Kính gửi chị Hạnh Dung,
Ly hôn, tôi "gà trống nuôi con" từ lúc con mới ba tuổi, vì mẹ cháu chuyển đi định cư nước ngoài với chồng mới. Từ đó đến nay đã 11 năm. Tôi cũng có người thương, nhưng quyết định lập gia đình thì cứ đắn đo mãi vì sợ con khổ cảnh mẹ kế con chồng. Khi con gái tôi bắt đầu tuổi dậy thì, tôi nhận ra con cần một người mẹ để chia sẻ, gần gũi.
Con tôi ảnh hưởng từ mẹ kế nên đua đòi, sửa sang ăn diện, ưa khoe da thịt. Ảnh minh hoạ
Người vợ hiện nay của tôi cũng biết tôi thương con gái rất nhiều, cô ấy chấp nhận cuộc sống chung với vai trò mẹ kế, đồng thời là chị, là người giúp đỡ con bé vượt qua những khó khăn của tuổi dậy thì. Chúng tôi cưới nhau được gần một năm. Vợ tôi vốn là công nhân viên, cưới xong cô ấy ở nhà nội trợ và bầu bạn với con gái. Cả gia đình đã có một khởi đầu thật vui vẻ.
Nhưng càng ngày, tôi càng thấy vợ tôi có những ảnh hưởng tiêu cực đến con gái. Vợ tôi trẻ hơn tôi nhiều tuổi, chuyện mua sắm, làm đẹp… tôi không có thời gian đưa vợ đi, nên cô ấy rủ con gái đi cùng. Con gái tôi đặc biệt ham thích điều này. Tiền bạc tốn kém là một chuyện, tôi còn lo con đua đòi ăn diện, sửa sang, khoe da thịt, hư hỏng.
Tôi biết vợ tôi cũng có tính ích kỷ. Tôi luôn cố gắng dạy con đồng cảm, chia sẻ với người khác ngay từ khi con còn bé, nhưng nay thì tấm gương xấu của vợ ngay trước mắt, con gái bắt đầu học theo. Thật lòng, vợ mới và con riêng không hòa hợp là một cái khổ, nhưng vợ và con quá gắn bó theo hướng không mấy tốt đẹp như vậy, tôi còn thấy đau đầu hơn. Tôi không biết phải giải quyết làm sao…
Nguyễn Vinh (TP HCM)
Anh Vinh thân mến,
Anh đã rất cân nhắc chuyện lập gia đình mới và nuôi dạy con gái. Tuy nhiên, mình khó tính được cách nào vẹn toàn, thường được cái này thì mất cái kia. Trong hoàn cảnh của anh, anh cũng không thể ngăn cản, chia cắt mối quan hệ giữa vợ anh và con gái riêng. Có lẽ, mình phải nghĩ đến cách "nuôi dạy" cả hai: vợ và con gái! Người ta vẫn bảo đàn ông phải "dạy vợ" đấy thôi, xưa nay anh đã dạy con, nay thêm trách nhiệm "dạy vợ" nữa, có mệt mỏi thật nhưng rõ ràng là cần thiết, phải không anh?
Ảnh minh họa
Anh là người nắm giữ kinh tế gia đình, chu toàn đời sống cho vợ con. Nay thì mình phải tập cho vợ cách quản lý chi tiêu, không thể chiều theo tất cả những khoản mua sắm, tiêu xài hoang phí của cô ấy được. Một mặt, anh nói chuyện với vợ, thay đổi suy nghĩ của cô ấy, để cô ấy biết phải cư xử, phải dạy con thế nào cho đúng. Mặt khác, anh cũng cần kiểm soát các khoản chi tiêu trong nhà, kể cả tiền cho con gái, tiền đưa cho vợ cũng nên chừng mực vừa phải, sử dụng đúng mục đích, quản lý ghi chép rõ ràng.
Có thể, cô ấy sẽ thấy khó chịu vì sự chặt chẽ đó, nhưng là anh chặt chẽ với cả hai người phụ nữ, chứ không riêng gì ai. Việc thả lỏng tiền bạc đôi khi còn gây hậu quả nặng nề: tình cảm gắn bó mà anh thấy cũng có thể do tiền "mua" được, chứ chưa hẳn đã gắn bó yêu thương thật lòng.
Việc để vợ ở nhà nội trợ bầu bạn với con gái chưa chắc đã là việc hay. Khi vợ anh thực sự làm việc, cô ấy sẽ biết quý đồng tiền mình kiếm được. Anh cũng muốn con gái mình sau này trở thành một người biết lao động, có ích cho gia đình và xã hội, chứ không phải chỉ là một người sống bám trên lưng chồng. Vậy nên, hãy sửa chiếc gương này trước. Khi người phụ nữ thể hiện được mình trong công việc, cô ấy sẽ nhận ra giá trị thực của mình, sẽ bớt mua sắm đua đòi tô vẽ bề ngoài.
Đừng quá lo lắng về việc kiếm ai đó bầu bạn với con gái trong tuổi dậy thì, con gái anh sẽ vượt qua giai đoạn này bằng đôi chân của chính nó, với tình yêu thương và sự chăm lo của gia đình. Chúc anh kiên quyết "tề gia", và đạt được kết quả tốt.
Hạnh Dung