lỗi lầm lúc trẻ mà ông bà bắt bạn sống cả đời như vậy sao, cả đời bạn phải im lặng sao? Còn nếu tôi tiếp tục thì gia đình bạn sẽ tạo áp lực và bắt bạn chọn một trong hai. Xin nói thêm là nhà bạn trai có quyền lực nên ông bà luôn bắt con trai phải nghe theo ý mình. Mong chuyên gia tư vấn để tôi có suy nghĩ và hành động đúng đắn. Xin chân thành cảm ơn!
Hằng
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Gửi bạn thân mến!
Qua những tâm sự của bạn, tôi thấy dù trong hoàn cảnh nào, bạn đều đặt hạnh phúc của người bạn trai lên trước, thể hiện mong muốn của bạn trong việc xây dựng một mối quan hệ tích cực cho cả hai.
Khó ai có thể thay bạn trai giải quyết tận gốc những vấn đề đang tồn tại trong gia đình anh ấy. Bạn trai đã trải qua 3 năm dài trong tình trạng ly thân. Để đi đến quyết định ly hôn vợ hiện tại, chắc chắn đã xuất hiện một sự thay đổi lớn, một động lực đủ lớn khiến anh ấy dũng cảm nghĩ tới việc đi ngược lại với mong muốn của cha mẹ, điều từ trước đến nay anh luôn nghe theo. Đây cũng chính là nền tảng báo hiệu cho sự tự chủ trong cuộc sống sau này của anh ấy.
Việc bố mẹ người yêu bạn có phản ứng gay gắt với mối quan hệ của hai bạn cũng bắt nguồn từ tấm lòng của người làm cha mẹ, lo lắng khi thấy con trai đổ vỡ trong hôn nhân, lo cho cháu nội khi bố mẹ đứa trẻ mỗi người một ngả. Có lẽ bố mẹ anh ấy chưa nhận ra trong một gia đình, nếu bố mẹ gặp những khó khăn trong tâm lý và có mối quan hệ không tốt đẹp, những đứa trẻ sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển và sức khỏe tinh thần. Việc tiếp tục duy trì cuộc sống hiện tại chắc chắn sẽ làm xuất hiện những bất ổn về tâm lý ở trẻ.
Bạn trai bạn và người vợ hiện tại có thể cùng mở lời với bố mẹ theo hướng tập trung dành mọi điều tốt đẹp nhất có thể ở thời điểm hiện tại cho hai đứa trẻ. Bấy lâu nay hai vợ chồng duy trì cuộc sống ly thân cùng nhà để mong muốn các con sống chung với cả bố lẫn mẹ. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng những cố gắng đó không đem lại kết quả tốt khi ở hai vợ chồng đều xuất hiện những dấu hiệu bất ổn về tâm lý, ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ với các con.
Nếu ly hôn là cách giải quyết hiệu quả, khiến đời sống tinh thần của hai vợ chồng có những thay đổi tích cực, điều này cũng giúp cải thiện chất lượng chăm sóc con cái. Hai vợ chồng hoàn toàn có thể lên kế hoạch để đảm bảo sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của hai đứa trẻ: chia sẻ gánh nặng kinh tế, thường xuyên sắp xếp lịch đưa đón các con đi chơi, kết nối với cả hai bên gia đình. Dù các con có ở với ai, người còn lại vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc cả về mặt tinh thần để các cháu không thiếu đi tình yêu thương của cả bố lẫn mẹ.
Ở hoàn cảnh hiện tại, điều bạn có thể làm tốt nhất là quan tân đến bản thân, cùng bạn trai xây dựng hạnh phúc tương lai. Việc thay đổi quan niệm đã lâu của bố mẹ anh ấy là không hề dễ dàng và nhanh chóng. Có thể bạn sẽ phải chờ đợi một khoảng thời gian dài cho đến khi bố mẹ người yêu thay đổi suy nghĩ và chấp nhận thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng đến bạn như: áp lực của việc chờ đợi, sự phản đối của bố mẹ người yêu. Bạn cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch tốt nhất có thể để hỗ trợ cho mình. Tôi tin nó sẽ bắt nguồn từ tình yêu thương chân thành và sự kiên trì vững vàng của bạn.
Tình yêu của hai bạn bắt đầu xây dựng, vun đắp một cách chậm rãi mà vững chắc, vì vậy tôi tin các bạn hoàn toàn có nền tảng để tiếp tục cùng nhau trải qua những khó khăn trước mắt. Hy vọng rằng hai bạn sẽ luôn giữ được sự nhiệt thành và niềm tin dành cho bản thân cũng như ở đối phương. Chúc hai bạn sẽ cùng nhau có những lựa chọn phù hợp, đem lại hạnh phúc đôi bên.