Làm thế nào để tự bảo vệ khi nói lời chia tay trước chính người mình từng yêu, "đội lốt" trong những vỏ bọc rất đỗi hiền lành trở thành sát thủ máu lạnh?
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia tại TP HCM) chia sẻ với PNVN một số cách giúp các cô gái tự bảo vệ khi nói lời chia tay.
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy
- Là người am hiểu trong lĩnh vực tâm lý, xin chị cho biết khi bị từ chối tình cảm, cú sốc của nam giới thường xảy ra như thế nào?
- Đàn ông thích chinh phục, thích chiến thắng và thích được đề cao… Khi bị từ chối tình cảm, đàn ông dễ có tâm lý cảm thấy bị coi thường, thấy mình là kẻ thất bại, không chấp nhận sự thật, đổ lỗi cho người yêu,…
Một số đàn ông đã phản ứng tiêu cực, hận người yêu nên đã bạo lực với người yêu, thậm chí là giết người yêu rồi tự sát… như một số vụ gần đây đã xảy ra.
- Những vụ điển hình nam thanh niên ra tay tàn độc vừa qua, theo chị có phải vì họ ghen, vì quá yêu, vì cảm thấy bị xúc phạm, bỏ rơi, vì không kiềm chế được bản thân hay còn lý do nào khác nữa?
- Theo tôi, vì họ không có tình yêu thực sự với nạn nhân thì đúng hơn. Họ chỉ yêu chính họ. Họ yêu cảm giác họ chinh phục được ai đó, ai đó phải phục tùng họ, là thứ đồ trang sức của họ, là người phục vụ họ,.. Đó là sự ích kỷ bởi nếu yêu thực sự không ai có thể gây hại cho người mình yêu.
Thậm chí, nuôi con vật cưng mà mình thương nó, mình cũng còn không nỡ làm con vật đau. Những kẻ nhân danh yêu, ghen, quá yêu… rồi lên cơn tức giận tàn hại người yêu là những kẻ không có trái tim. Hoặc trái tim anh ta tràn đầy sự ích kỷ và độc ác.
Cũng có những người vì để cơn giận làm chủ nên đã cả giận mất khôn, sát hại người yêu xong thì ân hận cả đời. Nhưng sâu xa bên trong những kẻ giận dữ mất kiểm soát cũng là tính sở hữu, tính ích kỷ. Con người có lương tâm, có đạo đức thì dù giận mấy cũng không cho phép mình làm tổn hại người khác.
Không thể đổ lỗi cho người bị sát hại
- Những vụ sát hại xảy ra gần như liên tiếp, phải chăng tính sát thủ, máu lạnh, vô nhân tính trong một số nam thanh niên hiện nay tăng lên đến mức báo động?
- Thực trạng này là dấu hiệu báo động đỏ cho thấy đạo đức của một bộ phận nam thanh niên đang bị suy đồi. Nhân cách con người được hình thành từ quá trình trong bào thai, từ khi sinh ra và lớn lên, do nhiều nhân tố xã hội tạo thành, từ môi trường gia đình, nhà trường đến xã hội. Tại sao một số thanh niên có thể ra tay sát hại người con gái yếu đuối hơn mình, những em bé chưa có sức phản kháng như trong vụ án Lê Văn Luyện… Có lẽ nguyên nhân thuộc về cả 3 môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội.
- Còn về phía nhiều nữ thanh niên hiện nay, phải chăng cũng có một phần lỗi thuộc về mình?
- Nạn nhân không có lỗi trong việc họ bị đâm chết. Không ai có quyền làm tổn hại đến thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác. Có chăng các nạn nhân đã thiếu khả năng chọn người để yêu và kỹ năng từ chối trong tình yêu.
Không chủ quan trước những lời đe dọa
- Khi vụ việc xảy ra, hung thủ nhiều khi được cho là khá hiền lành và trước khi ra tay không có biểu hiện đe dọa hay muốn đoạt tính mạng của người khác. Vậy các cô gái cần phải làm gì để bảo vệ mình? Trước hết, cần nói lời từ chối thế nào cho hợp lý, văn minh?
- Từ chối là một kỹ năng không dễ. Người xưa có câu "Biết người biết ta trăm trận trăm thắng". Các bạn gái khi từ chối cần tìm hiểu kỹ tâm lý, nhu cầu, cá tính của người yêu để chọn thời điểm, không gian, nội dung nói chuyện phù hợp.
Điều quan trọng nhất là học cách tôn trọng lẫn nhau khi nói lời từ chối dù có không đồng quan điểm, không còn tình cảm với nhau, không ưa nhau nữa.
Trước khi nói lời từ chối cần bật đèn vàng báo hiệu cho người yêu biết cảm xúc của mình, đừng để họ bất ngờ trước lời từ chối. Sự giãn cách trong tình cảm từ từ rồi mới nói lời chia tay sẽ được đối phương đón nhận nhẹ nhàng hơn, chống sốc cho họ.
