Kính gửi chị Hạnh Dung,
Mẹ em năm nay 58 tuổi. Ba em đã bỏ vợ con đi theo người đàn bà khác từ khi mẹ em 46 tuổi. Từ đó đến giờ, mẹ em một mình cặm cụi nuôi hai anh em khôn lớn. Em và anh trai em rất thương mẹ, nhất là khi cả hai anh em đều đã lập gia đình và ở riêng, mẹ chỉ còn lại một mình.
Gần đây, có một người đàn ông theo đuổi mẹ. Ông ấy đã lớn tuổi, là đồng hương của mẹ, đang sống ở thành phố với các con. Hình như vợ ông ấy ở quê. Em thỉnh thoảng về thăm, thấy ông ghé nhà ăn cơm với mẹ. Em hỏi thì mẹ nói ông ấy cũng tốt bụng và muốn giúp mẹ bớt cô đơn trống trải lúc tuổi già.
Em lo lắng về những rủi ro với mẹ. Bây giờ chuyện lừa đảo cũng nhiều. Mẹ chừng này tuổi, tài sản có căn nhà và ít tiền để dưỡng già, nếu quan hệ với người ta mà không kết hôn thì thiên hạ đàm tiếu, mà nếu kết hôn thì lại phải chia sẻ quỹ dưỡng già với một người xa lạ.
Ảnh minh họa
Mẹ em vốn là người ưa chăm sóc người khác, em thấy mẹ đã đem sự chăm sóc của mình tặng cho ông ấy rồi. Thấy mẹ vui, em cũng không muốn ngăn cản hạnh phúc cuối đời hiếm hoi của mẹ, nhưng em muốn có những biện pháp phòng ngừa để mẹ không bị lừa đảo hay mất đi những tài sản mà mẹ đã dành dụm được.
Em nhìn vào gia cảnh người đàn ông của mẹ mà thấy lo ngại thật. Con cái ông ta không có công ăn việc làm rõ ràng, làm sao tránh được chuyện bòn mót tiền bạc của mẹ.
Nghe nói họ đã dựng chuyện đe dọa, nói rằng mẹ em quyến rũ cha họ, ông nội của họ; rằng nếu ông ấy có vấn đề gì về sức khỏe thì mẹ em phải chịu trách nhiệm. Em phải làm sao để mẹ đừng vấp phải những rủi ro, mà vẫn có thể có được chút niềm vui trong những ngày tháng này?
Vân Trang (TP HCM)
Em Vân Trang thân mến,
Khi mẹ mình có tình cảm mới, những đứa con thường cảm thấy bị chia sẻ tình cảm. Em đã không nghĩ vậy, đó là điều đáng quý. Nhưng cũng đúng là những mối quan hệ tình cảm ở tuổi xế chiều thường không chỉ ảnh hưởng đến hai người trong cuộc mà còn ảnh hưởng đến những đứa con.
Trong quá khứ, những đổ vỡ tình cảm đã làm khổ mẹ em nhiều. Bây giờ, một cú sốc cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đối với mẹ. Vì vậy, em nên bắt đầu câu chuyện này một cách thận trọng, nhẹ nhàng, từ từ.
Có thể em sẽ phải nói chuyện thật lâu và thật chân thành để xem mẹ thực sự mong muốn gì trong mối quan hệ này. Nếu mẹ chỉ muốn có một người bầu bạn cho vui, chia sẻ với nhau những tình cảm nhẹ nhàng, em không có gì phải lo lắng. Sau một lần đổ vỡ, chắc chắn mẹ em biết cái giá phải trả cho một sai lầm như thế lần thứ hai, vào lúc tuổi xế chiều.
