Xu hướng tiêu dùng tốt cho sức khỏe
Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng trên toàn cầu dần hướng đến lối sống lành mạnh hơn, sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe hơn và đặc biệt ngày càng lựa chọn đồ uống lành mạnh, tự nhiên và hữu cơ.
Không những thế, xu hướng tiêu dùng thực phẩm đồ uống có ga có hàm lượng calo cao được thay thế dần sang đồ uống có lợi từ thực vật đang mang lại cơ hội tăng trưởng sinh lợi cho thị trường.
Chính điều đó đã thúc đẩy nhu cầu về đồ uống tốt cho sức khỏe có nguồn gốc thực vật ngày càng cao. Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất đã nắm bắt được xu hướng và có những bước chuyển phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại ngày nay.
Từ lâu, ngành đồ uống đã sử dụng nha đam (lô hội) - một loại cây thuốc khá phổ biến để chế biến các sản phẩm, đồ uống. Bởi nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng tuyệt vời, giúp chống lại các tổn thương gốc tự do trong cơ thể và do đó khả năng miễn dịch trong cơ thể được tăng cường. Những xu hướng toàn cầu này đang mang đến những cơ hội tăng trưởng mới cho cây nha đam và những sản phẩm từ nha đam.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm G.C (GC Food), đánh giá hiện nay, nhu cầu tiêu dùng đa dạng các sản phẩm, ngoài các sản phẩm quen thuộc, xu hướng sẽ tìm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe nhiều hơn. Nha đam là một trong những loại nông sản được nhiều người sử dụng để làm thực phẩm bởi tính thanh mát, hỗ trợ cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng "thích" sơ chế nha đam bởi độ nhớt của nó. Vì vậy, hiện nhiều người tiêu dùng thích lựa chọn nha đam chế biến sẵn, tiện lợi lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặt khác, nhiều công ty hiện nay cũng đã nắm bắt được xu thế tiêu dùng, đã sử dụng nha đam mix với sữa chua thay cho các loại trái cây khác, hoặc mix nha đam với trà sữa thay vì hạt trân châu…
"Chính điều đó, khiến nhu cầu sử dụng nha đam làm thực phẩm ngày càng tăng lên", ông Thứ nhận định và cho biết thêm, hiện GC Food đã xuất khẩu nhau đam trên 20 quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ... Ngoài ra, còn cung ứng sản phẩm nha đam cho hơn 100 đơn vị, trong đó phần lớn là các nhà máy sản xuất về sữa chua, nước giải khát, và các hệ thống phân phối nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…
Với lợi thế từ thổ nhưỡng của vùng đất Ninh Thuận, GC Food đã đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền chế biến hiện đại theo chuẩn quốc tế FSSC 22000 và vùng nguyên liệu nha đam hơn 200ha ổn định tại vùng đất nắng gió và đã trở thành một trong những đơn vị sản xuất và xuất khẩu nha đam lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Mở rộng vùng trồng nha đam đáp ứng thị trường
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty Cánh đồng Việt (VietFarm), đơn vị thành viên thuộc GC Food, cho biết VietFarm đã thực hiện liên kết 4 nhà, mở rộng liên kết với bà con và HTX trong toàn tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu mới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn tại huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn… VietFarm đối ứng vốn, hướng dẫn kĩ thuật và bao tiêu đầu ra, tạo sinh kế cho bà con và HTX liên kết.
Từ đó, công suất của nhà máy có thể đảm bảo 35.000 tấn lá tươi/năm, tương đương 15.000 tấn thành phẩm.
Ngoài ra, VietFarm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chuỗi sản xuất cây nha đam như đầu tư phòng nuôi cấy mô cây nha đam quy mô lớn 3 triệu cây/ năm cung cấp cho bà con cây giống sạch bệnh và năng suất cao. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị tiên tiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, mở rộng cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy phát triển vùng trồng cây nha đam quy mô lớn 20 ha, xây dựng quy trình và chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, nghiên cứu các dòng phân, thuốc chuyên dùng cho cây nha đam chuyển giao đến bà con để phát triển quy mô lớn.
"VietFarm đang triển khai trồng mới 500 ha nha đam tiêu chuẩn VietGap giai đoạn 2023 -2025 để đảm bảo nhu cầu thị trường. trong thời gian tới, GC Food sẽ mở rộng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và kết hợp du lịch", ông Thuận thông tin.
Chủ tịch HĐQT GC Food Nguyễn Văn Thứ đánh giá hiện nay, nha đam của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với Thái Lan. Trong khi đó, tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, thị phần nha đam của Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 10% nên cơ hội mở rộng của Việt Nam còn rất nhiều. Mặt khác, trình độ sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm của Việt Nam ngày một nâng cao, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Grand View Research, Châu Á Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất trong khu vực về đồ uống nha đam, chiếm thị phần hơn 30% vào năm 2019. Nước ép hoặc đồ uống làm từ nha đam là đồ uống truyền thống, được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhờ có nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như cải thiện chức năng gan, tăng cường dinh dưỡng, tăng cường hydrat hóa và lợi ích tiêu hóa.
Mỹ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất đối với các loại đồ uống làm từ nha đam này khi người dân nước này đang áp dụng lối sống lành mạnh do cuộc sống công việc bận rộn và bận rộn của họ. Hơn nữa, dân số béo phì và thừa cân ngày càng gia tăng, điều này mở ra một phạm vi mới cho những thức uống làm từ nha đam hiệu quả này để quản lý cân nặng. Trong khi đó, Bắc Mỹ được dự đoán là thị trường khu vực phát triển nhanh nhất.
Sở thích ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với đồ uống có nguồn gốc thực vật bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe hơn đang thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm từ nha đam trong thời gian tới không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến của Việt Nam như GC Food.
Các nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước tiêu thụ đồ uống nha đam lớn nhất thế giới vì sản phẩm này đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ cho mục đích y học. Các công ty lớn trong khu vực đang tung ra các sản phẩm mới trên thị trường với nhu cầu về sản phẩm ngày càng tăng.
Với dược tính tốt từ cây nha đam, GC Food đã nghiên cứu và sản xuất cho ra dòng sản phẩm hóa mỹ phẩm từ nha đam như nước rửa chén, rửa tay, lau sàn nhà, dung dịch sát khuẩn, nước sả quần áo, dầu nha đam bôi chống muỗi, chống nắng, kem dưỡng da… Hiện GC Food đang tìm đối tác phù hợp để xây dựng phát triển thương hiệu cho dòng hóa mỹ phẩm này.