Thật khác xa với thời tôi còn bé, mỗi dịp Trung thu về háo hức vô cùng. Từ giữa tháng 7 âm lịch lũ trẻ đã tụ tập làm lồng đèn, rồi đếm từng ngày chờ đợi đến đêm trăng tròn để được ngấu nghiến cái bánh trung thu bé tẹo, chỉ có bột cùng một ít nhân đậu xanh vị ngòn ngọt; để được cầm lồng đèn tung tăng khắp xóm làng. Bởi khi ấy quá thiếu thốn, nên những thứ tầm thường kia rất ý nghĩa và ngon một cách đặc biệt. Còn ngày nay, chỉ còn hơn tuần nữa là đã đến ngày rằm Trung thu, các quầy bán bánh Trung thu bày khắp nẻo đường, phố lồng đèn ngoài khu Chợ Lớn lung linh sắc màu, ở nhà cũng có vài hộp bánh mẫu mã thật đẹp mắt được cơ quan và đối tác biếu tặng... Ta nói, không khí Trung thu ngập tràn. Vậy mà xem ra mấy đứa trẻ nhà tôi hoàn toàn thờ ơ.
Để khơi gợi chút không khí Trung thu, năm nay tôi bày cho cả nhà cùng làm bánh trung thu truyền thống. Không ngờ bọn trẻ rất hào hứng, khi được tự tay nhào nắn bột rồi đóng khuôn những chiếc bánh bé bé xinh xinh, tự điều chỉnh hương vị theo gu của từng thành viên trong gia đình, và điều thích thú hơn nữa là khi được thử miếng bánh nóng hổi thơm phức vừa mới ra lò.
Tự làm bánh trung thu handmade thật ra không khó, chỉ cần kiên nhẫn về mặt thời gian thôi. Phần nhân bánh đa dạng nào là: nhân thập cẩm, đậu xanh, dừa sữa, trà xanh, chocolate...Trong thời đại mà mọi thứ đều dư dã, nhiều người hạn chế ăn ngọt, làm bánh trung thu cốt để vui là chính, nên tôi chọn làm nhân đậu xanh vì nguyên liệu không cầu kỳ mà cũng dễ ăn.
Phần nhân: Đầu tiên ngâm 200 gram đậu xanh cà vỏ qua đêm xả sạch, để vô nồi với một lượng nước gấp 3 lần lượng đậu trong nồi, nấu đến khi hạt đậu chín mềm như cháo, rồi cho vào máy xay nhuyễn. Xong cho vào chảo không dính cùng với 100 gram đường, 25 gram dầu ăn, bắc lên bếp nhỏ lửa đảo đều khoảng chừng 10 phút, cho tiếp 25 gram dầu còn lại vào sên đến khi đậu mềm mịn, kết dính; rồi rây bột bánh dẻo từ từ vào, đảo cho bột thấm vào đậu (lấy một ít đậu vo tròn nếu viên nhân giữ nguyên hình dáng không bị mềm nhão là đạt). Chờ nhân nguội bớt bọc kín lại để không bị khô.
Phần vỏ bánh: Cho 150 gram nước đường vào một cái âu, rồi cho một lòng đỏ trứng; cùng một ít dầu ăn, bơ đậu phộng và chút xíu muối trộn đều, sau đó rây 240 gram bột mì vào trộn đến khi thành một khối bột mịn dẻo. Dùng bọc nilon bọc thực phẩm gói kín khối bột để bột không bị khô, để chừng 30 phút bột được nghỉ.
Khâu đóng bánh: Chia nhân và vỏ bánh theo tỉ lệ 2: 1. Vỏ bánh cán mỏng rồi cho nhân đã vo tròn vào ve sao cho phần bột bọc kín nhân. Dùng cọ quét một lớp mỏng dầu ăn lên khuôn để chống dính, cho bánh vào khuôn để tạo hình ấn cho chặt tay rồi gỡ bánh ra khỏi khuôn. Cho bánh vào khay nướng 180 độ C nướng 5-7 phút bánh có màu đục thì lấy ra xịt nước lên mặt bánh cho nguội bớt. Phết 1 lớp mỏng trứng lên mặt bánh rồi cho vào lò nướng tiếp 5-7 phút, làm như vậy khoảng 3 lần là bánh chín vàng đậm.
Ngày nay thị trường có nhiều loại bánh trung thu ngon, lạ nhưng khi nhìn những chiếc bánh trung thu truyền thống “handmade” ngộ nghĩnh do mấy mẹ con tôi tỉ mỉ làm nên, cảm giác thật là thú vị. Hai đứa nhỏ nhà tôi hí hửng xin mẹ đem sản phẩm của mình vào lớp tặng bạn bè, thầy cô và được mọi người trầm trồ ngưỡng mộ, khen ngon. Đứa nào cũng khoái chí quá chừng, về nhà thỏ thẻ: "Năm tới mình làm bánh trung thu nữa nghen mẹ". Làm bánh trung thu handmade tuy cực đấy nhưng mà rất vui!.