Ảnh minh họa Nhưng nếu mẹ có mong muốn gắn bó hơn, chính thức cưới xin hay về sống cùng nhau, em nên cùng mẹ phân tích kỹ mọi chuyện. Hãy cùng mẹ tìm biện pháp phòng rủi ro. Về mặt nhà cửa tài sản, em có thể nói mẹ làm giấy xác nhận tài sản riêng của mẹ, có trước hôn nhân. Thậm chí có thể cùng mẹ lập di chúc rõ ràng, để khi hai người lớn đến với nhau đỡ lấn cấn. |
Những việc này nên làm một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh những rủi ro, chuyện tình của mẹ không phải không có mặt tích cực. Một mối quan hệ tích cực, ấm áp, cho dù ở tuổi xế chiều, cũng là chuyện nên được thấu hiểu và đồng cảm.
Em nên gặp gỡ, nói chuyện với bạn của mẹ, để có thể hiểu tính cách, tình cảm người đàn ông đó. Cuộc đời của ai vẫn thuộc sở hữu của người đó, mình không thể sống thay mẹ được. Em hãy làm mọi chuyện trong sự tôn trọng đối với tình cảm và quyết định của mẹ nhé!
Nếu tôi là người trong cuộc: Lệ Dung (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận): Vui lúc nào trọn vẹn lúc đó Chuyện của mẹ bạn thực ra cũng là những câu chuyện bình thường ở đời. Mẹ tôi cũng rơi vào trường hợp như vậy và bây giờ bà đang rất hạnh phúc. Tôi từng như bạn, cũng lo lắng lắm. Tôi cũng sợ thêm một cú sốc nữa, e rằng mẹ sẽ ngã quỵ. Nhưng tôi nhầm. Mẹ chủ động nói chuyện với tôi, rằng mẹ đã chuẩn bị tâm lý hết rồi, mẹ hiểu ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra. Như ba thương mẹ vậy mà không cưỡng lại được bản năng của mình, nên mẹ sẽ không sao. Vui lúc nào trọn vẹn lúc đó. Nên cả nhà quyết tâm ủng hộ mẹ. Mười năm rồi, mẹ vẫn yên. Con cái nên ủng hộ hạnh phúc của mẹ, dù thế nào chăng nữa. Mẹ của chúng ta đã qua biết bao con dốc đời rồi, chẳng có chuyện gì quật ngã được các bà mẹ kiên cường đâu. Bạn cứ chung vui với hạnh phúc của mẹ, tới đâu hay tới đó, đừng nghĩ ngợi xa xôi quá. Tình yêu của người già rất cần sự cảm thông của con cháu. Hình minh hoạ Minh Trang (H.Củ Chi, TP HCM): Đừng tước đoạt niềm vui của mẹ! Tôi nhớ bạn tôi, khi ba bạn ấy mất, tôi hỏi: "Lỡ mẹ có người mới, bạn sẽ thế nào?", lúc đó bạn gào lên: "Mình thương ba, không bao giờ mình ủng hộ chuyện đi bước nữa của mẹ đâu". Giờ khi bạn và em trai bạn trưởng thành, ở riêng, bạn mới trách mình ích kỷ quá, chỉ biết mình mà không hiểu và cảm thông với mẹ. Mọi thứ thành ra muộn màng. Ngày đó, bao nhiêu người tìm đến với mẹ, bạn và em cương quyết phản đối, bỏ ăn, dọa tự tử để ngăn cản cho bằng được. Ngăn cản mẹ tìm hạnh phúc mới sau đổ vỡ, theo tôi, không hẳn là ích kỷ mà còn là bất hiếu. Chúng ta không có quyền can thiệp vào đời sống tình cảm của bất kỳ ai. Mà quyền của chúng ta, theo tôi, chỉ là những góp ý hợp tình hợp lý, không mang tính bàn ra hoặc tẩy chay. Mẹ chắc hiểu chuyện, nên bạn hãy lựa lời sao cho hợp lý hợp tình một chút, về tiền bạc, về tài sản để tránh những ân hận về sau. Theo tôi, bạn nên tìm luật sư hay đến một cơ quan báo chí nào đó có tư vấn luật miễn phí. Ở đó, chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn nên làm sao cho đúng. Sau đó, bạn trao đổi lại với mẹ. Chỉ vậy thôi. Còn hiện tại, mẹ đang vui mà, mình đừng tước đoạt niềm vui ấy của mẹ. |