Ngày ấy quê tôi còn nghèo lắm, lúa gạo không dư dã như bây giờ nên lương thực chính cho các gia đình đa phần là khoai và sắn. Đi khắp xóm, nhà nào khoai sắn cũng để đầy ắp dưới gầm giường. Bên dưới đống khoai sắn thường được trải thêm một lớp cát trắng mà theo kinh nghiệm dân gian thì đó là cách bảo quản khoai được tươi lâu hơn.
Đất đai vốn kém màu mỡ lại bị đạn bom cày xới nhiều nên việc trồng được loại khoai củ vừa to lại vừa bùi không phải là điều đơn giản. Người ta phải kỳ công chăm sóc, từ cách chọn ngọn để trồng đến cách lên luống, bỏ phân, làm cỏ và vun gốc đều phải có kỹ thuật. Vì thế, đến vụ thu hoạch nhà nào cũng cố gắng tìm nhặt, gom góp thành quả cẩn thận.
Hôm thu hoạch, ba cày, chị đi bên cạnh dắt trâu cho thẳng lối, còn mạ với chúng tôi người xách giỏ, người thì cầm rổ theo sau luống cày để nhặt khoai, đổ đầy khoang xe kéo và chở về.
Sau khi để dành một ít ăn tươi, số khoai còn lại mạ gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát phơi khô, cho vào bao ni lông gói kỹ không để gió lộng vào rồi cất trong chiếc thùng phuy cũ, dự trữ cho những ngày đông giá rét sắp về.
Thương chúng tôi phải ăn khoai sắn nhiều, đồng thời để đổi khẩu vị cho bữa ăn, mạ đem mấy cân khoai lang khô đạp xe lên thị trấn để xay bột về làm bánh cho mấy chị em.
Để làm được món bánh tù huýt thơm và ngon, mạ phải kỳ công lựa những lát khoai trắng, khô giòn, không bị sâu mọt hay ẩm mốc, sau khi xay sẽ cho ra loại bột màu trắng mịn và rất thơm.
Công đoạn làm bánh tù huýt cũng đơn giản, không cầu kỳ và cần nhiều nguyên liệu đi kèm như nhiều loại bánh khác. Chỉ cần nhìn người khác làm một lần là có thể tự mình làm ra sản phẩm riêng.
Đầu tiên đổ bột vào thau rồi cho ít nước đường vào. Nhiều khi muốn bánh ngon hơn mạ hầm thêm một ít đậu đỏ rồi bóp mịn hay đậu lạc rang giã nhỏ trộn cùng.
Nước đường dùng để nhào bột là loại đường bánh màu đen, được gọt thành lát mỏng rồi cho nước sôi ấm vào hòa tan với độ ngọt nhẹ để không làm mất vị ngọt tự nhiên của khoai.
Bột được nhào đến khi cảm giác mềm, mịn ở tay và vắt thành nắm không bị vỡ là được.
Công đoạn này vừa kết thúc, chúng tôi tự khắc mỗi đứa cầm một chiếc đũa trên tay, quấn bột vào quanh, sau đó nắm chúng lại thật chặt và từ từ rút chiếc đũa ra. Cứ thế, từng chiếc bánh tù huýt nối tiếp nhau ra lò, xếp đều trên chiếc trẹt nhỏ.
Mạ lấy chiếc nồi lớn cuộn một lớp rơm khô dày đặt xuống dưới sau đó đổ nước vào (mực nước không được cao hơn lớp rơm) và nhẹ nhàng xếp những chiếc bánh tù huýt nằm dọc sát nhau, đậy kín vung và bắc lên bếp, lửa chỉ để nhỏ.
Nếu như nấu bằng than củi thì bánh sẽ ngon hơn. Thời gian để bánh chín cũng rất nhanh nên chị em tôi thường tranh nhau thổi lửa trông bánh. Không khí cứ náo động bên gian bếp nghèo.
Bánh chín, mạ lấy đũa gỡ từng chiếc bánh đang còn bốc hơi nghi ngút xốc vào từng chiếc đũa cho chúng tôi cầm ăn. Vị ngọt của đường và khoai, vị bùi của đậu đỏ hòa lẫn với mùi thơm của rơm khô cho chúng tôi một bữa ăn ngon hơn cả tiệc và còn đầy ắp tiếng cười.
Có lẽ nhờ dùng rơm khô làm đế lót nên món bánh tù huýt của mạ có mùi vị khác hẳn những chiếc bánh của người khác nấu. Chúng tôi vừa ăn, vừa ca hát, thỉnh thoảng lại lấy chiếc bánh làm con tù huýt thổi thành những bản nhạc chẳng theo một cấu trúc nào.
Tuổi thơ lam lũ cứ thế trôi đi trong lặng lẽ. Món bánh tù huýt cũng trở thành món quà vặt đặc trưng của chúng tôi lúc bấy giờ. Nhiều khi chỉ cần vài ba chiếc bánh cũng qua đủ một bữa ăn.
Thời gian thấm thoát trôi đi, chúng tôi dần khôn lớn, kinh tế quê hương cũng ngày một phát triển hơn. Diện tích khoai sắn ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho nhiều giống lúa và cây trồng mới. Và rồi món bánh tù huýt cũng ngày một vắng bóng. Nhiều khi thèm chúng tôi chỉ biết lục tìm trong ký ức.
Có người chị ngoại tỉnh hỏi tôi: “Quảng Trị quê em có món bánh gì đặc biệt không?”. Tôi cười đáp: “Cũng nhiều chị à! Có một loại bánh đã gắn liền với tuổi thơ của em, nhưng cũng lâu rồi em không được thấy nó”. Nói với chị chỉ một câu nhưng rất nhiều nỗi nhớ lại ùa về, nhớ làm sao tiếng rao vui của mạ: “Ai muốn ăn bánh tù huýt không?”.
Phải rồi, thêm một mùa thu hoạch khoai lang nữa lại về!
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.