Kỷ niệm 10 năm ngày cưới, anh bạn tôi lấy ảnh cưới làm hình ảnh đại diện trên facebook, kèm theo dòng status đầy tâm tư: “Ngày này mà cách đây 10 năm tôi đã không còn được tự ý đi nhậu, không còn được cầm chủ cái ví của mình, huhu”.
Hôn nhân có phải là hoàng hôn của tình yêu? Ảnh minh họa
Ngay sau đám cưới, vợ tôi đã thủ thỉ: “Công việc của em rất bận nên anh gắng tự lo nhé, em không muốn mình kiểm soát nhau về tiền bạc lẫn thời gian. Anh cứ sống như trước đây, đến khi nào có con rồi mình tính tiếp”. Tất nhiên, tôi đồng ý ngay với đề nghị dễ thương của vợ. Vì tôi đã nghe các bậc tiền bối đi trước cảnh báo về những gông cùm sau hôn nhân.
Bên cạnh lời chúc, nhiều người bình luận nửa đùa nửa thật: “Lấy vợ mất tự do vậy à”, “Kỷ niệm ngày khủng khiếp hả anh”, “Mất tài chính là mất tất cả”... Nhưng tôi lại thèm cái cảm giác của anh bạn đó. Bởi tôi thuộc trường hợp đặc biệt: lấy vợ rồi vẫn tự do như thường.
Thời gian đầu, tôi thấy thoải mái vì được tự do như hồi độc thân, chỉ khác khi trở về nhà có thêm người sống cùng. Tôi vẫn đi nhậu đều với đồng nghiệp tời khi tàn cuộc, chứ không ngay ngáy lo ai chờ đợi. Quan trọng nhất, tiền lương của tôi còn nguyên trong tài khoản.
Nhưng lâu dần, tôi càng có cảm giác hụt hẫng vì mình không giống đàn ông có vợ chút nào. Trong buổi nhậu, điện thoại của các chiến hữu kêu inh ỏi vì vợ gọi, thì điện thoại tôi luôn nằm im lìm trong túi.
Ban đầu, bạn bè tỏ ra ngưỡng mộ sự tự do vô đối của tôi. Họ còn lấy tôi làm "tấm gương" không sợ vợ, dám tắt máy khi nhậu. Nhưng lâu dần, họ thấy có gì đó sai sai nên thường hỏi dò: “Vợ cậu hiền nhỉ”. Tôi chẳng biết nói sao, không lẽ kể ra cái thỏa thuận ngầm của hai đứa. Nhiều buổi, tôi chỉ ước vợ gọi điện để mình hãnh diện nói thật to: “Anh về ngay đây”.
Vợ tôi rất mạnh mẽ, độc lập và quyết đoán. Ảnh minh họa |
Tôi tự hỏi, nếu có chuyện gì xảy ra với mình, liệu cô ấy có chút mảy may lo lắng. Giờ nghỉ trưa, thấy đồng nghiệp ríu rít hỏi han vợ/chồng xem đã nghỉ chưa, ăn ở đâu, tôi bấm số gọi vợ nhưng chỉ nghe tiếng đổ chuông kéo dài. Sau đó vợ tôi nhắn tin bảo: “Em đang bận, đừng gọi”.
Từ lúc mới quen, tôi đã biết vợ mình rất mạnh mẽ, độc lập và quyết đoán. Bởi cô ấy vốn là chị cả của một đàn em, gia đình khó khăn nên đã phải bươn chải từ nhỏ. Tôi yêu vợ mình vì những tính cách ấy. Cô ấy rất ít giận hờn, không nhõng nhẽo, tôi “nhàn tênh” không phải dỗ dành hay chiều chuộng.
Cô ấy tôn trọng quyền riêng tư của tôi một cách tuyệt đối, không bao giờ lục lọi điện thoại hay tra vấn này kia. Có lần, tôi bảo: “Em không sợ anh có người khác à”, vợ tôi trả lời nhanh và gọn: “Anh có thì em cũng chẳng giữ nổi”. Và cô ấy luôn quan niệm, mỗi người cần chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình nên không cần vì nhau mà thay đổi.
Khi yêu, tôi hạnh phúc với điều ấy bao nhiêu thì sau đám cưới, tôi lại thấy trống trải bấy nhiêu. Vợ chồng sống cùng nhau mà thân ai người nấy lo thì khác gì khách ở trọ chung nhà.
Nhiều buổi tối, trở về nhà sau một ngày mệt mỏi, tôi chỉ mong vợ mình hỏi han: “Anh đã ăn chưa, có mệt không?” nhưng chỉ thấy vợ cắm cúi vào máy tính, nên biết ý đi tắm rồi tự giải quyết chuyện ăn uống.
Tôi thèm cái cảm giác được vợ “bó buộc” để biết mình đã có gia đình. Tôi chỉ mong khi mình đưa tiền lương, vợ đừng dửng dưng bảo: “Anh giữ lấy mà tiêu, em có rồi”. Khi tôi về muộn, vợ hãy gọi điện để biết tôi đang ở đâu, lúc nào về. Khi tôi chưa kịp tắm hay để đồ bừa bãi, vợ cứ cằn nhằn thật nhiều.
Tôi thèm cái cảm giác được vợ "bó buộc" . Ảnh minh họa |