Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ và nam giới đi làm không chỉ vì kiếm tiền, mà còn để nhìn xã hội thay đổi, để tìm sự đồng điệu trong cuộc sống chung - Ảnh minh họa: Pngtree
Chị Hoàng Thúy Hà (27 tuổi, Hà Nội, hiện đã kết hôn) cho rằng phụ nữ phải lùi về chăm con, làm việc nhà là một hi sinh lớn. Với chị, dù đi làm kiếm được vài triệu cũng đi, ở nhà sẽ "ngu người".
Chồng giàu vẫn đi làm
Chị Hà kết hôn được 2 năm, hiện vợ chồng chị chưa sinh em bé. Hai vợ chồng trẻ cùng đi làm để kiếm tiền lo cho tương lai.
"Ai cũng biết rằng cuộc sống của mình do mình quyết, nhưng kết hôn rồi, mình phải quyết sao cho hài hòa các mối quan hệ. Đối với tôi, nếu phụ nữ có công việc tốt, thu nhập cao nhưng họ sợ con không được chăm sóc chu đáo, không muốn thuê giúp việc hay nhờ bố mẹ chăm sóc chồng con, muốn tự tay chăm sóc nên phải ở nhà lo cho gia đình thì đây là sự hi sinh lớn" - chị Hà chia sẻ quan điểm.
Khi còn trẻ, chị có nhiều hoài bão, ước mơ, muốn bay nhảy. Lấy chồng rồi, chị nói bản thân muốn yên ổn - đó là hài lòng với mái ấm mình đang có. Vợ chồng cả hai cùng ra ngoài kiếm tiền, cùng san sẻ công việc nhà. Nếu trong nhà, chồng là người kiếm được nhiều tiền hơn thì người vợ có thể hỗ trợ để người chồng phát huy vị thế ngoài xã hội
"Tôi thấy mấy người bạn của tôi gọi là ở nhà nhưng vẫn giúp chồng quản lý công ty, hoặc công việc kinh doanh của chồng, cũng chấp nhận được vì đó vẫn là làm. Còn kiểu chỉ đơn thuần nấu cơm, chăm con, chở con đi học thì không, tôi quyết không bao giờ chọn ở nhà. Nếu chồng tôi giàu, kiếm được nhiều tiền thì tôi càng phải đi làm" - chị Hà cho biết.
Chồng chị Hà cũng đồng ý quan điểm ấy. Chị kể lại: "Chồng tôi nói với tôi: Dù anh là tỷ phú thì xin vợ hãy cứ đi làm. Vợ đi làm anh sẽ được an vui. Tôi mà ở nhà rồi bày biện với than thở chắc chồng tôi cũng muốn chết (cười)".
Tự nhận là người an phận, chị Phạm Thùy Hoa (27 tuổi, TP.HCM) cũng không đồng ý việc "lui về chăm con". Chị giải thích: "An phận của tôi là nếu một công việc với mức lương 13 triệu nhưng phải làm tới 18h, và công việc 10 triệu làm tới 17h thì tôi sẽ chọn việc tới 17h để về nhà với gia đình.
Kết hôn rồi, tôi sẽ không quá xông pha hùng hục kiếm tiền, làm nô lệ cho tiền, không ôm đồm công việc quá nhiều, không tham công tiếc việc. Tôi thích làm việc nhà nhưng không có nghĩa là chỉ ở nhà và không đi làm. Tôi không muốn phụ thuộc vào người khác, ở nhà chăm con thì kiểu gì cũng bị phụ thuộc".
Vì thế, nếu chồng bảo nghỉ ở nhà nuôi con, dù có nhiều tiền thì chị cũng không đồng ý. "Có hai lý do không ở nhà, đó là tâm lý bị phụ thuộc vào người khác, và chỉ ở nhà chăm con sẽ làm bản thân người phụ nữ trở nên nhàm chán, kém hiểu biết xã hội", chị Hoa nói
Đi làm để không "xa cách xã hội"
Nhiều đấng mày râu cũng đồng tình với quan điểm cho rằng dù kiếm ít hay nhiều tiền, phụ nữ vẫn nên đi làm, ra ngoài xã hội.
Anh Ngô M. nêu quan điểm: "Nếu tôi kiếm được nhiều tiền, vợ vẫn có thể đi làm một công việc nhàn hạ, chứ kêu ở nhà trông con là tội cô ấy. Đi làm không có nghĩa là kiếm tiền, mà là để không cách xa với xã hội".
Theo anh Lê Ngọc Ân (40 tuổi, TP.HCM), trong gia đình dù vợ hay chồng đều không nên ở nhà mà "phải đi làm để ra ngoài xã hội, chứng kiến xã hội thay đổi từng ngày, mở mang đầu óc". Một người đi làm, một người chỉ ở nhà sẽ khó có điểm chung để nói chuyện với nhau, dễ cảm thấy nhàm chán, không chia sẻ được, lại dễ sinh tật, nhàn cư vi bất thiện.
Còn anh Trần Hồng P. (39 tuổi, TP.HCM) cho rằng kinh tế gia đình khá, vợ làm công việc thu nhập không cao, tiền thuê người giúp việc, đưa đón con cái đi học… nhiều hơn tiền lương của vợ thì người vợ có thể lui về chăm con một thời gian. Sau này con lớn, vợ lại có thể đi làm.
Việc lui về ấy chính là sự chia sẻ, hi sinh của người vợ với gia đình, và người chồng cần trân trọng, sẻ chia. Còn nếu người vợ đang có một vị trí tốt ngoài xã hội, kiếm được nhiều tiền hơn mà kêu vợ lui về chăm con là không hợp lý, thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ.
"Nếu được lùi về sau, được sống như "bà hoàng" thật thì sung sướng quá rồi còn gì. Được vậy tôi cũng xung phong xin lùi, chứ lui về làm con sen thì… xin nghỉ. Làm bà hoàng là kiểu muốn là gì thì làm, hôm nay thích ở nhà thì ở, mai thích đi làm thì đi, ngày kia đi du lịch, ngày kìa đi học, chứ không phải lui về để nấu cơm, làm việc nhà, chăm con…" - anh Nguyễn Tuấn Hiếu (27 tuổi, Hà Nội) dí dỏm nói.