Các cô gái có thể thưa dần sự gặp gỡ, bớt dần sự quan tâm trước đây, nói xa nói gần cho người yêu biết mình và người ấy không hợp. Thậm chí còn cần bộc lộ cho người đó thấy vài điểm không hợp của mình với họ để người kia tự nhận ra hai người không phù hợp để tiếp tục tình yêu…
Mỗi người đàn ông có cá tính riêng. Vì thế, người con gái cần lựa cách phù hợp với đối tượng của mình. Tôi thường hay chia sẻ với sinh viên rằng chọn người để yêu cho cẩn thận chứ nhận lời yêu đã khó mà từ chối chia tay tình yêu còn khó hơn nhiều.
Yêu người tử tế thì họ sẽ tôn trọng sự lựa chọn của bạn, họ yêu bạn vì hạnh phúc của bạn chứ không vì sự sở hữu bạn. Những người đàn ông này nếu chia tay họ có đau khổ nhưng họ không thể, không muốn làm khổ bạn. Còn nếu yêu nhầm người ích kỷ, vô đạo đức thì dù bạn có khéo léo, văn minh cỡ nào bạn cũng lãnh hậu quả xấu.
Khi nói lời chia tay cần khẳng định sự tôn trọng bằng thái độ, ngôn ngữ, giọng điệu để đối tượng giảm bớt cảm xúc tiêu cực đã nói ở trên. Bạn gái cần cho bạn trai hiểu mình chia tay vì không còn hợp nhau, không còn tình yêu, nhưng mình luôn tôn trọng và muốn làm bạn của nhau.
- Việc chia tay vốn dĩ là chuyện riêng tư, chuyện của hai người. Vì thế, khi chia tay nếu có thêm người thứ ba thì có bị đối phương làm lớn chuyện lên không?
Theo tôi, cẩn thận vẫn hơn bởi đây là thời điểm hết sức nhạy cảm, cú sốc dễ vượt ngưỡng và "đối phương" dễ bị manh động. Các bạn gái cần lựa chọn nói lời chia tay ở không gian có người qua lại. Trong những trường hợp cần thiết nên có bạn gái hay người thân khác đi cùng hoặc ở gần để hỗ trợ tinh thần và trợ giúp. Khi người kia thấy có người thứ 3 cũng khó manh động, hành hung mình.
Sau khi phát tín hiệu nói lời chia tay, bạn gái không nên đi đâu đó một mình. Thậm chí, tránh hẹn gặp riêng người yêu, tránh có những cử chỉ quan tâm dù có ý tốt nhưng dễ gây hiểu lầm và bị níu kéo không thể chia tay.
Nếu bạn gặp phải sự đe dọa từ "đối phương", bạn nên thông báo cho những người thân khác của bạn biết và nhờ sự trợ giúp. Tuyệt đối không chủ quan trước những lời đe dọa.
Dạy con cách chọn người yêu, cách yêu, từ chối yêu… càng sớm càng tốt
- Lời khuyên của chuyên gia cho cả hai phía khi xảy ra mâu thuẫn tình cảm không thể dung hòa?
- Mâu thuẫn trong tình yêu là khó tránh, đừng quyết định vội vàng khi mới xảy ra mâu thuẫn. Hãy giải quyết mâu thuẫn xong rồi cân nhắc kỹ mới nên nói lời chia tay. Nếu một chút mâu thuẫn đã chia tay có thể bạn sẽ đánh mất một tình yêu đẹp. Mỗi đôi yêu nhau đều trải qua nhiều sóng gió, nhiều mâu thuẫn, nhờ mâu thuẫn, họ càng hiểu nhau hơn, càng yêu nhau hơn.
Vì vậy, cần sáng suốt nhìn nhận những mâu thuẫn là sự khác biệt có thể chấp nhận và sự khác biệt không thể chấp nhận được. Nếu là khác về quan điểm sống, giá trị đạo đức sống thì cần phải cân nhắc kỹ. Nếu chỉ khác biệt trong những biểu hiện thì nên chấp nhận và học cách sống chung…
- Các ông bố, bà mẹ có con trong độ tuổi cập kê, đặc biệt là với bố mẹ các cô gái thì sao?
- Cha mẹ cần dạy con: Chọn bạn mà chơi, chọn người mà yêu và cách yêu, cách từ chối trong tình yêu… càng sớm càng tốt. Dạy qua lời nói, qua sách truyện, qua phim ảnh, qua câu chuyện thực tế trên báo chí…
Ví dụ nhân câu chuyện thầy giáo sát hại cô giáo, cha mẹ hãy dạy con về cách nói lời từ chối.
- Xin cảm ơn TS Xã hội học Phạm Thị Thúy!